|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nạn nhân 'nằm không vẫn trúng đạn' của cuộc chiến ca cao

05:03 | 25/01/2021
Chia sẻ
Có lẽ không ai "nằm không vẫn dính đạn" từ cuộc chiến ca cao toàn cầu bằng nông dân trồng ca cao tại Bờ Biển Ngà.

Cuộc chiến ca cao

Gần hai năm trước, các nhà lãnh đạo Bờ Biển Ngà và Ghana đã bắt tay kêu gọi ngành công nghiệp sô cô la trị giá 100 tỷ USD, mà chủ yếu là các ông lớn Hershey, Mars và Nestle, phải trả thêm 400 USD cho 1 tấn hạt ca cao. Cuộc đối đầu trên được gọi là cuộc chiến ca cao, mục đích chính là nhằm tăng thu nhập và giải quyết tình trạng nghèo khó cho các nông dân trồng ca cao tại Tây Phi.

Song, với nhiều thương gia kinh doanh ca cao, các hãng chế biến và công ty sản xuất sô cô la, chiến lược của hai quốc gia châu Phi dường như giống cách liên minh dầu mỏ OPEC thường làm để nâng giá hàng hóa nhưng thiếu đi các yếu tố kinh tế học về cung - cầu để đảm bảo chiến dịch đi đến thành công, Bloomberg nhận xét.

Nạn nhân 'nằm không vẫn trúng đạn' của cuộc chiến ca cao - Ảnh 1.

Nông dân Ghana phơi hạt ca cao. Ghana là nước sản xuất ca cao lớn thứ hai thế giới. (Ảnh: Getty Images).

Chưa đầy hai năm sau, nỗ lực của hai quốc gia châu Phi bây giờ đang phản tác dụng. Bờ Biển Ngà và Ghana, chiếm gần 70% nguồn cung ca cao của thế giới, vẫn gia tăng sản lượng trong khi đại dịch tấn công hàng loạt thành phố lớn từ Paris đến Los Angeles. Lệnh phong tỏa để chống dịch bệnh đã khiến nhu cầu sô cô la tụt dốc.

Nông dân, đối tượng "nằm không vẫn dính đạn", không thể bán ca cao và không có cách nào dự trữ hàng. Khách mua trung gian lại trả ít hơn mức giá tối thiểu mà chính phủ đưa ra. Nông dân Bờ Biển Ngà thậm chí phải giảm giá sâu để bán bớt sản lượng mùa vụ này, Bloomberg đưa tin.

Một số thậm chí còn tuyệt vọng đến mức ngủ bên ngoài văn phòng của cơ quan quản lý ca cao của Bờ Biển Nga, Le Conseil du Café Cacao (CCC) để yêu cầu giải pháp.

Baba Kampe, một nông dân 45 tuổi với 8 ha đất ở thành phố Daloa, nằm trong số những người trực chờ bên ngoài văn phòng của CCC. Kampe cho biết: "Chúng tôi phải chất đống hạt ca cao. Thật khó khăn để nuôi sống bọn trẻ ở nhà".

Ông Jonathan Parkman, Phó Giám đốc của công ty tư vấn Marex Spectron Group và là người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp ca cao, cho biết: "Nông dân rất chán nản vì họ từng được hứa hẹn về một viễn cảnh không có thật, thứ vốn không dựa trên lý thuyết kinh tế học đúng đắn. Kế hoạch hai năm trước không giúp ích cho nông dân mà còn làm hại họ".

Ngay cả trước khi đại dịch gây tác động tiêu cực lên thị trường, các chuyên gia đã cảnh báo rằng chiến lược của Bờ Biển Ngà và Ghana sẽ thất bại vì giá càng cao càng dễ dẫn đến sản xuất vượt mức, hệ lụy lên người nông dân càng nghiêm trọng.

Vắng khách

Theo Hiệp hội Ca cao Thế giới, một nông dân bình thường ở Tây Phi canh tác từ 3,5 ha đất trở xuống và phải nuôi 6 đến 8 thành viên gia đình. Hơn một nửa nông dân ở Bờ Biển Ngà sống dưới mức nghèo đói.

