|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê, giá đường và giá ca cao đang bắt đầu phục hồi

07:58 | 28/08/2020
Chia sẻ
Theo CNBC, các hàng hoá như cà phê, đường và cacao đã tăng giá trên diện rộng trong vài tuần qua, ổn định sau một thời gian biến động mạnh bởi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Giá cà phê kì hạn giao tháng 12 trên Sàn giao dịch Liên lục địa (ICE) của New York (Mỹ) tăng gần 15% trong quí này, sau khi bắt đầu lao dốc vào giữa tháng 7 để đạt mức cao nhất trong 4 tháng vào đầu tháng 8. 

Giá cà phê tăng vọt vào cuối tháng 3 khi các nước bắt đầu tích trữ hàng hóa trong bối cảnh toàn quốc áp dụng lệnh phong toả do đại dịch COVID-19. 

Các hợp đồng cà phê giao tháng 12 kết thúc phiên giao dịch ngày 20/8 ở mức dưới 1,19 USD/pound.

Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận mua hoặc bán một loại tài sản, trong trường hợp này là cà phê, với một mức giá ấn định tại một thời điểm cụ thể trong tương lai. 

Giá đường kì hạn giao tháng 10 nhìn chung đã có xu hướng ổn định kể từ mức đáy vào cuối tháng 4 và hiện đang giao dịch ở mức chỉ hơn 0,13 USD/pound, đã tăng hơn 21% kể từ cuối tháng 3, bao gồm cả mức đáy 0,09 USD/pound vào cuối tháng 4. 

Giá giảm xuống mức cao nhất trong 5 tháng vào thứ Năm, một phần do sự suy yếu của đồng tiền tệ Brazil, chạm mức hơn 0,13 USD/pound vào ngày 14/8.

Trong khi đó, giá ca cao kì hạn tháng 12 đã tăng đều đặn kể từ đầu tháng 7, đạt đỉnh 2.523 USD/tấn vào đầu tháng 8, tăng 10% cho đến nay trong quí III. 

Yếu tố vĩ mô

Carlos Mera Arzeno, nhà phân tích hàng hóa cấp cao tại ngân hàng Rabobank cho biết việc đồng USD suy yếu (vì hầu hết hàng hóa được định giá bằng USD), nhu cầu tăng và việc các nhà đầu tư sẵn sàng tìm đến hàng hóa khi lợi nhuận cạn kiệt ở những nơi khác đều góp phần vào đà tăng giá gần đây. 

“Kết quả kinh doanh của các công ty thực phẩm và doanh số bán hàng ở các siêu thị trong quí II ở mức tốt cho nên nhu cầu tiêu thụ không tệ như dự đoán”, Arzeno trả lời phỏng vấn CNBC.

Arzeno vẫn dự đoán rằng nhu cầu tiêu thụ ca cao sẽ giảm 3% trong mùa vụ hiện tại và kéo dài cho đến tháng 9, cùng với mức giảm 1% đối với đường và 0,9% đối với cà phê.

“Tất nhiên những đợt giảm đó xảy ra vào thời điểm mà chúng ta đã quen với việc nhu cầu ngày càng tăng,” Arzeno giải thích và cho biết thêm rằng lần cuối cùng nhu cầu về cà phê giảm hàng năm là năm 1995 do giá đã tăng trong năm trước đó. 

Arzeno gợi ý một lý do nữa cho sự tăng lên của giá cả là do các nhà đầu tư quay trở lại thị trường.

Ông nhấn mạnh: “Nếu nhìn vào dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) thì sẽ thấy các quĩ chỉ số hàng hóa mua vào mọi loại hàng hóa trong bảy tuần qua” và cho biết những nhà đầu tư như vậy thường “mua một tuần, bán một tuần khác".

“Đây không phải là khối lượng lớn, nhưng chắc chắn đủ để đẩy giá tăng lên, và tôi tin rằng điều đó một phần trong chiến lược phòng ngừa lạm phát”, Arzeno nhận định.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các chính phủ và ngân hàng trung ương đã bơm vào một lượng thanh khoản chưa từng có trong nỗ lực giảm thiểu thiệt hại kinh tế dài hạn, làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát có thể tăng cao.

Arzeno cho hay với các loại tài sản thay thế mang lại lợi nhuận thấp và phức tạp hơn trong thời kỳ đại dịch, các nhà đầu tư có thể đang chuyển sang hàng hóa để đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ.

Ông cũng dự đoán rằng sự phục hồi dần dần của giá hàng hóa mềm có bền vững hay không chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của nhu cầu đã được chứng minh cho đến thời điểm hiện tại. 

Giá cà phê và giá đường cũng chịu ảnh hưởng từ đồng tiền Real của Brazil. 

Vì Brazil là nước xuất khẩu đường, cà phê và cam lớn nhất thế giới, biến động của tiền tệ cũng ảnh hưởng đến khối lượng xuất khẩu của Brazil và do đó giúp thúc đẩy sự tăng giảm giá đối với những mặt hàng này. 

Với hầu hết các mặt hàng của Brazil được giao dịch bằng đồng USD, đồng Real giảm khuyến khích xuất khẩu, đưa thêm nguồn cung vào thị trường toàn cầu. Đồng Real đã mất giá bền vững so với đồng USD kể từ đầu tháng 6.

H.Mĩ