|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành gỗ và chuyện 'ăn đong'

06:47 | 26/03/2018
Chia sẻ
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) tỏ ra lo lắng khi ngành gỗ luôn trong tâm thế phải “ăn đong” nguồn nguyên liệu. Khi tham gia CPTPP, muốn tận dụng lợi thế thuế 0%, phải nhập nguyên liệu từ các quốc gia trong khối.

Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, cho biết sự quan tâm của thị trường đối với sản phẩm làm từ gỗ cao su ngày càng tăng kéo theo nhu cầu thu mua loại gỗ này trong những năm gần đây là rất lớn.

Trong khi đó, Trung Quốc đã đóng cửa rừng trên toàn quốc kể từ đầu năm 2017 khiến nước này thiếu hụt khoảng 50 triệu mét khối gỗ mỗi năm và phải bù bằng lượng gỗ nhập khẩu. Do đó, Việt Nam là một trong những thị trường mà thương nhân Trung Quốc đổ sang tìm mua nguyên liệu khiến giá gỗ cao su tăng mạnh trong thời gian qua.

nganh go va chuyen an dong

Tuy nhiên, không phải nước nào cũng có gỗ để bán. Đơn cử, New Zealand, Canada, Chile chủ yếu là gỗ pha, chỉ làm nội thất, còn với Nhật Bản thì không có để bán.

Vẫn theo ông Quyền, năm 2016, Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT. Sau khi hiệp định này có hiệu lực, tất cả các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU đều phải có nguồn gốc hợp pháp.

Việc này phải được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc đã cấm khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu, thương nhân nước họ sẽ tràn ra thế giới thu mua nguyên liệu, bao gồm thu mua ở Việt Nam. Lào và Campuchia - các nước cung cấp gỗ chính cho Việt Nam, cũng đã có chính sách cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng. “Mở rộng và phát triển của ngành gỗ hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn, trong đó đặc biệt phải kể đến cạnh tranh về nguồn gỗ nguyên liệu. Cạnh tranh thể hiện cả về nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung từ trong nước”, ông Quyền nhấn mạnh.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, thời gian tới ngành gỗ sẽ có 4 thách thức về nguồn gỗ nguyên liệu. Thứ nhất, thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng sẽ diễn ra gay gắt. Hiện nay Việt Nam có trên 130 cơ sở sản xuất đang hoạt động. Số lượng nhà máy như vậy sẽ dẫn tới việc cạnh tranh giữa các cơ sở.

Thứ hai, chất lượng gỗ rừng trồng trong nước. Đến nay, gỗ rừng trồng trong nước của Việt Nam có các hạn chế là gỗ chủ yếu có đường kính nhỏ. Chất lượng cây gỗ như độ thon, phân cành sớm, giác đầu, lõi đen, tỷ trọng thấp, chưa được cải thiện; năng suất tính trên 1 ha cho 1 chu kỳ chưa cao, tác động rất lớn đến chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm...

Thứ ba, gỗ có chứng chỉ rừng (FSC, PEFC). Đến nay, Việt Nam mới chỉ có 8% diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC về quản lý rừng bền vững. Trong khi đó, yêu cầu trong các năm tới phải có 100% gỗ có chứng chỉ FSC và gỗ hợp pháp là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp gỗ Việt Nam.

Thứ tư, nguồn cung trong tương lai gần. “Hiện nay đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa Việt Nam và Trung Quốc, thị trường Việt Nam mua đều có Trung Quốc. Từ đó dẫn đến giá nguyên liệu sẽ tăng lên, kiểm soát truy xuất sẽ phức tạp hơn”, ông Quyền kết luận.

Phong Viên