|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch lợi nhuận 22.000 tỷ đồng là tương đối thận trọng có tính đến rủi ro của thị trường

11:17 | 22/04/2023
Chia sẻ
Techcombank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 14% so với năm trước. Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho rằng kế hoạch 2023 tương đối thận trọng do có tính đến rủi ro của thị trường.

 Toàn cảnh đại hội đồng cổ đồng của Techcombank sáng 22/4.  (Ảnh: Diệp Bình)

Sáng 22/4, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 với nhiều vấn đề quan trọng được trình tới các cổ đông như: tăng vốn điều lệ, kế hoạch chia cổ tức, mua cổ phiếu phát hành thêm của Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).

Kế hoạch lãi 22.000 tỷ, không chia cổ tức

Chia sẻ tại đại hội Tổng Giám đốc Jens Lottner cho biết trong năm 2023, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 511.200 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.

Ông Jens Lottner cho rằng do tăng trưởng tín dụng đang được kiểm soát bởi NHNN, nên vào thời điểm này sẽ còn là khá sớm để nhận định năm nay sẽ là năm như thế nào với Techcombank.

Theo ông, với tăng trưởng GDP được dự báo từ 6 - 7%, nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chiến lược của ngân hàng vẫn không thay đổi, tập trung vào phân khúc bán lẻ và cho vay bất động sản, tập trung phát triển mảng số hoá.

Ông phân tích với nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, người dân vẫn sẽ tiếp tục giàu có lên, số lượng tầng lớn trung lưu tăng lên, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng về tầng lớp này cao nhất trong nhóm ĐNA. Đồng thời, quá trình độ thị hoá sẽ khiến nhu cầu nhà ở tăng lên, đồng thời nhu cầu giao dịch rtên nền tảng số cũng tăng lên nó cũng là thách thức của hệ thống ngân hàng hiện tại. 

"Hiện nay Techcombank đang ở vị thế khá tốt, khoảng 60 -70% khách hàng của chúng tôi muốn sở hữu bất động sản để tích luỹ tài sản", ông cho hay.

 Tổng Giám đốc Jens Lottner chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2023. (Ảnh: DB).

Tổng Giám đốc Jens Lottner cho biết trong năm ngoái Techcombank đã tập trung nhiều vào bán lẻ và không tập trung nhiều từ mảng doanh nghiệp lớn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ có những dịch chuyển để có thể kiểm soát rủi ro tốt hơn từ bất động sản.

Trong nửa đầu năm nhu cầu tín dụng SME không nhiều nhưng dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm. "Chúng tôi hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ có khởi sắc từ quý II hoặc nửa cuối năm trở đi", ông nói.

Trong năm nay, ngân hàng tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức, lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Lợi nhuận sau thuế dùng để trích lập các quỹ năm 2022 của ngân hàng là gần 17.907 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tính đến ngày 1/1/2022 là hơn 40.136 tỷ đồng.

Techcombank dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Việc trích quỹ này nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ trích 1.791 tỷ cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi.

Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận có thể phân phối của Techcombank là hơn 23.538 tỷ đồng.

Kế hoạch trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận. (Nguồn: Techcombank).

Tăng vốn bằng ESOP

Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2023, ngân hàng đặt kế hoạch phát hành gần 5,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp.

Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 35.225 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 sau khi được NHNN, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.

Phía ngân hàng cho biết đối tượng tham gia chương trình trên sẽ bao gồm lao động nước ngoài nên sẽ có sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện tại của Techcombank. Vì vậy, ngân hàng sẽ trình cổ đông phê duyệt việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4595% thành 22,4860%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2023.

Chi hơn 10.000 tỷ đồng mua cổ phiếu của TCBS

Theo tài liệu họp, ngày 19/12/2022, ĐHĐCĐ Techcombank đã thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản về việc Techcombank mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).

Tuy nhiên, trước đó, ngày 23/8/2022, ĐHĐCĐ của TCBS đã thông qua đợt chào bán cổ phiếu cho cán bộ nhân viên và nộp hồ sơ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Theo quy định tại Luật chứng khoán, các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất.

Để thực hiện việc chào bán riêng lẻ cho TCB, TCBS đã kỳ vọng có thể thay đổi kế hoạch triển khai đợt chào bản cho CBNV. Tuy nhiên, khi thực hiện việc thay đổi với UBCKNN thì được phản hồi là đã thụ lý hồ sơ và ghi nhận ngày hoàn thành của đợt chào bán cho CBNV là ngày 18/10/2022.

