|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ Latinh và quá trình thay đổi cơ cấu năng lượng tại Trung Quốc

09:10 | 25/11/2019
Chia sẻ
Do phát triển sau, Trung Quốc đang dần chuyển đổi cơ cấu năng lượng qua các nguồn được gọi là sạch như điện Mặt Trời, điện gió, thủy điện, điện sinh học và cả điện nguyên tử.
Mỹ Latinh và quá trình thay đổi cơ cấu năng lượng tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Các quốc gia trên thế giới đang ngày càng thúc đẩy năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo nhận định của Trạm quan sát kinh tế Mỹ Latinh (OBELA), Mỹ không có khả năng kỹ thuật để thay thế một cách gấp rút cơ cấu năng lượng của mình về tổng thể và trong lĩnh vực xe hơi nói riêng. 

Về phần mình, do phát triển sau Trung Quốc đang dần chuyển đổi cơ cấu năng lượng của mình, đặc biệt trong lĩnh vực điện năng, qua các nguồn được gọi là sạch như điện Mặt Trời, điện gió, thủy điện, điện sinh học và cả điện nguyên tử.

Việc chuyển đổi năng lượng là một quá trình thay đổi cấu trúc các nguồn phát điện và hiện tại, nó tập trung vào các năng lượng xanh. 

Với nỗ lực toàn cầu làm cho các nền kinh tế “xanh” hơn, nói cách khác là ít phát thải CO2, dường như Trung Quốc đang muốn đi tiên phong trong 3 loại hình năng lượng: nguyên tử, điện Mặt Trời và thủy điện.

Hiện tại, sản xuất điện tại quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào than. Ở đây, chỉ số quan trọng là tỷ lệ tăng trưởng các nguồn năng lượng tạo ra điện năng: 

Lượng than Trung Quốc sử dụng tăng trung bình 9%/năm trong giai đoạn 1995-2004, sau đó có một sự điều chỉnh chiến lược để giảm dần tỷ trọng dùng than trong sản xuất điện và tỷ lệ tăng này giảm xuống mức 6% trong giai đoạn 2006-2013 và từ năm 2014 tới nay mức tăng này là 0%.

Trong khi đó, năng lượng hạt nhân có xu hướng tăng trung bình 15%/năm khá ổn định từ năm 1995, trong khi điện Mặt Trời có mức tăng trung bình năm lên tới 42% trong giai đoạn 1995-2004, và từ 2006 tới nay thậm chí còn lên tới 55%; còn thủy điện có mức tăng trung bình 8%/năm trong giai đoạn 1995-2004 và 11% trong giai đoạn 2006-2016.

Về điện hạt nhân, vào năm 2017 Trung Quốc có 17 nhà máy đang hoạt động và đang xây dựng 19 nhà máy khác. 

Đồng thời, Bắc Kinh cũng tự sản xuất các lò phản ứng của riêng mình và trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới xuất khẩu sản phẩm công nghệ này, chủ yếu là cho Pakistan. Tới nay, thương mại lò phản ứng của Trung Quốc với Mỹ Latinh vẫn bằng 0, và trên bình diện toàn cầu, họ phải cạnh tranh với Nga, Thụy Điển, Mỹ, Đức, Pháp và Hàn Quốc.

Trung Quốc cũng đặt cược vào chiến lược xây dựng các công viên điện mặt trời khổng lồ, nói cách khác là các lô đất mênh mông được phủ kín các tấm pin năng lượng Mặt Trời, và trên thực tế họ đã phát triển một vài công viên với diện tích tương đương Macao (28,2 km2). 

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu silic lớn nhất thế giới, chủ yếu từ hai miền Triều Tiên và Kazakhstan.

Ngoài ra, từ năm 2008, Trung Quốc là nhà xuất khẩu các tấm pin thái dương năng lớn nhất thế giới, với khối lượng gấp 4 lần của Mỹ, và dẫn đầu nguồn cung toàn cầu. Điều này lý giải việc cuộc chiến thương mại được khởi đầu bằng thuế suất mới đánh vào mặt hàng này.

