|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Techcombank lãi hơn 18.000 tỷ trong năm 2023, dự kiến chia cổ tức 1.500 đồng/cp

21:44 | 22/01/2024
Chia sẻ
Techcombank đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế gần 22.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Đồng thời, lần đầu tiên sau một thập kỷ, ngân hàng dự kiến sẽ dành khoảng 20% lợi nhuận để chia cổ tức.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 4.482 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ở mức gần 18.200 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

Nếu sử dụng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, trong cả năm 2023, Techcombank đã thu về gần 22.900 tỷ đồng, giảm 10,5%. Kết quả trên đã vượt kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua là 22.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo công bố của Techcombank, ngân hàng dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận, tương đương 4 - 5% vốn chủ sở hữu tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.

 

Trong quý IV/2023, thu nhập lãi thuần của Techcombank đã ghi nhận mức tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ, đạt gần 7.600 tỷ đồng sau khi sụt giảm liên tiếp trong ba quý trước đó. Tương tự, các hoạt động kinh doanh ngoài lãi của ngân hàng cũng đạt được kết quả khoản quan.

Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 1,5%, lên gần 2.500 tỷ đồng. Techcombank cho biết những mảng kinh doanh đóng góp mạnh mẽ vào thu nhập dịch vụ là dịch vụ thẻ, thu từ thư tín dụng tiền mặt và thanh toán cũng như dịch vụ ngoại hối.

Hoạt động dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng đầu tư cũng đã có sự phục hồi trong quý IV/2023, bất chấp khó khăn. Trong đó, thu từ dịch vụ bảo hiểm quý IV tăng 25,2% so với cùng kỳ, giữ vị trí thứ nhất toàn ngành về phí bảo hiểm hàng năm. 

Thu phí dịch vụ ngân hàng đầu tư quý IV/2023 tăng trưởng gần 136% so với cùng kỳ và tăng 4,1% so với quý 3, chủ yếu nhờ mô hình môi giới. Ngoài ra, thị phần của Chứng khoán Techcombank (TCBS) đã vươn lên vị trí thứ ba tại HoSE.

Ngoài ra, Techcombank còn ghi nhận 1.400 tỷ đồng từ các mảng kinh doanh khác, so với mức thua lỗ 373 tỷ đồng vào năm 2022. Kết quả này chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư và khoản lãi thu được từ việc thanh lý trụ sở cũ tại Hà Nội vào quý I/2023.

Nhờ thu nhập lãi thuần và thu ngoài lãi khởi sắc, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Techcombank trong quý IV đã tăng 17,8%, lên hơn 11.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động 7,8% so với cùng kỳ và kéo tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) xuống 33,1%.

Kết quả kinh doanh của Techcombank.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro trong quý IV/2023 của ngân hàng đã tăng 136,4% so với cùng kỳ trong bối cảnh nợ xấu đi lên. Việc tăng dự phòng cũng giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank tăng lên mức 102% vào cuối năm. Chi phí tín dụng của ngân hàng được kiểm soát ở mức 0,8%. 

Sau khi trừ đi chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt gần 5.800 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ.

Nhìn vào kết quả cả năm, có thể thấy trong bối cảnh thu nhập lãi thuần đi xuống do chi phí trả lãi tăng cao, các mảng kinh doanh ngoài lãi đã nâng đỡ lợi nhuận của Techcombank. Tuy nhiên do ngân hàng tăng chi phí dự phòng thêm 102,5% đã khiến lợi nhuận trước thuế giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, kết quả này vẫn phù hợp với kế hoạch và dự báo của Ban Lãnh đạo ngân hàng.

Techcombank khép lại quý IV/2023 với hơn 13,4 triệu khách hàng, ghi nhận 2,6 triệu khách hàng mới trong cả năm 2023, nhiều hơn gấp đôi con số của năm 2022. Trong số đó, 46,8% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 36,2% thông qua hệ sinh thái của các đối tác. 

Một số chỉ tiêu tài chính của Techcombank.

Tăng trưởng tín dụng chủ yếu nhờ cho vay tổ chức

Tính đến cuối quý IV, tổng tài sản của ngân hàng ở mức gần 849.500 tỷ dồng, tăng 21,5% so với cuối năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ là 19,2%, phù hợp với hạn mức được cấp của ngân hàng nhà nước, chủ yếu từ tăng cho vay với khách hàng tổ chức (tăng từ 193.716 tỷ đồng lên 297.161 tỷ đồng). Tỷ trọng cho vay khách hàng tổ chức tăng từ 47,11% cuối 2022 lên 59,22% vào cuối 2023.

Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của ngân hàng ở mức 77,4% vào cuối năm 2023, trong khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 26,4%, cải thiện đáng kể so với kết quả 30,6 vào cuối quý III. Tỷ lệ này cũng đã thấp hơn nhiều so với mức trần mới là 30%, có hiệu lực kể từ 1/10/2023.

Tiền gửi khách hàng ở mức 454.700 tỷ đồng, tăng 26,9% so với đầu năm và 11,2% so với quý III. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Techcombank đã phục hồi mạnh mẽ, đạt 181.500 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và tương ứng với tỷ lệ 39,9%. 

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Ngân hàng đạt 14,4%, tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong ngành ngân hàng và cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0%. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank (tính bằng nợ nhóm 3,4 và 5 chia tổng cho vay khách hàng) ở mức 1,14%, cải thiện so với quý III.

Tính đến cuối năm 2023, số nhân viên của Techcombank là 11.614 người, giảm hơn 700 nhân viên so với đầu năm. Tuy nhiên, chi phí bình quân cho nhân viên đã được cải thiện lên mức 46 triệu đồng/người/tháng.

Minh Quang

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.