Do không có cơ hội tiếp cận hệ thống thủy lợi hoặc kỹ thuật canh tác hiện đại, các nông dân tại nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới này thường phải phụ thuộc vào thời tiết. Song, hiện tại thời tiết cũng không còn quan trọng với họ nữa.

"Có ích gì khi trông chờ vào thời tiết và hy vọng một vụ mùa bội thu khi không có ai mua ca cao", người nông dân 45 tuổi tên Kouadio Moussa tại thành phố Anoumaba, Bờ Biển Ngà chia sẻ.

Nạn nhân 'nằm không vẫn trúng đạn' của cuộc chiến ca cao - Ảnh 2.

Nông dân Bờ Biển Ngà thu hoạch hạt ca cao. (Ảnh: Getty Images).

Sô cô la là một vật phẩm xa xỉ mà người tiêu dùng thường mua tùy hứng hoặc mua làm quà tặng. Khi nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến trong đại dịch, họ sẽ ít mua hàng tại siêu thị hơn.

Điều đó khiến nguồn cung ca cao toàn cầu bị dư thừa và Bờ Biển Ngà gặp phải khó khăn khi bán loại hạt ca cao đắt nhất thế giới của họ. Tình cảnh của Ghana thì đỡ bi kịch hơn, vì nhiều nhà sản xuất sô cô la ở châu Âu vẫn cần hạt ca cao chất lượng của nông dân Ghana. Song, hoạt động chế biến sô cô la của châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm vào quý IV/2020.

Ca cao là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Ghana và chiếm 8% GDP của Bờ Biển Ngà. Tình hình nghiêm trọng đến mức CCC phải cân nhắc thực hiện các bước quyết liệt như thu mua 50.000 tấn hạt ca cao và trì hoãn việc thương mại hóa 2/3 lượng hạt ca cao không bán được.

Ký ức năm 1987

Tình thế khó khăn của ngành ca cao Tây Phi hiện nay gợi lại ký ức năm 1987, khi Tổng thống Bờ Biển Ngà Felix Houphouet-Boigny đối mặt với một vụ mùa ca cao bội thu. Năm đó, ông Houphouet-Boigny phải áp lệnh cấm bán hàng và thực hiện các thỏa thuận với thương nhân để tích trữ ít nhất 1/4 sản lượng ca cao trong nước với mục tiêu duy nhất là đẩy giá lên cao.

Chiến lược trên, được kể lại trong cuốn "La Guerre du Cacao" (tạm dịch là cuộc chiến ca cao), đã phản tác dụng. Trong suốt hai năm áp dụng lệnh cấm của Tổng thống Houphouet-Boigny, giá ca cao giảm hơn 50%.

"Không ai trên thế giới có thể đảm bảo giá ca cao tăng lên, đặc biệt là khi nhu cầu giảm xuống", ông Derek Chambers, một thương gia ca cao đã nghỉ hưu và là nhân vật chính trong chuỗi sự kiện năm 1987, cho hay.

"Họ từng táo bạo đề xuất trữ ca cao trong cửa hàng, nhưng lịch sử cho chúng tôi biết làm vậy chỉ gây ảnh hưởng đến giá trị hạt ca cao mà thôi", ông Chambers tiếp tục.

Đầu tuần trước, nông dân đã biểu tình bên ngoài văn phòng CCC ở các thành phố Soubre, Daloa và Yamoussoukro của Bờ Biển Ngà. Nông dân đang bị tồn 200.000 tấn ca cao và khách mua trung gian chỉ trả giá khoảng 1,48 - 1,57 USD/kg, thấp hơn mức đề xuất 1,86 USD/kg của chính phủ.

 Ông Antonie Fountain của mạng lưới Voice Network cho hay, nông dân trồng ca cao tại Tây Phi cần phải nhận được khoảng 3.100 USD/tấn để thoát nghèo, thay vì 1.800 USD/tấn như hiện nay.

"Chúng tôi cần cải cách quy định. Hai thập kỷ qua, chúng tôi cố gắng giúp nông dân giải quyết các khó khăn mà họ gặp phải, nhưng thực tế nông dân không phải là vấn đề, hệ thống thương mại hạt ca cao mới là vấn đề", ông Foutain nhấn mạnh.

Yên Khê

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...