Một tấm pin năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc cỡ nhỏ với công suất 295W trung bình có giá 42 USD, thấp hơn so với sản phẩm tương đương của Mỹ, và giờ đây Ấn Độ cũng đang theo sát bước tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Công viên điện Mặt Trời khổng lồ tại tỉnh Jujuy của Argentina hiện có 1,2 triệu tấm pin điện mặt trời mà chính quyền địa phương nhập khẩu từ Trung Quốc nhờ vào trái phiếu xanh. 

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã thu mua tới 85% trái phiếu xanh được phát hành cho siêu dự án này; đây là công viên điện mặt trời lớn nhất Mỹ Latinh, bao phủ diện tích 800 ha và sản xuất 2.500 KW/m2 với tổng giá trị đầu tư 390 triệu USD.

Điện năng sản xuất nơi đây sẽ được cung cấp cho các nhà máy công nghiệp lân cận, các hộ dân trong tỉnh phía Bắc Argentina này và các mỏ khai thác lithium tại biên giới của “xứ sở tango” với Bolivia.

Ngược lại, tại bang Chihuahua của Mexico, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (được cho là chịu sự chi phối của Mỹ để thực hiện các chính sách của Washington tại Mỹ Latinh) cấp 17,2 triệu USD vốn để xây dựng một công viên điện Mặt Trời với công nghệ Tây Ban Nha và chỉ sản xuất được 80 MW.

Một nguồn năng lượng xanh khác mà Trung Quốc đang thúc đẩy là thủy điện. Tại Mỹ Latinh, Bắc Kinh đã tiến hành đầu tư khá quy mô vào ngành thủy điện Brasil. 

Trước năm 2015, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ Latinh chỉ giới hạn ở những dự án không lồ về dầu mỏ và khí đốt.

Nhưng kể từ cột mốc đó, nguồn vốn này có sự chuyển hướng mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng sach, đặc biệt là thủy điện và thông qua việc thu mua cổ phần các công ty sản xuất và/hoặc phân phối điện năng.

Doanh nghiệp State Grid Corporation, một nhà phân phối điện của Trung Quốc, đã mua 55% cổ phần của CPFL tại Brasil; Three Gorges Corporation (CTG) mua lại tài sản của DUKE Energy - một doanh nghiệp thủy điện của Mỹ - tại Brasil; còn tại Peru, Yantze Power International mua lại 86,3% cổ phần của Sempra, cũng của Mỹ, đơn vị hoạt động thông qua doanh nghiệp bản địa Luz del Sur.

Tóm lại, Trung Quốc đang sải bước trên con đường tái cấu trúc năng lượng, trong đó gần như không có sự hiện diện của dầu khí trong các nhà máy nhiệt điện thế hệ mới, yếu tố khác biệt với Mexico và khu vực Lòng chảo Caribbean.

Việc mở rộng hoạt động thương mại các tấm pin điện Mặt Trời và đầu tư vào lĩnh vực thủy điện và phân phối, truyền tải điện năng, cho thấy hiệu rằng Trung Quốc quan tâm tới Mỹ Latinh như không gian để tranh giành với Mỹ về thương mại năng lượng và thay thế các nhiên liệu hóa thạch như xăng và dầu.

Xu hướng vận động này cộng vơi việc thúc đẩy thương mại xe hơi điện đã hoàn thành “bức tranh” này. 

Từ năm 2015, Trung Quốc cũng bắt đầu thâm nhập vào thị trường xe khách điện phục vụ giao thông đại chúng đô thị, tại Santiago (Chile), Medellín, Cali (Colombia), Guayaquil (Ecuador) và tiến hành thử nghiệm tại San José (Costa Rica), Sao Paulo (Brasil), Buenos Aires (Argentina) và Montevideo (Uruguay).

Lê Hà