Dẫn đầu thị trường điện mặt trời Đông Nam Á, Việt Nam đối mặt tình trạng dư thừa công suất
Hệ thống tấm pin mặt trời và turbine gió tại nhà máy điện gió Phú Lạc, Bình Thuận (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, điều không bình thường chính là tốc độ lắp đặt điện mặt trời của Việt Nam khi quốc gia Đông Nam Á đang dẫn đầu thị trường khu vực ở lĩnh vực này.
Theo một nghiên cứu do công ty tư vấn năng lượng toàn cầu Wood MacKenzie công bố đầu tháng 11, công suất pin mặt trời tích lũy của Việt Nam chỉ đạt 134 MW vào năm 2018 sẽ tăng vọt lên 5,5 GW trong 2019, tương đương 44% tổng công suất điện mặt trời của khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn tháng 6/2018 - 6/2019, Việt Nam đã sản xuất thêm 4,45 GW công suất điện mặt trời.
Công ty tư vấn Rustad Energy của Na Uy tính toán thời gian trung bình để xây dựng và vận hành một dự án điện mặt trời ở Việt Nam là 275 ngày, một con số đáng kinh ngạc.
Công suất điện mặt trời vượt kì vọng
The Asean Post dẫn thông tin từ truyền thông Việt Nam công bố hồi tháng 9 cho biết 4,45 GW công suất tăng thêm này có thể dễ dàng vượt qua mục tiêu đặt ra cho điện mặt trời vào năm 2020 là 1 GW.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có đến 82 nhà máy điện mặt trời trong nước, với tổng cộng suất 4,45 GW đã được hòa vào lưới điện quốc gia tính đến ngày 30/6, cho phép EVN đủ điều kiện để hưởng biểu giá qui định trong chương trình "feed-in-tariff" (FIT).
Biểu giá FIT là chương trình thanh toán hỗ trợ đối với các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, có thể là doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cho mỗi đơn vị năng lượng hòa vào lưới điện chung.
Việt Nam dẫn đầu tổng công suất điện lắp đặt trong giai đoạn 2010 - 2019 tại Đông Nam Á. (Nguồn: Trung tâm Năng lượng ASEAN)
Đóng vai trò trọng tâm trong sự phát triển nhanh chóng của ngành điện mặt trời Việt Nam chính là thông báo của chính phủ năm 2017.
Cụ thể, các dự án được đưa vào hoạt động trước tháng 6/2019 sẽ đủ điều kiện nhận hợp đồng FIT có thời hạn 20 năm với mức giá 0,0935 USD/kWh (tương đương 2.165 đồng/kWh). Chính thông báo trên đã dẫn đến việc nhiều dự án được triển khai vội vàng.
"Năng lực vận hành điện mặt trời tại Việt Nam đã vượt kì vọng của chúng tôi", ông David Dixon, nhà phân tích cao cấp tại nhóm năng lượng tái tạo của Rystad Energy, cho hay.
Mặc dù có nhiều lo ngại xoay quanh nguồn vốn cho các dự án mới, ông Rishab Shrestha, nhà phân tích về năng lượng và năng lượng tái tạo của Wood Mackenzie, đã chỉ ra các dự án mới rất hấp dẫn vì chúng có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
"Các hãng sản xuất điện và nhà thầu trong khu vực và tại Việt Nam sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, dự án điện mặt trời còn nhận được tài trợ từ các ngân hàng thương mại trong khu vực cũng như ở địa phương", ông Shrestha cho biết.
"FIT đã được chứng minh là một công cụ chính sách hiệu quả để tạo ra tăng trưởng nhanh chóng trong ngành năng lượng tái tạo và Việt Nam chính là một ví dụ", ông nhấn mạnh.
Tình trạng quá tải lưới điện
Tuy nhiên, Rystad Enegry lưu ý tình trạng quá tải lưới điện là mối quan tâm chính của Việt Nam trong tương lai.
Trong khi chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời (có tổng công suất 150 MW) được hòa vào lưới điện vào giữa tháng 4, đến cuối tháng 5 đã có thêm 34 cơ sở khác (có tổng công suất 2,2 GW) tham gia vào lưới điện và EVN dự kiến số nhà máy sẽ tăng lên 95 vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Wood Mackenzie cũng cảnh báo EVN sẽ cần phải mở rộng lưới điện, hoặc không, các nhà máy sẽ không thể sản xuất với công suất thiết kế ban đầu.
Tại các tỉnh trọng điểm của Việt Nam, công suất lắp đặt đã vượt quá công suất lưới điện 18% và công suất được phê duyệt cho hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận chỉ dừng lại ở mức 5 GW, nhiều hơn hai lần công suất có thể sử dụng của lưới điện.
Dự án điện mặt trời nổi đầu tiên trên hồ chứa nước thủy điện
Mặc dù vậy, trở ngại trên cũng không ngăn được Việt Nam tiếp tục thực hiện thêm các dự án điện mặt trời. Tháng 10, chính phủ Việt Nam vừa công bố sẽ phát triển nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất Đông Nam Á.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã kí kết một thỏa thuận cho vay trị giá 37 triệu USD với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi để tài trợ lắp đặt một hệ thống pin mặt trời nổi với công suất 47,5 MW trên hồ chứa hiện tại của nhà máy thủy điện Đa Mi.
Đây không chỉ là nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên của Việt Nam mà còn là công trình đầu tiên trên một hồ chứa nước thủy điện.
Ông Christopher Thiêm, Phó Tổng giám đốc phụ trách Bộ phận Điều hành Khối Tư nhân của ngân hàng ADB, nhận định việc kết hợp hai công nghệ năng lượng sạch gồm thủy điện và điện mặt trời là một thành tựu đơn giản nhưng rất sáng tạo, có thể nhân rộng trên khắp Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài việc giúp tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng chung của Việt Nam, dự án còn giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiên liệu hóa thạch như than đá, vốn sẽ là chìa khóa cho nỗ lực tăng trưởng bền vững của chính phủ.