Techcombank vượt MB, Vietcombank trở thành ngân hàng chịu chi nhất cho nhân viên trong 9 tháng
Thu nhập nhân viên ngân hàng luôn là đề tài được nhiều người quan tâm bởi đây là ngành có tính cạnh tranh cũng như thu nhập cao. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm của 28 ngân hàng, mức chi hàng tháng cho nhân viên ở mức 34,8 triệu đồng. Chi phí này bao gồm cả lương, thưởng, phụ cấp và những loại chi phí khác.
Nếu coi chi phí hàng tháng cho nhân viên ngân hàng là thu nhập bình quân, thì mỗi tháng, một nhân viên ngân hàng kiếm được nhiều gấp 5 lần so với một người lao động trung bình tại Việt Nam (7 triệu đồng/tháng).
Techcombank trở lại vị trí đầu bảng
Thu nhập nhân viên của nhóm Big4 ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank luôn thu hút được sự chú ý lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, mức chi phí bình quân cho nhân viên tại các ngân hàng này trong những năm trở lại đây đã thua kém nhiều ngân hàng tư nhân lớn.
Trong 9 tháng đầu năm, Techcombank, MB là hai cái tên dẫn đầu về độ chịu chi cho nhân viên. Những "ông lớn" như Vietcombank, BIDV và VietinBank lại đứng lần lượt vị trí thứ 3, 4 và 6. Những vị trí còn lại trong Top 10 thuộc về ACB, TPBank, SHB, VIB và Sacombank.
Techcombank đã giành lại vị trí nhà băng chịu chi cho nhân viên nhất trong giai đoạn 9 tháng đầu năm. Trung bình mỗi tháng, ngân hàng này đã bỏ ra khoảng 45,2 triệu đồng/nhân viên.
Theo giải thích của Giám đốc Tài chính Techcombank, trong quý III, chi phí hoạt động (trong đó bao gồm cả chi phí cho nhân viên) của ngân hàng đã tăng đột biến khi nhà băng này chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30 năm thành lập.
MB - ngân hàng chịu chi nhất cho nhân viên trong 9 tháng đầu năm ngoái - đã báo cáo mức chi bình quân giảm 8,5%, tương ứng 3,9 triệu đồng/tháng. Trong ba quý đầu năm nay, ngân hàng này đã chi 42,1 triệu đồng/tháng cho mỗi nhân viên.
Tuy nhiên, trong báo cáo của mình, MB cho biết thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên chỉ đạt 35,16 triệu đồng/tháng. MB tính toán mức thu nhập này dựa trên chi phí lương và phụ cấp, không bao gồm toàn bộ chi phí cho nhân viên. Nếu dựa trên số liệu này, thì thu nhập của cán bộ công nhân viên MB thấp hơn cùng kỳ khoảng 2 triệu đồng.
Vietcombank vươn lên vị trí thứ 3 thay thế TPBank và tiếp tục dẫn đầu nhóm Big4 (Agribank không công bố báo cáo tài chính quý III) về mức độ chịu chi cho nhân viên, đạt 41,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. BIDV xếp thứ 4, với chi phí bình quân cho nhân viên ở mức 39 triệu đồng/tháng, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
TPBank, ngân hàng từng xếp thứ 3 về mức độ chịu chi trong hai quý đầu năm, nay đã xuống vị trí thứ 7 trong danh sách. Trong 9 tháng đầu năm 2023, mỗi tháng TPBank đã bỏ ra khoảng 37,7 triệu đồng cho một nhân viên.
Tổng hợp từ báo cáo tài chính từ 28 ngân hàng trong nước, chi phí bình quân hàng tháng cho nhân viên ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đã tăng trưởng khoảng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 34,8 triệu đồng/tháng.
Dù xu hướng chung thể hiện rằng mức chi bình quân cho nhân viên đang tăng lên, gần một nửa số ngân hàng khảo sát đã cắt giảm chi phí nhân viên so với cùng kỳ năm trước. Những nhà băng này chủ yếu thuộc nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa.
SHB là một trường hợp đặc biệt khi ghi nhận chi phí bình quân cho nhân viên tăng tới 34,1%, cao nhất trong 28 nhà băng được khảo sát.
Tuy nhiên, một phần trong mức tăng này mang tính kỹ thuật, khi SHB đã không còn ghi nhận nhân viên của SHB Finance trong báo cáo tài chính hợp nhất kể từ quý III/2023. Số lượng nhân viên của ngân hàng hợp nhất đã giảm từ hơn 9.500 người xuống hơn 6.500 người. Nếu sử dụng con số trong báo cáo riêng lẻ, mỗi nhân viên SHB đã được chi tới 47 triệu đồng/tháng, thuộc nhóm cao nhất trong ngành.
Theo cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh quý IV của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, việc làm trong ngành tài chính ngân hàng vào quý III tiếp tục tăng trưởng nhưng chưa đạt được kỳ vọng.
Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình lao động sẽ diễn biến khả quan hơn trong quý IV và cả năm 2023, 2024. Kết quả này tương tự như xu hướng được ghi nhận trong cuộc khảo sát vào quý III.