Do đó, kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ của TCBS cho TCB sẽ được lùi sang giữa năm 2023, đảm bảo cách tối thiểu 6 tháng sau đợt chào bán cho cán bộ nhân viên TCBS.

Về kế hoạch chào bán riêng lẻ, TCBS sẽ thực hiện chào bán 105 triệu cổ phiếu cho Techcombank với giá chào bán dự kiến là 95.600 đồng/cp. Tổng số tiền thu được theo giá dự kiến là 10.038 tỷ đồng. Sau đợt chào bán, vốn điều lệ của TCBS sẽ tăng thêm 1.050 tỷ đồng lên hơn 2.176 tỷ đồng.

Techcombank hiện đang sở hữu 88,8% vốn điều lệ của TCBS. Sau đợt chào bán trên, tỷ lệ này dự kiến tăng lên 94,2%.

 Nguồn: Techcombank.

PHẦN THẢO LUẬN:

- Đề nghị HĐQT, đại hội đồng cổ đông, xem xét kỹ lại tờ trình mua cổ phần của TCBS vì nếu vấn đề này mua bán này thực hiện thì không hợp pháp vì chỉ bán cổ phiếu cho duy nhất 1 cổ đông. Trong khi đó BCTC cho thấy kết quả kinh doanh của TCBS đang đi xuống.

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Chúng ta hiểu rằng, công ty chứng khoán 2022-2023 có những biến động. Nhưng tôi tin rằng thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi lại. TCBS là đơn vị dẫn đầu về tư vấn trái phiếu cũng tư như vấn phát hành, nên việc tập trung thế mạnh là điều phù hợp.

Việc thực hiện phương án phát hành sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền như NHNN, UBCK.

- Xin ban lãnh đạo cho biết tình hình kinh doanh quý I của ngân hàng là bao nhiêu? Lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng đạt được là bảo nhiêu?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Kết quả quý I vượt kế hoạch nhưng chúng ta luôn đề cao việc thận trọng. Techcombank luôn trích lập dự phòng cao và đề cao quản trị rủi ro, trước đó Techcombank là ngân hàng đầu tiên xử lý xong nợ VAMC.

- Trong bối cảnh khó khăn năm 2023, nhiều ngân hàng vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận tăng nhưng Techcombank lại đặt mục tiêu giảm, thì đây là chiến lược trong ngắn hạn hay sao và về dài hạn thì như thế nào? Tính khả thi của kế hoạch kinh doanh năm 2023?

 Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Kế hoạch năm nay chúng tôi đã có nhiều phương án 28.000 tỷ, 22.000 tỷ và có thể thấp hơn. Chúng tôi đã lựa chọn phương án tương đối thận trọng nhất. Nếu thị trường phục hồi chúng tôi tin rằng kết quả sẽ tốt hơn.

Trong giai đoạn khó khăn thì thận trọng vẫn tốt hơn.

- Nhận định về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp và việc đầu tư TPDN của Techcombank, độ rủi ro ra sao và việc quản lý và chất lượng tài sản đảm bảo cho các khoản trái phiếu này ra sao? Hiện tại TCB đang cầm trái phiếu của doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào cụ thể ra sao?

- Chủ tịch Hồ Hùng Anh từng nói Techcombank theo mô hình rủi ro thấp và lợi nhuận cao. Thị trường BĐS hiện nay cho thấy mô hình này có thể có vấn đề, ngân hàng có kế hoạch thay đổi mô hình này hay không, việc đa dạng hoá tài sản của ngân hàng đang diễn ra như thế nào?

- Cho vay dự án liên quan đến dự án Masterise, tổng giá trị cho vay là bao nhiêu? 

Chủ tịch Hồ Hùng Anh:  Việc theo đuổi mô hình tăng CASA, tăng thu phí là mô hình rủi ro thấp. Ngân hàng sẽ tập trung khách hàng tốt, dự án tốt và vào những lĩnh vực mà Techcombank thực sự hiểu biết tới nó. Khi đó vào giai đoạn khó khăn chúng ta vẫn có thể chống chọi được.

Chúng ta sẽ không đi dàn trải, nói như vậy không có nghĩa là không mở sang các lĩnh vực khác như bán lẻ, SME,...Trong những năm qua đầu tư rất nhiều vào số hoá và điều đó sẽ giúp cho việc phát triển đa dạng phân khúc cho Techcombank.

