MB, Techcombank tiếp tục dẫn đầu về độ chịu chi cho nhân viên trong nửa đầu năm 2023, TPBank gây bất ngờ ở vị trí thứ ba
Thu nhập nhân viên ngân hàng luôn là đề tài được nhiều người quan tâm bởi đây là ngành có tính cạnh tranh cũng như thu nhập cao. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê (GSO), thu nhập bình quân hàng tháng của lao động Việt Nam trong quý II/2023 là 7 triệu đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của 29 nhà băng, chi phí bình quân của nhân viên ngân hàng trong 6 tháng đầu năm là 28,4 triệu đồng/tháng, tức cao gấp 4 lần một người lao động trung bình. Chi phí này bồm cả chi lương, phụ cấp, chi khác cho nhân viên.
Nhóm cổ phần vượt qua các Big4 về độ chịu chi cho nhân viên
Thu nhập nhân viên của nhóm Big4 ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank luôn thu hút được sự chú ý lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, mức chi phí bình quân cho nhân viên tại các ngân hàng này lại đã thua xa nhóm ngân hàng tư nhân lớn.
MB, Techcombank và TPBank là ba ngân hàng dẫn đầu về mức chịu chi cho nhân viên trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong khi các "ông lớn" Vietcombank (quán quân lợi nhuận), BIDV nắm giữ vị trí từ 4,5; VietinBank xếp sau ACB và nằm ở vị trí thứ 7 còn Agribank thì tụt xa nhất nằm cuối bảng Top 10 ngân hàng chịu chi nhất cho nhân viên.
Vào 6 tháng đầu năm ngoái, Agribank từng chi cho mỗi nhân viên 40,8 triệu đồng, đứng thứ ba trong danh sách gồm 29 ngân hàng. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, Agribank đã cắt giảm mạnh chi phí cho nhân viêntừ 9.500 tỷ đồng xuống còn 7.600 tỷ đồng, đây là mức giảm cao thứ hai trong 29 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính và cao nhất trong nhóm Big4.
Những gương mặt còn lại trong top 10 ngân hàng chịu chi cho nhân viên nhất thuộc về Sacombank và VIB.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất của 29 ngân hàng trong nước, chi phí cho nhân viên các ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 tăng trưởng khoảng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 28,4 triệu đồng/tháng.
Mặc dù xu hướng chung cho thấy chi phí cho nhân viên ngân hàng tăng lên, gần một nửa (14/29 nhà băng) báo cáo chi phí cho nhân viên sụt giảm so với cùng kỳ năm trước kể cả hai vị trí Top đầu là MB và Techcombank.
Cụ thể, trong hai quý đầu năm, mức chi phí bình quân mà MB chi cho mỗi nhân viên là gần 46 triệu đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên trong báo cáo của mình, MB cho biết thu nhập bình quân của nhân viên chỉ đạt 35,05 triệu đồng/tháng.
Trong quý I/2023, Techcombank từng là nhà băng mạnh tay chi tiền nhất cho nhân viên. Tuy nhiên, khi xét đến cả giai đoạn nửa đầu 2023, ngân hàng này trung bình bỏ ra khoảng 44,6 triệu đồng/nhân viên/tháng, giảm 2,9% so với cùng kỳ và tụt lại phía sau MB.
- TIN LIÊN QUAN
-
TOP 10 ngân hàng chịu chi nhất cho nhân viên quý I/2023 25/05/2023 - 14:38
Vị trí thứ ba thuộc về VPBank, với chi phí bình quân cho nhân viên đạt 41,1 triệu đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Vietcombank dẫn đầu nhóm Big4 về độ chịu chi, nắm vị trí thứ 4 trong danh sách với mức tăng trưởng bình quân 20,6%, đạt 40,9 triệu đồng. Cùng kỳ năm ngoái, nhân viên Vietcombank và BIDV có mức chi phí xấp xỉ nhau nhưng trong nửa đầu năm nay, chi phí cho nhân viên BIDV chỉ tăng 13,4%, đạt 38,5 triệu đồng và đứng vị trí thứ 5.
Xét về quy mô, những ngân hàng có quy mô nhỏ như BaoVietBank, Saigonbank hay VietABank có sự chênh lệch lớn về mức chi bình quân cho nhân viên với các ngân hàng thuộc top đầu, chẳng hạn mức chi cho nhân viên của MB gấp hơn 3 lần mức chi của BaoVietBank.
Xét về biến động tuyệt đối, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhân viên Vietcombank được tăng lương mạnh nhất, tương đương khoảng 7 triệu đồng so với cùng kỳ. Tiếp theo đó là nhân viên Bac A Bank và TPBank.
Trong khi đó, nhân viên của Agribank phải chứng kiến chi phí giảm tới gần 9 triệu đồng/tháng. Ngoài Agribank, người lao động của Eximbank và OCB cũng bị nhà băng cắt giảm chi tiêu, lần lượt mất đi 8,3 triệu đồng và 6,3 triệu đồng mỗi tháng.
Nhu cầu tuyển dụng các ngân hàng chậm lại
Theo kết quả điều tra mới đây của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD cho rằng tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính ngân hàng trong quý II/2023 mặc dù cải thiện so với quý trước nhưng chưa đạt mức kỳ vọng. Các TCTD kỳ vọng tình hình lao động sẽ diễn biến khả quan hơn trong quý III/2023 và cả năm 2023.
Trong Báo cáo ghi nhận về thị trường lao động tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2023, công ty tuyển dụng Navigos Group cho biết nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch và giảm trung bình 16% so với thời điểm phục hồi sau dịch (năm 2022).
Tuy nhiên, trái ngược với xu thế trên, lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng khoảng 10% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch COVID.
Theo Navigos, sự tăng trưởng nói chung về nhu cầu tuyển dụng của lĩnh vực Ngân hàng/ Dịch vụ tài chính đến từ xu hướng toàn ngành về chuyển đổi số, phát triển ngân hàng bán lẻ, tăng thu nhập dịch vụ, đa dạng hệ sinh thái và bùng nổ xu hướng đầu tư trên các kênh điện tử.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế nói chung và ngành tài chính - ngân hàng nói riêng phải đối mặt với hàng loạt thách thức kể từ cuối năm như lãi suất tăng cao, thị trường bảo hiểm gặp sóng gió, tình trạng đóng băng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản ... thì nhu cầu tuyển dụng cũng đã chậm lại nếu so với 4 tháng đầu năm 2022.
Navigos dự báo lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong phần còn lại năm 2023.