Năm 2019 Veam đạt lợi nhuận 7.824 tỉ đồng
Ngày 16/1/2019, tại Hà Nội, VEAM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2019 và kế hoạch năm 2020. Tại hội nghị, VEAM đã công bố những con số ấn tượng về sản xuất kinh doanh trong năm 2019, trong đó “mảng sáng” vẫn thuộc về các đơn vị liên doanh như: Toyota, Honda, Ford và “mảng tối” rơi vào các công ty có vốn góp của VEAM khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn đang bị thua lỗ.
Theo đó, năm 2019 doanh thu tài chính của VEAM đạt 7.824 tỷ đồng, vượt 42% so với năm 2018 và vượt 8% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 6.982 tỷ đồng, vượt 34% so với năm 2018 và 9% so với kế hoach đề ra.
Phần lới lợi nhuận VEAM có được đến từ các công ty liên doanh khi mà các sản phẩm ô tô tiêu thụ của Toyota năm 2019 tăng 22%, của Honda là 22% và Ford là 31% so với năm 2018, sản phẩm xe máy của Honda đạt 100% kế hoạch đề ra.
Trong khi đó, các công ty có vốn của VEAM có 10/16 công ty không đạt kế hoạch về doanh thu. Một số doanh nghiệp có tốc độ sản xuất và doanh thu ổn định nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể FUTU1 doanh thu chỉ đạt 99% kế hoạch đề ra - doanh thu giảm chủ yếu do giảm doanh thu cung cấp cho HVN và YAMAHA. DISOCO mặc dù đạt 100% kế hoạch nhưng doanh thu linh kiện xe máy, doanh thu hộp số chỉ bằng 58% so với năm trước, phụ tùng tăng trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu; FOMECO vượt kế hoạch về doanh thu 3% là nhờ tăng trưởng tốt các sản phẩm xuất khẩu trong khi doanh thu linh kiện xe máy bị sụt giảm.
Theo ông Ngô Tuyển - Tổng giám đốc VEAM cho biết - các công ty bị lỗ có rất nhiều nguyên nhân như: SVEAm bị tăng gánh nặng khấu hao do giá trị tài sản cố định bị đánh giá lại tăng ~98 tỷ đồng, đầu tư mới không tăng được sản lượng.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của yếu tố khấu hao chỉ ~20 tỷ đồng. TAMAC và Cơ khí Trần Hưng Đạo có sản lượng quá thấp, sản phẩm có lợi nhuận gộp thường xuyên bị âm, dẫn đến lỗ toàn bộ chi phí quản lý, chi phí bán hàng, chi phí tài chính.
Đặc biệt Cơ khí Trần Hưng Đạo đầu tư dây chuyền FMS mới chỉ khai thác được các sản phẩm với loạt rất nhỏ cũng như kích thước rất nhỏ so với công suất máy và phải chịu toàn bộ chi phí khấu hao tăng thêm. Cơ khí Vinh và NAKYCO sau khi di dời xây mới lại nhà xưởng cũng phải chịu thêm khấu hao. Công ty MATEXIM, TAMAC, MATEXIM Hải Phòng không có vốn để hoạt động và không còn được sự hỗ trợ từ công ty mẹ…”.
Năm 2020 VEAM sẽ tiếp tục hoàn chỉnh đề án, kế hoạch tái cơ cấu (công ty mẹ và công ty con, đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát quản lý chi phí, định hướng sản phẩm và phương án kinh doanh đối với các công ty con và chi nhánh.
Đẩy mạnh phát triển thị trường, tiếp tục tìm các phương án tiêu thụ lượng ô tô Euro 2 hiện đang tồn kho, hiện Nhà máy ô tô VEAM xác định mục tiêu lựa chọn 2-3 đối tác có triển vọng hợp tác lâu dài và có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đối với máy nông nghiệp, VEAM sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách tiêu thụ máy nông nghiệp ISEKI đồng thời đánh giá thực chất và triển vọng thị trường để định hướng cho đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh của VEAM.
“Tổng công ty sẽ kiên quyết loại bỏ hoặc dừng các dự án đầu tư không hiệu quả, các dự án, chương trình đầu tư đã được phê duyệt được đánh giá mang lại hiệu quả sẽ được đẩy nhanh tiến độ nhằm tránh lãng phí do đầu tư kéo dài.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng tiếp tục nghiên cứu để phát triển đổi mới sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Ngô Văn Tuyển cho biết.