|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành đường: không thể mãi 'giải cứu' kiểu tình thế

21:39 | 03/03/2018
Chia sẻ
Truyền thông đồng loạt đưa tin về tình trạng đường tồn kho lớn tại một doanh nghiệp ở thủ phủ đường miền Tây là tỉnh Hậu Giang khiến chính quyền địa phương kêu gọi cán bộ, công chức “giải cứu” bằng cách tăng tiêu thụ.
nganh duong khong the mai giai cuu kieu tinh the ISO: Giá đường không có khả năng tăng vì nhu cầu vẫn yếu
nganh duong khong the mai giai cuu kieu tinh the Kỷ lục… đường tồn kho
nganh duong khong the mai giai cuu kieu tinh the Mùa mía 'đắng' của ngành đường

“Cuộc chiến” không cân sức với đường nhập lậu

Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO), cho biết chuyện tồn kho đường là đương nhiên vì đặc điểm sản xuất của ngành này theo mùa vụ, tức sản xuất chỉ tập trung trong một thời gian nhất định của năm. “Nhưng năm nay, có đặc thù là đường tồn kho cao hơn so với cùng kỳ năm trước, cho nên, trong cuộc họp đầu năm lãnh đạo tỉnh kêu gọi anh em trong địa phương sử dụng đường của địa phương”, ông Hùng giải thích.

Về nguyên nhân khiến đường tồn kho cao, ông Hùng cho biết, có một phần do đúng vào thời điểm giao thời của hội nhập (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với nội dung quan trọng là xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường có hiệu lực vào đầu năm 2018) nên tâm lý của người tiêu dùng là chờ đợi quyết định của Chính phủ (trước đó Hiệp hội Mía đường Việt Nam có kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường đến năm 2022).

Tuy nhiên, vấn đề tạo áp lực lớn, làm thị trường đường nội địa bế tắc, theo ông Hùng, là do không kiểm soát được đường lậu từ Campuchia tràn qua biên giới các tỉnh Tây Nam. “Nguồn gốc của đường lậu có nhiều, nhưng chủ yếu từ Thái Lan nhập lậu qua biên giới Campuchia”, ông Hùng cho biết. Theo ông, tình trạng này xuất phát từ sự buông lỏng quản lý đường nhập lậu.

Trong câu chuyện đường nhập lậu khiến doanh nghiệp của ông Hùng nói riêng và ngành đường Việt Nam nói chung đau đầu, vấn đề không phải ở số lượng đường nhập lậu mà từ sự “cạnh tranh không cân sức”.

Ông Hùng dẫn chứng, đường lậu không phải nộp 5% thuế nhập khẩu, không phải chịu thuế giá trị gia tăng hay thuế thu nhập doanh nghiệp... Ước tính chênh lệch giá giữa đường nhập lậu và đường trong nước khoảng 10%.

nganh duong khong the mai giai cuu kieu tinh the

Phải có giải pháp căn cơ

Hai vấn đề lớn có ảnh hưởng đến ngành đường trong nước đã được nhìn thấy rõ, đó là áp lực cạnh tranh từ đường nhập lậu và giá thành sản xuất đường, nhất là mía, trong nước còn quá cao so với đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, muốn “giải cứu” ngành đường một cách căn cơ thì phải giải quyết hai mấu chốt này.

Ông Hùng đề xuất, giải pháp quan trọng nhất cần làm trong lúc này là các cơ quan liên quan cần tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp trong nước thông qua việc chống buôn lậu đường hiệu quả.

Song song đó, tổ chức cho được việc trồng mía có giá thành thấp. Như vậy thì doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn nguyên liệu có giá cạnh tranh, tức mới có thể giúp hạ giá thành đường vì sản xuất mía chiếm 70% giá thành sản xuất đường. “Thành ra, cái doanh nghiệp đang cần hiện nay ở địa phương, thứ nhất là quy hoạch diện tích trồng mía ổn định, thứ hai là giúp bà con nông dân thay đổi giống mía, thay đổi tập quán canh tác để làm sao hạ giá thành sản xuất mía”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, thời gian qua doanh nghiệp cũng đã tích cực đầu tư, thực hiện nhiều mô hình thí điểm có giá thành thấp để người dân làm theo, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở... mô hình vì vướng cơ chế chính sách về tích tụ ruộng đất.

Về vấn đề này, cách đây hơn một năm, ông Trần Hữu Hiệp, khi đó là ủy viên chuyên trách của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết một trong những “điểm nghẽn” của sản xuất nông nghiệp quy mô lớn là doanh nghiệp, nông dân chưa được phép tích tụ ruộng đất đủ lớn do “vướng trần” hạn điền. Vì vậy, lúc bấy giờ ông đề xuất chọn đồng bằng sông Cửu Long thực hiện thí điểm “bỏ hạn điền” để có cơ sở thực tiễn, tổng kết, bổ sung lý luận và đề xuất chủ trương chính sách mới liên quan đến đất đai.

Mới đây, trao đổi với TBKTSG, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, lưu ý rằng bên cạnh việc giá thành sản xuất mía cao do kỹ thuật trồng trọt của Việt Nam, thì thiết bị chế biến, hiệu suất của các nhà máy đường trong nước cũng còn nhiều hạn chế, sản lượng đường chế biến ra thấp hơn so với các nước. Mặt khác, do đa số các nhà máy đường Việt Nam đã tư nhân hóa nên cổ đông của doanh nghiệp luôn muốn có lời nhiều, thành thử, cũng khiến giá đường của Việt Nam khi đưa ra thị trường luôn cao. Vì vậy, muốn hạ giá thành sản xuất đường thì những vấn đề nêu trên cần được giải quyết đồng bộ.

Trung Chánh