CEO Techcombank hé lộ về khả năng chia cổ tức tiền mặt lần đầu tiên sau một thập kỷ
Khả năng chia cổ tức bằng tiền mặt
Trong bài phỏng vấn với tờ Business Times của Singapore, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB), ông Jens Lottner tiết lộ về khả năng ngân hàng sẽ sớm chia cổ tức bằng tiền mặt.
Trong 10 năm qua, Techcombank đã không chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, Chủ tịch Hồ Hùng Anh đã báo hiệu rằng 2023 có thể là năm cuối cùng mà ngân hàng không chia cổ tức.
Trả lời về vấn đề này, ông Lottner cho biết thêm: “Mười năm trước, chúng tôi quyết định không trả cổ tức. Chúng tôi đã nói rằng sẽ giữ lại mọi thứ để phục vụ hoạt động kinh doanh”.
- TIN LIÊN QUAN
-
ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch lợi nhuận 22.000 tỷ đồng là tương đối thận trọng có tính đến rủi ro của thị trường 22/04/2023 - 11:17
“Hiện tại, khi 10 năm đã trôi qua, có lẽ Techcombank đang có nhiều khả năng để bắt đầu chia cổ tức hơn, bởi lẽ khả năng sinh lời của ngân hàng đang rất lớn và chúng tôi vẫn có thể tài trợ cho các khoản đầu tư của mình”.
Mặc dù việc chia cổ tức có thể thu hút nhà đầu tư, nhưng ông Lottner khẳng định ngân hàng vẫn ưu tiên sự thận trọng. “Chúng tôi luôn làm việc này với tầm nhìn dài hạn. Chúng tôi không cố gắng tạo ra các sự kiện để khiến nhà đầu tư hào hứng. Chúng tôi cố gắng xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững”.
Vị CEO này cũng nhận thấy sự quan tâm của khối ngoại tới cổ phiếu của Techcombank, tuy nhiên cho biết giới hạn về sở hữu nước ngoài (room ngoại) đang là một trở ngại.
“Về cơ bản, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích lũy cổ phiếu chứ không bán ra”, ông nói.
Lạc quan về triển vọng
Tổng Giám đốc Techcombank nhận định tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại hơi khó khăn, thị trường bất động sản và mọi thứ không quá tốt đẹp. Trong năm qua, nhiều vụ bê bối đã làm rung chuyển thị trường bất động sản và trái phiếu Việt Nam. Những khó khăn trên toàn cầu cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Lottner tin rằng tình hình đang dần cải thiện và kỳ vọng lĩnh vực bất động sản sẽ thực sự trở lại vào năm tới. “Mọi người lại một lần nữa đầu tư nhiều hơn vào các tài sản rủi ro. Những lùm xùm xung quanh thị trường bất động sản giảm đi”, ông nói.
CEO này cho biết trong năm 2024 Techcombank sẽ tập trung vào thúc đẩy đối tượng khách hàng trẻ của Việt Nam. Ông nói: “Việt Nam có dân số rất trẻ, độ tuổi trung bình là 33. Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tương đối cao và mức độ sung túc ngày càng tăng”.
“Tôi tin rằng 10 năm nữa, nếu mọi việc suôn sẻ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ gần bằng Trung Quốc ngày nay”, ông dự báo.
CEO của Techcombank nhìn thấy triển vọng với nhóm người dùng trẻ, hiểu biết về công nghệ. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Techcombank đã có thêm 2,2 triệu khách hàng mới, với 44% được thu hút thông qua kênh số và 42,9% thông qua hệ sinh thái với đối tác. Số lượng giao dịch của khách hàng bán lẻ thực hiện qua kênh ngân hàng điện tử cũng tăng gần 50% lên 577,6 triệu giao dịch.
“Trước đây, phần lớn việc này phục thuộc vào việc khách hàng đến chi nhánh, nhưng hiện tại bạn có thể chào đón khách hàng trong vài phút thông qua nền tảng kỹ thuật số. Bởi vậy, chi phí phục vụ sẽ thấp hơn khoảng 10 đến 20%”, ông nói.
Về hoạt động cho vay, Techcombank năm nay đang tập trung vào việc mở rộng danh mục với doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, chiến lược dài hạn của ngân hàng là chuyển dịch dư nợ tín dụng từ doanh nghiệp lớn tới khách hàng bán lẻ cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Ngân hàng mong muốn cho vay những SME phục vụ tiêu dùng nội địa, chẳng hạn như nông sản, thay vì các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực định hướng xuất nhập khẩu như sản xuất. Ông Lottner cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm những lĩnh vực có thể được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng trong chi tiêu trong nước”.