Ngành bất động sản, nông nghiệp và logistics của Việt Nam có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại
Mảng thẻ Vcoin và viễn thông tụt dốc, doanh thu quý II công ty mẹ HomeDirect giảm 83% | |
Doanh thu tăng, VNDIRECT vẫn báo lãi quý II giảm 21% |
Căng thẳng thương mại vẫn tiếp tục kéo dài
Theo VNDIRECT, cả phía Trung Quốc và Mỹ đều chưa cho thấy dấu hiệu lay chuyển trong cuộc chiến thuế quan thương mại.
Thực tế thời gian qua cho thấy, Trung Quốc đã chịu một số thiệt hại đáng kể như thị trường chứng khoán sụt giảm, đồng nhân dân tệ mất giá và dòng vốn đầu tư đang chậm lại. Trong khi đó nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở trong giai đoạn tích cực. Vì vậy, VNDIRECT cho rằng Mỹ có thể sẽ tiếp tục gia tăng áp lực và cố gắng giành lấy những thỏa thuận có lợi, những nhượng bộ lớn từ phía Trung Quốc.
Giai đoạn bất ổn leo thang
Ngay cả khi cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra cùng thời điểm bóng ma chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, thị trường chứng khoán cũng chỉ điều chỉnh tương đối nhẹ. Nguyên nhân có thể đến từ việc những dữ liệu kinh tế của Mỹ tích cực một cách đột biến và giai đoạn bùng nổ cuối cùng của làn sóng cổ phiếu công nghệ Mỹ.
Với việc nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được hỗ trợ bởi tác động mang tính thời điểm từ đợt cải cách thuế, VNDIRECT cho rằng tăng trưởng có thể sẽ chậm lại trong thời gian tới. Một khi thị trường bắt đầu nhận ra sự hụt hơi trong nền kinh tế Mỹ, những tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại sẽ dần hiện ra rõ hơn đối với thị trường tài chính.
Tóm lại, VNDIRECT nhận định một đợt điều chỉnh tiếp theo của thị trường tài chính toàn cầu đang chờ sẵn, trừ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhượng bộ và đưa ra những thỏa thuận mang tính đột phá.
Chỉ số bất ổn toàn cầu. Nguồn: VNDIRECT. |
Tác động đến Việt Nam mạnh nhất giai đoạn 2020-2021
Trong một hội nghị gần đây, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NCIF) đã đưa ra những đánh giá về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lên Việt Nam. Theo NCIF, GDP của Việt Nam có thể chỉ sụt giảm 0,03% trong năm 2018 (tương đương 60 triệu USD) khi đợt đánh thuế đầu tiên có hiệu lực, nhưng tác động này sẽ tăng lên mức 0,12% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2021. Không đề cập đến độ chính xác của dự báo nói trên, VNDIRECT nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất trong giai đoạn 2020-2021.
Đơn vị: %GDP. Nguồn: VNDRIRECT, NCIF, VnExpress. |
Một số ngành có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại:
VNDIRECT nhận thấy một số ngành kinh tế của Việt Nam có thể được hưởng lợi phần nào từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong trường hợp căng thẳng kéo dài, cụ thể:
(1) Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản: Việc Trung Quốc áp thuế trả đũa lên nông sản của Mỹ có thể giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường tiêu dùng Trung Quốc rộng lớn, phần nào tận dụng cơ hội từ khoảng trống mà các DN Mỹ để lại.
(2) Bất động sản khu công nghiệp: Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam có thể tăng lên do các doanh nghiệp Trung Quốc đặt nhà máy Việt Nam để xuất khẩu qua Mỹ hoặc các DN Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác có thể dừng kế hoạch mở rộng công suất sản xuất ở Trung Quốc mà chuyển qua Đông Nam Á.
(3) Logistics, Vận tải & Khai thác cảng: Khả năng nhiều vốn FDI sẽ đổ vào Việt Nam hơn đồng nghĩa với khả năng lưu lượng hàng hóa ra-vào Việt Nam sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên đây dường như là cơ hội dài hạn khi mà trong ngắn hạn, lưu lượng hàng hóa có thể sụt giảm do căng thẳng thương mại và những bất ổn tiếp diễn.