 Về BĐS, Techcombank có lượng cho vay trong lĩnh vực này cao nhưng phần nhiều nằm ở cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà, về dự án thì chọn KH tốt, có những dự án pháp lý đầy đủ trong gđ khó khăn vẫn phát triển.

Về vấn đề liên quan đến Masterise, thực tế vai trò của Masterise không phải là công ty đầu tư BĐS mà có vai trò Developer, ký với các chủ đầu tư để triển khai dự án và thu phí. Việc tín dụng đểMasterise tài trợ các dự án đầu tư là không có.

Các dự án mà Masterise đang triển khai thì đều hoạt động bình thường và đạt tiến độ xây dựng một trong số ít dự án bàn giao nhà cho khách hàng đúng hạn mặc dù trong giai đoạn khó khăn.

Còn các khách hàng khác vẫn duy trì công việc của mình mặc dù trong giai đoạn rất khó khăn. Chúng tôi tin họ sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này. 

Về trái phiếu, TCB luôn luôn quản lý như một khoản vay và thực hiện ngay từ đầu. Trái phiếu của TCB đều được quản lý từ góc độ, sức khoẻ, TSBĐ, khả năng trả nợ. Lượng tư vấn ra thị trường bán lẻ là rất lớn, chưa có trái phiếu nào mà TCB tư vấn bị quá hạn về lãi và gốc, cho thấy kết quả năng lượng quản lý về rủi ro trái phiếu.

Giá trị Book Value của trái phiếu đã giảm rất nhiều nhưng việc giảm là vấn đề thời gian. Với Nghị định 08 và các chính sách khác của Chính phủ, chắc chắn thị trường trái phiếu sẽ quay trở lại. TCB cho rằng với lợi thế của mình về phát hành đa dạng trái phiếu, quản trị đầu tư, quản lý tài sản, ... thì khi thị trường quay lại phục hồi thì tốc độ tăng trưởng của TCB sẽ quay lại nhanh.

- Moody's hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Techcombank từ Ba2 xuống Ba3? Ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá sao về vấn đề này?

Tổng giám đốc Jens Lottner: Đánh giá của Moody's dựa trên các tác động của yếu tố vĩ mô, tình hình bất động sản và thị trường trái phiếu của Việt Nam. Đây là lĩnh vực mà ngân hàng tham gia và có vị thế lớn. Do đó, Moody’s cho rằng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên, trong tương lai, ban lãnh đạo kỳ vọng khi thị trường hồi phục và các yếu tố vĩ mô tích cực hơn, ngân hàng sẽ được nâng hạng trở lại và quay lại mức xếp hạng cao.

- Tại sao ngân hàng không thực hiện chia cổ tức?

- Khi giá cổ phiếu TCB đã giảm hơn 1 nửa rồi thì giá này đã hấp dẫn chưa, tại sao ngân hàng chưa có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Chúng tôi cho rằng việc chia cổ tức chỉ nên thực hiện khi có được đòi hỏi từ góc độ cải thiện chỉ số đảm bảo hoạt động kinh doanh. 

Trong năm nay Techombank đã trích lập vào quỹ bổ sung vốn điều lệ, chuẩn bị cho việc điều chỉnh trong thời gian tới. Hiện tại ROE của Techcombank vào khoảng 20%, vốn đầu tư để lại có lợi nhuận như vậy là tốt cho các cổ đông. Chia cổ tức tiền mặt cũng là một nhu cầu.

Trước đó vào đại hội năm ngoái chúng ta đã nói với câu chuyện 10 năm không chia cổ tức. Hình như năm nay sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức. Điều đó lhông phải là nói trước điều gì nhưng TCB cũng đang xem xét các phương án.

Giá cổ phiếu hiện tại là vấn đề rất đáng quan tâm nhưng tôi quan tâm nhiều hơn giá trị của tổ chức. Nếu bảo rằng tôi đánh giá như thế nào, tôi tin rằng giá trị của TCB có thể tăng gấp 5 gấp 10 bây giờ. Đầu tư ngắn hạn để trading không phải sở trường của tôi.

Sau khi làm được một số việc, thị trường sẽ cho ta giá trị thực của TCB.

Đại hội thông qua tất cả tờ trinh.

Diệp Bình

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.