EVN kiến nghị được tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Theo kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW (2x2.000 MW). Khi đó, dự án được giao EVN làm chủ đầu tư và hợp tác với phía Nga và Nhật Bản để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, dự án này sau đó bị tạm dừng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Cuối tháng 11/2024, Quốc hội quyết nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng.
Tại hội nghị tổng kết ngày 6/1, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn cho biết tập đoàn này đề nghị Thủ tướng giao cho họ tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây sẽ là cơ sở để EVN thực hiện các công việc tiếp theo trong chương trình tái khởi động dự án này.
Địa điểm chọn đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 thuộc xã Vĩnh Hải và Phước Dinh (tỉnh Ninh Thuận) trước đây đã được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ. Đây là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
Tại chỉ thị 01 ngày 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo triển khai, hoàn thành việc đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm.
Trước đó, tại họp báo đầu tháng 12/2024, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết việc lựa chọn chủ đầu tư là một nội dung quan trọng. Bởi, đây sẽ là chủ thể triển khai toàn bộ quá trình, từ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và vận hành nhà máy điện. Ngoài ra, hành lang pháp lý hiện đầy đủ để triển khai dự án này. Bộ này cũng đề nghị tỉnh Ninh Thuận tạo điều kiện có mặt bằng sạch, sự đồng thuận của người dân cho dự án.
Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Do đó, phát triển nguồn điện này giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 theo cam kết tại COP26.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu GDP 8%, làm nền tảng để đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030. Với mức tăng trưởng này, điện năng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần, tức là mỗi năm cần bổ sung 8.000-10.000 MW vào hệ thống.
Do đó để đủ điện cho nền kinh tế, EVN kiến nghị Thủ tướng tiếp tục giao tập đoàn này làm chủ đầu tư các dự án nguồn điện mới, bên cạnh điện hạt nhân Ninh Thuận. Tập đoàn này cũng đề nghị Thủ tướng và bộ ngành, địa phương hỗ trợ họ thực hiện các dự án cấp bách, rút ngắn thời gian chuẩn bị và thi công xây dựng, kịp thời tăng nguồn cung điện cho miền Bắc.
Hiện EVN và các tổng công ty phát điện (các Genco) chiếm khoảng 37,5% nguồn điện; 62,5% còn lại phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Vì thế, EVN kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo PVN, TKV, chủ đầu tư các nguồn điện đảm bảo các tổ máy sẵn sàng huy động và sớm có phương án cấp khí bổ sung cho các nhà máy turbin khí.
Theo báo cáo, năm 2024 tổng doanh thu hợp nhất của EVN đạt khoảng 575.000 tỷ đồng. Trong đó doanh thu công ty mẹ - EVN đạt 480.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm trước đó. Năm ngoái, công ty mẹ có lợi nhuận, nhưng chưa được tập đoàn này công bố con số chi tiết.