Không chỉ giảm tốc, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã về mức âm trong quí I
Nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 1,1% so với cùng kì. Trước đó, hai tháng đầu năm, chỉ tiêu này chỉ tăng 0,06%, thấp kỉ lục trong 6 năm qua do dịch COVID-19 hoành hành.
Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng cho hay tính đến giữa tháng 4/2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả nước chỉ đạt 0,8%.
Giải thích lí do tín dụng sụt giảm mạnh, ông Hùng cho biết hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn.
"Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp. 4 ngân hàng quốc doanh muốn đẩy mạnh vốn vay mà không thể cho vay được", ông Hùng cho biết thêm.
Cũng theo số liệu từ báo cáo tài chính quí I/2020 của 27 ngân hàng, tổng dư nợ cho vay ra nền kinh tế của các ngân hàng vào cuối tháng 3 là gần 5,9 triệu tỉ đồng, tăng 1,1% so với cùng kì năm trước.
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu vay vốn đã sụt giảm mạnh khiến tăng trưởng ngân hàng giảm tốc, thậm chí đã có tới 9 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm. Có thể kể đến như: NCB, MB, ABBank, SeABank, PG Bank, Saigonbank, Eximbank và cả những ông lớn như BIDV, VietinBank.
Cùng với đó cũng chỉ có 4 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng trên 5% gồm OCB (tăng 8,8%), SHB (tăng 6,4%), VietABank (tăng 5,3%) và TPBank (tăng 5,1%). Điều này cho thấy hoạt động cho vay chậm lại ở hầu hết các ngân hàng.
Trong ba ngân hàng TMCP Nhà nước thì chỉ có Vietcombank có tăng trưởng cho vay đạt 2,7% còn lại VietinBank, BIDV đều ghi nhận con số âm.
Tăng trưởng tín dụng giảm tốc nhưng dự phòng rủi ro cho vay lại tăng khá mạnh cho thấy sự thận trọng trước nguy cơ phát sinh nợ xấu của các ngân hàng. Tính đến 31/3/2020, tổng dự phòng rủi ro cho khách hàng đạt 86.474 tỉ đồng, tăng 13,5% so với cùng kì.
Trong đó, có 5 ngân hàng có tăng trưởng dự phòng rủi ro trên 15% bao gồm Vietcombank (tăng 38,8%), Kienlongbank (tăng 23%), OCB (tăng 22,1%), MBBank (tăng 22,1%), TPBank (tăng 18,5%).
Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dự phòng rủi ro là LienvietPostBank (giảm 0,5%), PG Bank (giảm 4,3%), SeABank (giảm 17,4%).
Top 10 ngân hàng cho vay nhiều nhất
Trong 5,7 triệu tỉ đồng dư nợ cho vay tại 27 ngân hàng, lượng cho vay ra của ba "ông lớn" ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV chiếm tỉ trọng gần 50% với 2,8 triệu tỉ đồng.
Ở nhóm ngân hàng cổ phần, dẫn đầu có số dư cho vay khách hàng lớn nhất là những gương mặt như: Sacombank (306.299 tỉ đồng), SHB (282.160 tỉ đồng), ACB (274.794 tỉ đồng), VPBank (263.748 tỉ đồng)....
Số dư cho vay khách hàng các ngân hàng cuối quí I/2020
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/