|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

FiinRatings xếp hạng tín nhiệm Techcombank mức A+, có sự phụ thuộc lớn vào nguồn vốn bán buôn

08:23 | 03/11/2023
Chia sẻ
Hãng xếp hạng đánh giá Techcombank có sự phụ thuộc lớn vào các nguồn vốn bán buôn có mức độ biến động cao, đồng thời danh mục cho vay có tính tập trung cao vào các lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, đối tác của S&P Global Ratings, vừa công bố kết quả Xếp hạng tín nhiệm dài hạn nhà phát hành đối với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) ở mức điểm “A+”, với triển vọng xếp hạng “Ổn định”.

Mức điểm xếp hạng tín nhiệm nói trên phản ánh nhận định của FiinRatings cho rằng hồ sơ tín dụng của ngân hàng sẽ duy trì ổn định trong 24 tháng tới, nhờ vào vị thế kinh doanh vững chắc, cùng với hồ sơ vốn và khả năng sinh lời tốt của ngân hàng.

Bên cạnh đó, khả năng huy động vốn và vị thế thanh khoản của ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc duy trì sự gắn bó của phân khúc khách hàng có thu nhập cao và trung bình, cùng với vị thế dẫn đầu về thị phần tiền gửi không kỳ hạn.

 Nguồn: Fiin Ratings.

Khả năng sinh lời là điểm mạnh của Techcombank

FiinRatings cho rằng hồ sơ vốn và khả năng sinh lời là những điểm mạnh chính đóng góp vào điểm tín nhiệm của Techcombank khi so sánh với các ngân hàng thương mại khác tại Việt Nam.Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Techcombank giảm nhẹ nhưng khả năng sinh lời vẫn cao hơn trung bình ngành.

Tính đến cuối tháng 6, Techcombank có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 15,1%, thuộc nhóm cao nhất trong số các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ đòn bẩy (tổng tài sản chia cho vốn chủ sở hữu) luôn ổn định ở mức khoảng 6 lần và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ngành khoảng 12-14 lần trong giai đoạn 2019 - 6H2023.

Bên cạnh đó, khả năng sinh lời của Techcombank được duy trì khá ổn định ngay cả trong điều kiện kinh tế không thuận lợi. Biên lợi nhuận vượt trội của  hàng được giữ ổn định trong thời gian vừa qua với NIM và ROA đến 30/6/2023 lần lượt là 4,4% và 2,6%, cao hơn so với mức trung bình của ngành là 3,4% và 1,2%.

Theo FiinRatings, khả năng sinh lời của ngân hàng đến chủ yếu từ tệp khách hàng cá nhân có thu nhập cao và trung bình, đóng góp khoảng 50% tổng thu nhập lãi thuần và 30 - 40% tổng thu nhập hoạt động. 

"Lợi nhuận của ngân hàng dự kiến sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình ngành, do biên lãi ròng ước tính sẽ tiếp tục thu hẹp bởi chi phí tín dụng kì vọng sẽ gia tăng, và chi phí huy động vốn dự kiến vẫn ở mức cao hơn so với giai đoạn 2019-2021", báo cáo của FiinRatings viết.

Vị thế rủi ro của Techcombank được đánh giá ở mức "Phù hợp", phản ánh năng lực quản trị rủi ro tốt so với mặt bằng chung ngành. Điều này giúp hạn chế rủi ro tập trung của ngân hàng trong hoạt động cho vay các lĩnh vực có mức độ biến động mạnh theo chu kỳ và mức độ thâm dụng vốn lớn như bất động sản, xây dựng và các ngành liên quan.

Tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ cho vay doanh nghiệp chiếm 59% tổng dư nợ cho vay khách hàng (đã bao gồm số dư trái phiếu doanh nghiệp) của ngân hàng, trong đó gần 70% thuộc cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng (ReCoM) (số liệu năm 2022: 73%).

Trong khi đó, dư nợ cho vay bán lẻ chiếm 41% tổng dư nợ (đã bao gồm trái phiếu), trong đó 80% là cho vay mua bất động sản (số liệu năm 2022: 84%).

 Nguồn: Techcombank.

Báo cáo của Fiin cho biết phần lớn nhóm khách hàng trong danh mục cho vay doanh nghiệp của Techcombank đều là các nhà phát triển bất động sản có năng lực tài chính do ngân hàng lựa chọn tài trợ chủ yếu cho các chủ đầu tư lớn và uy tín tại Việt Nam.

