Liên tục báo lãi lớn, lợi nhuận ngân hàng có tăng thực chất?
Đã gần 6 tháng trôi qua kể từ ngày đại dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc làm đình trệ, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 dường như đang có sự biểu hiện chậm pha đối với ngành ngân hàng khi kết quả lợi nhuận quí I của nhiều nhà băng vẫn cho kết quả khả quan, thậm chí con số lợi nhuận của nửa đầu năm vẫn có thể vượt cùng kì năm trước, theo tiết lộ từ phía các ngân hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động vào hai yếu tố cơ bản của ngành ngân hàng đó là nhu cầu vay vốn và chất lượng tài sản.
Hoạt động kinh doanh khó khăn khiến các cá nhân, doanh nghiệp đều dè chừng với những kế hoạch đầu tư mới, mở rộng qui mô, nhiều nơi có thể chứng kiến hàng loạt cửa hàng đóng cửa. Những mảng kinh doanh ảnh hưởng nặng nề như du lịch, khách sạn, hàng không đã và đang trong cơn "bĩ cực".
Điều đó khiến cho nhu cầu tín dụng của toàn nền kinh tế giảm mạnh, được thể hiện rõ rệt qua con số tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm. Theo công bố của NHNN, tính tới 16/6, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới chỉ đạt 2,13%, một con số cực kì khiêm tốn so với chỉ tiêu của cả năm là 14% và thấp hơn nhiều so với mức 6,22% trong cùng kì năm 2019 và 6,1% trong năm 2018 (tính tới 18/6).
Bên cạnh đó, nguy cơ phát sinh nợ xấu tăng dần, nợ xấu tiềm ẩn tại các ngân hàng có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Tổng số dư nợ xấu của 24 ngân hàng công bố báo cáo tài chính tăng 11,3% trong 3 tháng đầu năm, một nửa trong số đó có tăng trưởng nợ xấu hai con số.
Thông tin trong họp báo gần đây, đại diện NHNN chia sẻ tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống hiện vẫn duy trì dưới 2% nhưng nợ xấu tiềm ẩn trong 3 tháng gần đây (từ tháng 3-5) có chiều hướng tăng do tác động của dịch COVID-19. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết nợ xấu của hệ thống ngân hàng có khả năng sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm.
Nhận định về vấn đề này, Chuyên gia tài chính TS.Cấn Văn Lực cho rằng những tác động của dịch COVID-19 tới ngân hàng là có độ trễ. Doanh nghiệp và người dân là các khách hàng gặp khó khăn trước sau đó mới tác động tới ngân hàng.
Ông cho biết trong số liệu của các ngân hàng công bố hiện nay, về cơ bản là họ chưa trích lập hết dự phòng rủi ro cho nên lợi nhuận vẫn tăng. Điều đó chưa phản ánh đúng mức độ tác động của dịch COVID-19 đến thời điểm này vì chưa trích lập dự phòng rủi ro trong 5 tháng đầu năm.
"Thông thường các ngân hàng sẽ trích lập dự phòng rủi ro vào cuối quí, nhất là vào cuối quí IV, khi đó mức độ phản ánh về lợi nhuận ngân hàng mới sát hơn", ông nói.
Theo tính toán của nhóm phân tích của ông thì trong năm 2020 dự kiến lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm từ 30.000 - 34.000 tỉ đồng, tương đương với mức giảm từ 20 - 25% so với kế hoạch ban đầu.
Là ngành chịu tác động có độ trễ bởi dịch COVID-19 nên nếu chỉ nhìn từ bên ngoài qua những con số lãi hàng nghìn tỉ đồng, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không được thể hiện hoàn chỉnh. Để đánh giá thực chất về những biến đổi đã và đang xảy ra cần có cái nhìn sâu hơn về cơ cấu lợi nhuận, chất lượng lợi nhuận của các nhà băng.
Ngân hàng là một doanh nghiệp đặc thù với hàng hoá chính là "tiền tệ" và các hoạt động bổ trợ (dịch vụ thanh toán, đầu tư kinh doanh tài chính khác), do đó việc dùng những tỉ lệ ROE hay ROS để so sánh giữa ngân hàng với các doanh nghiệp thông thường đều là những đánh giá khập khiễng.
Xét về mặt tỉ trọng, thu nhập lãi thuần là nguồn thu nhập chính của các ngân hàng thương mại, là chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi. Đây là kết quả của việc kinh doanh "tiền" với hoạt động huy động đầu vào và cho vay đầu ra.
Khảo sát từ nhóm ngân hàng niêm yết trong quí I, thu nhập lãi thuần chiếm tới 78% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi từ các hoạt động còn lại chiếm lần lượt 9,8% và 12,2%, giảm đáng kể so với mức 11,8% và 15,2% trong quí IV/2019, theo tổng hợp từ Fiin Group.
Cùng với đó, tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng trong quí đầu năm đang cho tín hiệu giảm tốc, ở mức thấp hơn so với cả cùng kì năm trước lẫn quí liền kề.
Không chỉ giảm tốc về tăng trưởng, chất lượng của thu nhập lãi thuần cũng có chiều hướng giảm. Theo số liệu từ Fiin Group, tỉ lệ lãi và phí dự thu/Thu nhập lãi thuần đã tăng trở lại, ở mức 168,1%, sau khi có xu hướng giảm trong 5 quí liền kề trước đó.
Lãi và phí dự thu là những khoản đã ghi nhận vào doanh thu nhưng chưa thực sự thu được. Việc dự thu là một hoạt động bình thường của ngân hàng trong quá trình hoạt động nhưng nếu số dự thu quá cao sẽ tạo nên một phần "lãi ảo". Trên thực tế, nhiều khoản nợ đã dự thu nhưng lại khó hoặc không thu hồi được và cuối cùng sẽ không thể trở thành lợi nhuận thực của ngân hàng.
Đáng chú ý, trong số những khoản dự thu này đã không tính đến số lãi dự thu của những khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo qui định của Thông tư 01 của NHNN.
Khi mà nợ xấu tiềm ẩn là thực tế khó tránh khỏi trong hoàn cảnh hiện tại thì có lẽ con số lãi dự thu thực tế có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới và ở mức nào phụ thuộc vào mức độ kiểm soát rủi ro của từng ngân hàng.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng mặc dù có kết quả kinh doanh lạc quan trong các tháng đầu năm nhưng lợi nhuận ngân hàng vẫn phải đứng trước thách thức lớn là nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro.
Thống kê từ báo cáo tài chính quí I/2020 của 24 ngân hàng, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng đã tăng 34% so với cùng kì năm trước với gần 21.400 tỉ đồng. Nhiều ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng trên 100% như Techcombank (tăng 362%), OCB (tăng 134%), MBBank (tăng 117%), TPBank (tăng 109%) và Kienlongbank (tăng 3.350%).
Chi phí này cũng tăng mạnh điển hình tại các "ông lớn" như Vietcombank (tăng 43%), VietinBank (tăng 36%) và BIDV (tăng 17%). Đây là nguyên nhân chính kéo tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quí I về mức âm so với cùng kì năm trước.
Theo ước tính của công ty chứng khoán VCBS, để dư nợ xấu toàn hệ thống về mức 1,5% - 2% như giai đoạn trước khi có dịch bệnh thì chỉ cần 1 - 2 năm với điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi nhưng có thể cần tới 3 - 5 năm nếu như nền kinh tế gặp phải những trì trệ.
Đọc tiếp Bài 2: Ngân hàng có khả năng tiếp tục hạ lãi suất cho vay?