|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quý IV bứt tốc, nhiều ngân hàng đã vượt kế hoạch năm 2023

15:30 | 08/02/2024
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng lớn đã gần đạt hoặc vượt kế hoạch năm 2023. Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ hơn báo cáo lợi nhuận giảm và không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

2023 là một năm đầy thách thức với ngành ngân hàng khi điều kiện trong nước và quốc tế đã khiến hoạt động kinh doanh, tiêu dùng sụt giảm, tăng trưởng tín dụng khó khăn trong khi chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm. 

Trong ba quý đầu năm, tình trạng "thừa tiền" khiến ngân hàng khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng vay vốn, trong khi số dư tiền gửi vẫn tiếp tục tăng tạo thêm áp lực trả lãi. 

Tuy nhiên, bước sang quý IV, tình hình kinh doanh của ngành ngân hàng đã có sự khởi sắc hơn. Nhiều nhà băng đã báo lãi gấp cùng kỳ năm trước nhiều lần, hỗ trợ đáng kể cho kết quả kinh doanh cả năm.

Theo tổng hợp, lợi nhuận quý IV/2023 của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đã cao hơn khoảng 26% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận cả năm 2023 chỉ cao hơn 2022 gần 4%. Trong 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính và Agribank, có 11 nhà băng vượt 100% kế hoạch. Nếu tính cả những ngân hàng đã thực hiện ít nhất 90% kế hoạch, con số sẽ là 16. 

Nhiều ngân hàng đã bứt tốc trong quý IV và hoàn thành kế hoạch năm.

Xét chung cả 29 nhà băng trên, tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 280.100 tỷ đồng, tương ứng thực hiện 93% tổng kế hoạch năm. Phần lớn các ngân hàng lớn vẫn giữ phong độ tốt, trong khi các ngân hàng nhỏ gặp khó trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh hơn. 

Nhờ quý IV mạnh mẽ, Nam A Bank vươn lên vị trí dẫn đầu về tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm 2023, ở mức 127,1%, tương đương lợi nhuận trước thuế 3.304 tỷ đồng. Đứng ngay sau đó là HDBank khi thực hiện 126,8% kế hoạch năm, tương đương lợi nhuận 13.017 tỷ đồng. 

Những nhà băng khác đã về đích (vượt 100 kế hoạch) trong năm 2023 là BIDV, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, Sacombank, LPBank, Kienlongbank và SaigonBank.

6/10 ngân hàng trong Top 10 đã về đích

Trong năm 2023, Vietcombank, quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng, đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ít nhất 15%, ứng với 42.973 tỷ đồng. Kế thúc năm 2023, ngân hàng này báo lãi trước thuế 41.244 tỷ đồng, tương ứng thực hiện 96% kế hoạch.

Mặc dù vẫn là nhà băng lãi lớn nhất nhưng kết quả kinh doanh quý IV của Vietcombank đã chậm lại đáng kể, khiến lợi nhuận không đạt mục tiêu. 

Trong khi đó, hai ông lớn Big4 khác là BIDV và VietinBank đều ghi nhận kết quả mạnh mẽ trong quý IV, với mức tăng trưởng lần lượt là 50% và 43,4%, giúp lợi nhuận cả năm vượt kế hoạch đã đề ra. Trong khi đó, Agribank báo lợi nhuận trong khoảng từ 25.300 đến 25.400 tỷ đồng. Ông lớn này đặt kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ đạt 26.200 tỷ đồng trong năm 2023. 

Ngoài các ông lớn quốc doanh, nhiều ngân hàng cổ phần cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, vượt kế hoạch đề ra. MB, Techcombank, ACB và HDBank đều đã vượt 100% kế hoạch lợi nhuận. Trong đó, duy nhất Techcombank là ngân hàng đặt kế hoạch 2023 thấp hơn so với lợi nhuận của 2022.

Đa số các ngân hàng lớn vẫn có kết quả kinh doanh mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, VPBank mới chỉ thực hiện 45,8% mục tiêu đã đề ra. Đầu năm nay, đại hội đồng cổ đông ngân hàng đã đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 24.000 tỷ đồng lợi nhuận, cao thứ 5 toàn ngành. Năm ngoái, VPBank từng thu về hơn 21.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. 

VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 10.703 tỷ đồng cả năm, thực hiện 87,7% kế hoạch. Kết quả này đã được các lãnh đạo của ngân hàng dự báo trước trong các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư do khó khăn chung của nền kinh tế. 

4 ngân hàng chưa đạt 60% kế hoạch lợi nhuận

Trong 29 ngân hàng thống kê, có tới 4 tổ chức có lợi nhuận chưa vượt qua mốc 60% kế hoạch năm. Trong đó, BVBank (Bản Việt) chỉ thực hiện được 14,3% kế hoạch cả năm, với lợi nhuận trước thuế đạt 72 tỷ đồng, không tăng đáng kể so với kết quả 9 tháng đầu năm (12,2% kế hoạch).

ABBank cũng ở gần chót bảng khi chỉ thực hiện 20,7% kế hoạch cả năm, thấp hơn so với 9 tháng đầu năm do khoản lỗ trong quý IV. Hai cái tên khác cũng nằm trong danh sách là VPBank và Eximbank. Tuy nhiên, thứ hạng của Eximbank đã cải thiện nhờ quý IV lãi lớn. 

Trong danh sách thực hiện thấp nhất quý III từng xuất hiện cái tên BaoViet Bank. Tuy nhiên bước sang quý IV, ngân hàng này đã duy trì được lợi nhuận như cùng kỳ năm trước, giúp thực hiện gần 95% kế hoạch đã đề ra. 

Ngoài ra, trong năm 2023, NCB có kết quả kinh doanh kém khả quan do chi phí xử lý các vấn đề còn tồn đọng từ nhiều năm trong đó có nợ kém chất lượng rất lớn dẫn đến nguồn thu mới không đủ bù đắp chi phí. Bên cạnh đó, chi phí vốn tăng cao do lãi suất tiền gửi tăng từ cuối 2022, cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Ngân hàng này từng đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại (PACCL) là 16 tỷ đồng. 

Nhiều ngân hàng đã bứt tốc và hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Năm 2024 sẽ còn nhiều thách thức

Chứng khoán SSI dự báo 2024 vẫn vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Tuy vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ việc chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với năm ngoái và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện, giúp các nhà băng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.

SSI đặt ra kịch bản cơ sở rằng tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,0% - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ứng phó linh hoạt về cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu.

Với kịch bản trên, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI dự kiến đạt 15,4% so với cùng kỳ. Kỳ vọng này tốt hơn đáng kể nếu so sánh với kết quả 4,6% trong năm 2023.

Còn theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), 2024 có thể vẫn sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành ngân hàng. Theo đó, tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 12% trong bối cảnh bất động sản phục hồi chậm.

Lợi nhuận ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong năm 2024 với mức tăng trưởng khoảng 10%. Ngoài ra, VCBS cho rằng một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. 

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.