Tổ chức này kì vọng việc ngân hàng duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn trung bình ngành và việc duy trì kiểm soát tỷ lệ tổng hạn mức tín dụng dưới 25% vốn chủ sở hữu đối với một nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn cũng góp phần giảm thiểu các tác động suy giảm chất lượng tài sản.

Phụ thuộc lớn vào nguồn vốn bán buôn

Hồ sơ nguồn vốn và thanh khoản của Techcombank được FiinRatings đánh giá ở mức ‘trung bình’ do có sự phụ thuộc lớn hơn so với trung bình ngành vào các nguồn vốncó mức độ biến động cao,vốn là một thách thức đối việc ổn định nguồn vốn nói riêng, cũng như đối với năng lực tín dụng nói chung.

Đồng thời, ngân hàng đang sở hữu danh mục cho vay có tính tập trung cao, cùng với những kì vọng về việc nhóm ngành bất động sản có thể tiếp tục trải qua giai đoạn không thuận lợi và tăng trưởng kinh tế có thể chững lại.

"Mặc dù Techcombank đã cho thấy sự ổn định về vị thế kinh doanh, khả năng sinh lời, và vị thế rủi ro, việc gia tăng sự phụ thuộc vào nguồn vốn bán buôn có thể ảnh hưởng đến sự ổn định nền tảng vốn của Ngân hàng, bởi FiinRatings đánh giá nguồn vốn bán buôn thường có thể bị biến động mạnh hơn bởi những thay đổi của thị trường", theo FiinRatings.

Tuy nhiên, Techcombank đang có kế hoạch để gia tăng nguồn vốn ổn định và được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự gắn bó của tập khách hàng có mức thu nhập cao và trung bình. 

Ngân hàng đang có lợi thế về thị phần tiền gửi không kỳ hạn so với các ngân hàng khác mặc dù tỷ lệ CASA có sự sụt giảm nhẹ trong thời gian gần đây theo xu hướng chung của ngành đạt 34,8% trong nửa đầu năm 2023(số liệu năm 2022: 37,0%; năm 2021: 50,5%).

 Nguồn: Techcombank.

FiinRating ước tính tỷ trọng tiền gửi khách hàng trong tổng nguồn vốn ổn định sẵn có tại Techcombank sẽ tiếp tục duy trì quanh mức 65% - 75% trong giai đoạn hai năm tới.

Từ quý III/2022 đến quý II/2023, chi phí vốn trung bình của Techcombank đã tăng cao hơn đáng kể do tỷ trọng về nguồn vốn bán buôn tăng lên và khách hàng chuyển sang gửi tiền với kì hạn dài hơn. Chi phí vốn được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao trong giai đoạn 2023 - 2025 dựa trên đánh giá về việc kinh tế phục hồi chậm và áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng.

"Chúng tôi đánh giá ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ổn định vị thế thanh khoản của mình. Các nguồn thanh khoản ngắn hạn của Techcombank vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn ngắn hạn", Báo cáo của Fiin cho hay.

Xếp hạng cơ bản cho ngành ngân hàng ở mức 'a-'

FiinRatings cũng xếp hạng cơ bản cho ngành ngân hàng ở Việt Nam ở mức ‘a-’, phản ánh đánh giá về rủi ro từ môi trường vĩ mô và rủi ro đặc thù ngành mà các ngân hàng hoạt động ở Việt Nam phải đối mặt. 

Các chuyên gia xếp hạng đánh giá triển vọng về hồ sơ tín dụng của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ổn định nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cũng như kỳ vọng về việc phục hồi kinh tế trong trung hạn mặc dù tồn tại những thách thức trong ngắn hạn.

Mức điểm xếp hạng tín nhiệm đơn lẻ của các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng dự kiến sẽ duy trì ổn định, mặc dù vậy, FiinRatings đánh giá có sự phân hóa nhất định về chất lượng tài sản, do đó ảnh hưởng đến chất lượng nguồn vốn và khả năng sinh lời tại các ngân hàng.

Huyền Phương

Dow Jones tăng 450 điểm khi báo cáo việc làm tháng 4 mở ra hy vọng Fed sớm hạ lãi suất
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên cuối tuần sau khi báo cáo việc làm tháng 4 yếu hơn dự kiến, thúc đẩy kỳ vọng rằng Fed có thể sớm cắt giảm lãi suất.