|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng có khả năng tiếp tục hạ lãi suất cho vay?

17:18 | 23/06/2020
Chia sẻ
Để hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19, các ngân hàng đã cắt giảm lãi suất hàng loạt đối với cả các khoản vay cũ và mới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và cần tiếp tục giảm.

Tiếp theo Bài 1:Liên tục báo lãi lớn, lợi nhuận ngân hàng có tăng thực chất? 

Ngân hàng có khả năng tiếp tục hạ lãi suất cho vay? - Ảnh 1.

Quay trở lại về vấn đề thời sự được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây đó là ngân hàng thì thừa tiền, thanh khoản tràn trề còn doanh nghiệp thì than thiếu vốn giá rẻ. 

Đã có nhiều chuyên gia phân tích, các ngân hàng hay doanh nghiệp lên tiếng về vấn đề này. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tổ chức hàng loạt buổi làm việc giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại các địa phương trong cả nước để tạo cơ hội cho hai bên làm việc với nhau để nhằm tìm ra điểm vướng mắc và hướng giải quyết. Nhưng bài toán vẫn chưa được giải.

Câu chuyện chung của các doanh nghiệp là họ cần vốn nhưng phải là vốn giá rẻ và để được hưởng "giá rẻ" đó thì họ cần đáp ứng đủ những tiêu chuẩn của ngân hàng đặt ra. Còn về phía ngân hàng, họ thừa tiền và rất muốn cho vay đặc biệt là đối với những khách hàng tốt nhưng nhu cầu vay của khách hàng chưa có hoặc kì vọng mức giá thấp vượt mức đáp ứng của ngân hàng.

Ở đây nếu chỉ nói riêng về câu chuyện lãi suất, giảm hay không giảm thì vấn đề lại quay trở về với câu chuyện cách tự cân bằng của thị trường. Quan hệ giữa ngân hàng và người vay là có thể hiểu nôm na là "kẻ mua người bán" và lãi suất chính là giá cả. 

Theo cơ chế thị trường "thuận mua" thì "vừa bán", điều đó đồng nghĩa với việc lãi suất giảm hay không và sẽ giảm bao nhiêu sẽ nhanh chóng được thị trường quyết định.

Ngân hàng không thể khư khư giữ tiền mãi trong hệ thống mà không có đầu ra, và nếu như bán hàng giá cao thì sẽ không có người mua nhưng quá rẻ thì lại không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp.

Lại nói thêm về vai trò của NHNN, với nhiệm vụ điều tiết thị trường tiền tệ để góp phần trong điều hành kinh tế vĩ mô, NHNN đã hai lần cắt giảm lãi suất điều hành và định hướng các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng khó khăn trong dịch COVID-19.

Như một người dẫn lối, những động thái này giúp cho việc điều chỉnh trên thị trường tiền tệ được diễn ra nhanh hơn và kịp thời trong bối cảnh nền kinh tế chịu những tác động bất thường như đại dịch.

Trong cuộc họp báo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2020, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất, đồng thời đề nghị các TCTD cần phải có phương án làm thể nào để giảm chi phí, thậm chí giảm lương để có thể hỗ trợ được khách hàng, doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay với các khoản vay cũ, cho vay mới, cơ cấu lại nợ. Theo chia sẻ từ các ngân hàng họ đã tự giảm lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng cho việc cắt giảm lãi suất, giảm phí này.

Việc các ngân hàng giảm lãi suất không chỉ là thực hiện theo chủ trương của NHNN, họ cũng đã cân nhắc kĩ lưỡng về quyết định của mình để đảm bảo duy trì hỗ trợ khách hàng, giữ thị phần và lợi nhuận cho chính mình. Có thể hiểu rằng nếu ngân hàng không giảm lãi suất nhiều khách hàng sẽ gặp khó khăn tài chính và sẽ mất khả năng thanh toán ở những kì trong tương lai.

Theo báo cáo mới đây của Fiin Group, trong quí I, tỉ lệ lợi nhuận biên (NIM) của các ngân hàng đã giảm 1,1 điểm % và có thể giảm tiếp trong quí sau. Tổ chức này đánh giá thu nhập lãi thuần trong của các ngân hàng trong quí I chưa bị ảnh hưởng nhiều từ việc miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Từ 23/1 (khi tuyên bố có dịch) đến 28/3/2020, ngành ngân hàng đã xem xét miễn giảm lãi với tổng dư nợ 91.000 tỉ đồng. "Mức ảnh hưởng này sẽ lớn hơn đáng kể từ quí II, khi tính đến 11/5/2020 con số này đã gần 1.128.000 tỉ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi cũng đạt hơn 639.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5% - 2,5% so với trước dịch", Fiin nhận định.

Ngân hàng có khả năng tiếp tục hạ lãi suất cho vay? - Ảnh 2.

Cụ thể hơn về mức giảm này, hãy hình dung như Vietcombank với hơn 754.000 tỉ đồng dư nợ cho vay, nếu giảm 1 điểm % lợi nhuận biên, thu nhập lãi thuần tương ứng giảm 7.540 tỉ đồng (giả thiết các yếu tố khác không đổi). Đây là một con số không hề nhỏ khi so với mức 23.155 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vietcombank, ngân hàng có lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam.

Trong quí I/2020, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đã giảm 11% so với cùng kì năm 2019 đạt 5.223 tỉ đồng. Theo cho biết từ ban lãnh đạo ngân hàng, với đợt giảm lãi suất trên diện rộng dự kiến lợi nhuận của Vietcombank đã chia sẻ cho khách hàng đạt trên 2.240 tỉ đồng.

Ngân hàng có khả năng tiếp tục hạ lãi suất cho vay? - Ảnh 4.

Nhận định về vấn đề này Chuyên gia Tài Chính TS. Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất hiện tại đã giảm rất nhiều so với trước và lãi suất không phải là điểm nghẽn của câu chuyện vay vốn.

"Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là sức hấp thụ vốn rất yếu của nền kinh tế, từ đầu năm đến giờ tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt khoảng 2,13%, thấp hơn nhiều mức những năm trước. 

Lãi suất bây giờ có giảm nữa cũng rất ít người vay, do đó lãi suất không phải là điểm nghẽn, không phải đúng chỗ ngứa", ông cho biết.

Ngân hàng có khả năng tiếp tục hạ lãi suất cho vay? - Ảnh 5.

Theo vị chuyên gia này, vấn đề quan trọng hay "chỗ ngứa" bây giờ là việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19. Từ đó mới phát sinh những nhu cầu vay mới.

Ông cho rằng lãi suất hiện nay đối với các khách hàng tốt, dự án có hiệu quả không phải ở mức cao, ngắn hạn chỉ từ 6 - 7%/năm trong khi gửi tiền tiết kiệm 12 tháng đã được khoảng 6%/năm.

Nói về triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2020, Chuyên gia Cấn Văn Lực chia sẻ điểm sáng kì vọng là nền kinh tế sẽ phục hồi và tín dụng sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong 6 tháng cuối năm, góp phần gia tăng lợi nhuận của ngân hàng. Dự báo 6 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng khoảng 3 - 3,5% và đến cuối năm sẽ đạt mức 8 - 10%.

Nếu như điểm nghẽn không nằm ở lãi suất thì ngân hàng phải cân nhắc rất kĩ trước khi quyết định việc có tiếp tục giảm lãi suất hay không bởi vì đây là bài toán chi phí - lợi nhuận của mỗi ngân hàng.

Diệp Bình

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...