|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng nỗ lực bơm vốn, bàn đạp cho tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19

14:46 | 11/05/2020
Chia sẻ
Với nhiều chương trình cho vay ưu đãi, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ,... các ngân hàng đang nỗ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế một cách hợp lí, trở thành bàn đạp giúp cho doanh nghiệp phục hồi sau những tàn phá của dịch COVID-19.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới chịu những tác động nặng nề, sụt giảm mạnh cả về phía cung và cầu khiến nền kinh tế trì trệ, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh tạm ngừng, hàng nghìn doanh nghiệp đóng cửa và số người thất nghiệp tăng cao. 

Những khó khăn của người dân và doanh nghiệp chồng chất đã ảnh hưởng trực tiếp tới  các ngân hàng Việt. Dòng tiền cạn kiệt khi hoạt động tạm dừng, không có đầu ra khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh thiếu vốn, thanh khoản, không có tiền trả nợ vay, trả lương công nhân và những chi phí khác.

Và trong lúc đó, sự hỗ trợ của ngân hàng được ví như một chiếc phao cứu sinh cho toàn nền kinh tế đang trì trệ, đặc biệt là những doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ dịch bệnh.

Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra có sức ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Theo tổ chức Oxfam

Ngân hàng thể hiện rõ vai trò là những người tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định trạng thái nền kinh tế. 

Ngay từ tháng 2, khi dịch bệnh bắt đầu xâm nhập hạn chế vào Việt Nam, các ngành du lịch, hàng không chịu tác động mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhanh chóng lên kế hoạch thực hiện hỗ trợ các khách hàng vay. 

Liên tiếp những gói vay hàng nghìn tỉ đồng được đưa ra cùng với chính sách miễn giảm lãi vay, phí,... và một trong những chính sách đặc biệt và đáng ghi nhận là việc giãn nợ, cơ cấu lại các khoản nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Việc gia hạn nợ, cơ cấu nợ, tạm ngưng trả lãi,... là điều vô cùng thiết thực trong hoàn cảnh hiện nay, giúp cho các doanh nghiệp, khách hàng vay tránh được khoảng thời gian "thở dốc" vì trả lãi, trả lương, trả tiền thuê và vô vàn các chi phí khác. Mất thanh khoản là yếu tố trực tiếp dẫn họ đến với con đường phá sản.

Trên thực tế, cung ứng vốn hay cơ cấu nợ giúp khách hàng vượt qua khó khăn cũng chính là giúp ngân hàng duy trì được nguồn khách hàng, tránh cho những khoản vay chuyển thành nợ xấu. 

Giữa tháng 3, sau động thái cắt giảm lãi suất bất ngờ của Fed về gần mức 0%, NHNN cũng chính thức ban hành quyết định cắt giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5 - 1 điểm % và trần lãi suất tiền gửi các kì hạn ngắn, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ. 

Đây là động thái chính thức cho việc nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế. Lạm phát thấp, giá dầu giảm chính là điều kiện để NHNN có thể tiếp tục giảm trần lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng nỗ lực bơm vốn, bàn đạp cho tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN (Nguồn: NHNN).

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết việc giảm các lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua OMOs phát tín hiệu về sự sẵn sàng của NHNN hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) khi cần tiếp cận vốn.

Đồng thời, trước sự biến động mạnh của tỷ giá USD khi các nhà đầu tư trên thế giới e ngại một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, ông Hà khẳng định NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết thậm chí sẽ bán ra ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Khẳng định trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Thống đốc Lê Minh Hưng nói: "Trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn".

Ngân hàng nỗ lực bơm hàng nghìn tỉ đồng ra nền kinh tế

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ thị của NHNN, các ngân hàng đồng loạt tung các chương trình hỗ trợ khách hàng. Luỹ kế từ ngày 23/1/2020 (thời điểm Thủ tướng công bố có dịch) tới cuối tháng 4 đã có hơn 500.000 tỉ đồng dư nợ mới được cấp cho khoảng 150.000 khách hàng với lãi suất giảm khoảng 1 - 2 điểm %.

Không chỉ là khoản vay mới, hơn 980.000 tỉ đồng dư nợ hiện hữu cũng được giảm lãi suất ít nhất 0,5 điểm % và cao nhất tới 4 điểm %.

Cũng đến cuối tháng 4, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 130.000 tỉ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ khoảng 29.000 tỉ đồng.

