|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cập nhật KQKD ngân hàng 2023: Lợi nhuận phục hồi mạnh trong quý IV, nhiều cái tên lãi vượt tỷ đô

10:38 | 24/01/2024
Chia sẻ
Mặc dù trải qua một năm khó khăn, nhiều ngân hàng đã ghi nhận kết quả kinh doanh phục hồi mạnh mẽ trong quý IV. Hiện có ít nhất 4 nhà băng với lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2023.

4 ngân hàng lãi vượt tỷ đô

Tính đến ngày 23/1, đã có tổng cộng 16 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023, tương đương gần một nửa số ngân hàng niêm yết tại Việt Nam và ba ngân hàng Agribank, PVcomBank và BaoViet Bank.

Trong đó, đã có 7 nhà băng đã cung cấp báo cáo tài chính chi tiết và 4 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận vượt mốc tỷ USD trong năm 2023 như Vietcombank, BIDV, Agribank, MB.

Vietcombank hiện đang dẫn đầu toàn ngành với lợi nhuận riêng lẻ năm 2023 ước tính ở mức 40.400 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. 

Nhiều khả năng BIDV sẽ đứng thứ hai với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 26.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 27.400 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Agribank báo lãi trước thuế riêng lẻ ở mức từ 25.300 đến 25.400 tỷ đồng. 

Trong khi đó, VietinBank cho biết lợi nhuận trước thuế đã vượt kế hoạch đề ra, ở mức trên 24.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái. 

 

Trong nhóm cổ phần, MB ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ đạt 24.688 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng đạt 26.200 tỷ đồng. 

Trên bảng xếp hạng lợi nhuận các ngân hàng đã có 7 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng, ngoài các ông lớn nói trên còn có Techcombank (22.882 tỷ đồng) và VIB (10.700 tỷ).

Bên cạnh đó, một số nhà băng cũng đã hé lộ lợi nhuận năm 2023 như Sacombank, LPBank, TPBank, Eximbank, Bac A Bank, PGBank, Saigonbank, PVcomBank và BaoViet Bank.

Lợi nhuận tăng mạnh trong quý IV

Nhìn chung, nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV đều ghi nhận sự phục hồi về lợi nhuận. Tuy nhiên, vẫn có 2/7 nhà băng báo lợi nhuân sụt giảm hoặc thua lỗ trong quý vừa qua.

Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank - Mã: SGB), lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 66,9 tỷ đồng, gấp gần 80 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận quý IV cao nhất kể từ khi ngân hàng này bắt đầu công bố báo cáo tài chính theo từng quý. 

Nhờ kết quả khả quan trong quý cuối năm, lợi nhuận sau thuế cả năm của Saigonbank tăng 40,4% so với năm ngoái, đạt 266,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 332,2 tỷ đồng.

Chỉ PGBank và TPBank báo lỗ hoặc lãi giảm, các ngân hàng còn lại đều ghi nhận lợi nhuận tăng.

LPBank (Mã: LPB) báo lãi sau thuế quý IV đạt 2.627,9 tỷ đồng, tăng 293,5% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, chỉ sau Saigonbank (mức nền rất thấp). 

Xét cả năm, lợi nhuận sau thuế của LPBank đạt 5.572,2 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của quý IV và cả năm lần lượt ở mức 3.352,6 tỷ đồng và 7.039,4 tỷ đồng - đều là mức lãi cao nhất trong lịch sử của ngân hàng. 

Theo giải trình của ngân hàng kết quả đột biến trong quý IV/2023 đến từ việc đẩy mạnh cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Đồng thời, dịch vụ ngoại hối cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng vọt, cũng như LPBank triển khai nhiều sản phẩm mới, hỗ trợ thu nhập dịch vụ.

Đứng thứ ba là Bac A Bank với lợi nhuận sau thuế quý IV tăng trưởng gần 60%, đạt 410,2 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế của nhà băng này ở mức 854,4 tỷ đồng, tăng 2,6%. Lợi nhuận trước thuế trong quý IV và 2023 của Bac A Bank lần lượt ở mức 509,6 tỷ đồng và 1.060,8 tỷ đồng. 

Trong quý IV, khoản lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh khác đã nâng đỡ lợi nhuận của Bac A Bank, trong bối cảnh mảng thu nhập lãi thuần, dịch vụ và kinh doanh ngoại hối đều đi xuống. 

Ngày 22/1, Techcombank đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 4.482 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ở mức gần 18.200 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

Trước đó, trong báo cáo tài chính, BaoViet Bank ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 44,6 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Xét lũy kế cả năm, ngân hàng thu về 71,6 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ 1,5% so với năm 2022. Nếu dùng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, trong quý IV và năm 2023, BaoViet Bank đã thu về lần lượt 55,9 và 89,7 tỷ đồng. 

Đặc biệt, trong quý IV/2023, thu nhập lãi thuần của BaoViet Bank tăng tới hơn 108% mang về 650,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, những hoạt động ngoài lãi như dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác lại kém sắc.

Ở diễn biến trái chiều, vẫn có một số ngân hàng lại ghi nhận lợi nhuận quý IV giảm so với cùng kỳ năm trước như Eximbank, TPBank, hay thậm chí lỗ như PGBank.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 2.720 tỷ đồng, giảm 26,7% so với năm 2022. Đồng thời, ngân hàng cũng không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 5.000 tỷ đồng khi chỉ mới thực hiện 54,4% kế hoạch đã đề ra. 

Trong 9 tháng đầu năm, Eximbank báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt 1.712,1 tỷ đồng. Từ con số này, có thể ước tính lãi quý IV/2023 của ngân hàng là hơn 1.000 tỷ đồng. Mặc dù không đạt được kết quả như kế hoạch, lợi nhuận quý IV vừa qua của Eximbank là kết quả cao nhất kể từ năm 2011.

TPBank báo lãi sau thuế quý IV đạt gần 494 tỷ đồng, giảm 67,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận cả năm đạt 4.463 tỷ đồng, giảm 27,7%. Ngân hàng cho biết kết quả trên đến từ việc thực hiện các chính sách hỗ trợ như giảm lãi, giảm phí. Đồng thời, TPBank đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý IV nhằm đảo bảo chất lượng tín dụng. 

PGBank là ngân hàng duy nhất lỗ trong quý cuối cùng của năm với - 4,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái từng lãi 95 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, ngân hàng thu về lợi nhuận sau thuế là 283,5 tỷ đồng, giảm 29,8% so với 2022.  Mặc dù thu nhập lãi thuần trong quý IV và cả năm 2023 của PGBank đều tăng so với cùng kỳ nhưng các mảng kinh doanh khác sa sút đã kéo lùi lợi nhuận của ngân hàng. 

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.