Những "ông lớn" ngân hàng có vốn lớn của Nhà nước là những đầu tàu trong việc thực hiện giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho khách hàng.

Trong 4 tháng đầu năm, Agribank cho biết đã giải ngân được trên 10.030 tỉ đồng cho 6.043 khách hàng theo chương trình tín dụng 100.000 tỉ đồng và thực hiện miễn giảm lãi cho 27.500 khách hàng với dư nợ 45.165 tỉ đồng. BIDV cũng đã giải ngân khoảng 35.000 tỉ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm từ đầu năm giúp khách hàng cá nhân duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh. 

Theo cho biết từ Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ, đến cuối tháng 4, ngân hàng đã giải ngân cho hơn 6.000 khách hàng gặp khó khăn bởi dịch bệnh với doanh số giải ngân mới đạt trên 130.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay giảm 2-2,5 điểm %. 

Đồng thời, VietinBank dự kiến dành 3.000-4.000 tỉ đồng từ cắt giảm lợi nhuận năm 2020 để hỗ trợ lãi suất và giảm phí dịch vụ. Trong đó, từ ngày 23/1 đến nay, VietinBank đã giảm hơn 800 tỉ đồng tiền lãi để hỗ trợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng.

Những ngân hàng cổ phần cũng không nằm ngoài cuộc khi cũng liên tiếp triển khai các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi mới, giảm lãi cho khách hàng hiện tại,...

Thúc đẩy tín dụng, bàn đạp cho tăng trưởng kinh tế

Mặc dù liên tiếp các chương trình ưu đãi, giảm lãi,... và công bố tới nửa triệu tỉ cho vay mới được tung ra thị trường nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. 

Dư nợ tín dụng hầu như không tăng trong hai tháng đầu năm và chỉ đến tháng 3 mới có bước tăng trưởng tích cực. Tính tới cuối tháng 3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,3% so với cuối năm 2019 (đến ngày 28/4 là 1,32%), tương đương với con số tuyệt đối tăng trưởng là hơn 106.000 tỉ đồng.

Còn theo khảo sát của người viết từ báo cáo tài chính 28 ngân hàng, tổng cho vay khách hàng các ngân hàng vào cuối quí I tăng 47.250 tỉ đồng, tương đương tăng 0,8% so với cuối năm trước. 

Con số tăng trưởng thấp không phải là quá bất ngờ với thị trường khi trước đó, các công ty chứng khoán và nhiều chuyên gia kinh tế đã lường trước sự sụt giảm mạnh về nhu cầu vay do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Theo kế hoạch dự kiến của NHNN, trong năm 2020, tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỉ đồng đến 1,1 triệu tỉ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng 11-14%. 

Với khởi động chậm chạp trong quí đầu năm, các ngân hàng kì vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong các quí tiếp đó. Tăng trưởng cho vay là mong muốn của các ngân hàng vì có tăng trưởng thì với có thể duy trì hoặc tăng lợi nhuận trong bối cảnh giảm lãi suất.

Ngân hàng nỗ lực bơm vốn, bàn đạp cho tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Thống đốc Lê Minh Hưng (Nguồn: NHNN).

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian sắp tới, để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế vượt dịch COVID-19, NHNN sẽ xem xét giảm tiếp các loại lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu, thị trường mở,...

Căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các TCTD cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm.

"Toàn hệ thống ngân hàng cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng", Thống đốc NHNN khẳng định.

Mục tiêu đẩy mạnh tín dụng của ngân hàng cũng hoàn toàn khớp với kế hoạch sử dụng "mũi tiến công" là đầu tư công để tăng trưởng kinh tế được Thủ tướng nhắc đến trong các cuộc họp gần đây. 

Thủ tướng nhấn mạnh việc giải ngân 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công trong năm nay là vô cùng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt trên 5% (trong khi con số dự báo của Quĩ tiền tệ quốc tế là 2,7%).

Bên cạnh những nỗ lực để mở rộng cho vay, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngành ngân hàng dường như cũng đang thúc đẩy mạnh hơn sự đầu tư phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt với hàng loạt ứng dụng, ví điện tử,... được đầu tư nâng cấp. Gần đây nhất, NHNN đã trình Chính phủ về việc chính thức thí điểm về Mobile Money, điều được nhiều nhà mạng mong chờ. Dự kiến sẽ chính thức được cấp phép thực hiện trong tháng 6 tới.

Diệp Bình