Ninh Thuận: Thủ phủ điện mặt trời, điện gió kêu cứu vì… dư điện
Đầu tư thiếu đồng bộ
Theo chủ trương đã được Thủ tướng và Bộ Công Thương phê duyệt qui hoạch phát triển điện lực, Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án điện mặt trời (ĐMT), 11 dự án điện gió với tổng vốn đầu tư hơn 72.200 tỉ đồng.
Thủ phủ điện mặt trời, điện gió Ninh Thuận có thể thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng vì đường dây quá tải. (Ảnh: Khải An)
Trong đó, các dự án điện mặt trời (ĐMT) với tổng công suất 1.817 MW, tổng vốn đăng kí đầu tư hơn 50.000 tỉ đồng. Các dự án điện gió có tổng qui mô công suất hơn 630 MW, tổng vốn đầu tư hơn 22.100 tỉ đồng.
Hiện Ninh Thuận đã có 18 dự án vận hành với tổng công suất 1.180 MW gồm 15 dự án ĐMT (1.063 MW); 3 dự án điện gió (117 MW) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và cải thiện đời sống một bộ phận người dân.
Tuy nhiên, trong số 18 dự án trên có 10 dự án (359 MW), đang phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất (tương ứng 215 MW) để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải.
Cụ thể tính đến ngày 30/6, lượng điện thực hiện giảm phát khoảng 23,2 triệu KW với tổng số tiền thiệt hại khoảng 49,5 tỉ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ giảm phát lên đến 224 triệu KW, tương đương con số thiệt hại là 479,4 tỉ đồng.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho rằng nếu tiếp tục kéo dài những năm tiếp theo sẽ gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của các dự án, gây thiệt hại các nhà đầu tư vì vi phạm cam kết tiến độ trả lãi ngân hàng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Theo thống kê hiện trạng lưới điện truyền tải trên địa bàn Ninh Thuận khả năng giải tỏa công suất chỉ đáp ứng khoảng 800 MW, trong khi hiện nay có khoảng 1.180 MW dự án điện gió, ĐMT đưa vào vận hành làm quá tải lưới điện 110 KW nên phải tiến hành giảm phát để tránh quá tải.
Các doanh nghiệp cho rằng việc nhà máy chỉ hoạt động chưa đến 60% công suất gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh của họ. (Ảnh: Khải An)
"Hầu hết dự án đầu tư công trình lưới điện 110 kV, 220 kV theo qui hoạch đều triển khai chậm tiến độ cũng như danh mục lưới điện truyền tải được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào qui hoạch điện VII điều chỉnh đều dự kiến triển khai sau năm 2020.
Do đó việc giải phóng công suất 2.000 MW đến hết năm 2020 tại Ninh Thuận đang gặp nhiều khó khăn bởi thời gian đầu tư hạ tầng truyền tải chưa đồng bộ", Chủ tịch UBDN tỉnh Ninh Thuận cho biết..
Nhà đầu tư kêu cứu
Đại diện chủ đầu tư Nhà máy ĐMT Phước Hữu cho hay, do lưới điện tại Ninh Thuận quá tải nên nhà máy chỉ sản xuất hơn 50% công suất thiết kế.
"Việc cắt giảm công suất điện ảnh hưởng lớn đến doanh thu của nhà máy và hiệu quả dự án đầu tư. Với tình hình cắt giảm công suất hiện nay, doanh thu của nhà máy chỉ đủ để trả lãi ngân hàng, nên không có khả năng hoàn vốn", vị đại diện nói.
Ông Vũ Đình Tân, Tổng Giám đốc dự án ĐMT Trung Nam, cho rằng việc cắt giảm công suất không chỉ gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu địa phương và nguồn năng lượng quốc gia.
"Khi nhà máy chỉ bán được 50 - 60% công suất sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp khi lâm vào một dự án hiệu quả đầu tư không có sẽ vô cùng khó khăn mới có thể xoay xở được", ông Tân nhận định.
Tập đoàn Trung Nam đề nghị được đầu tư xây dựng trạm biến áp 500kV và đường dây đấu nối để giảm áp cho ngành điện tại Ninh Thuận. (Ảnh: TNG)
Trước những khó khăn này, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc cân đối đầu tư các công trình truyền tải điện 220 kV, 500 kV trên địa bàn theo kế hoạch đầu tư của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thì chưa đáp ứng yêu cầu giải phóng công suất các dự án ĐMT theo chủ trương của Chính phủ chấp thuận cho Ninh Thuận phát triển đến công suất 2.000 MW đến năm 2020.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc trong việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản báo cáo Thủ tướng thực hiện cơ chế đầu tư Dự án nhà mát ĐMT kết hợp hạ tầng truyền tải điện trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây đấu nối do công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam đề xuất.
Theo ông Vũ Đình Tân, mục đích của doanh nghiệp làm đường dây 500 kV có chiều dài 17 km (vốn đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng) để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia nhằm mục địch giải tỏa công suất cho nhà máy ĐMT Thuận Nam 450 MW và giải tỏa một phần cho các nhà máy ĐMT trên địa bàn.
"Chúng tôi cam kết khi hoàn thành dự án sẽ bàn giao cho EVN quản lý, vận hành mà không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư. Chúng tôi cũng tính toán khi đưa đường dây 500 KW do chúng tôi đầu tư đấu nối với dự án đường dây 500 KW từ Vân Phong – Khánh Hòa đến Vĩnh Tân – Ninh Thuận sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án này", ông Tân nhận định.
Liên quan đến vấn đề trên, nhiều nhà đầu tư ĐMT và điện gió tại Ninh Thuận cho rằng, về cơ bản họ rất ủng hộ chủ trương trên.
Tuy nhiên cần làm rõ, trong tổng công suất đầu tư thì Trung Nam được dùng bao nhiêu, còn bao nhiêu % là công suất chia sẻ cho các nhà máy khác; phương án huy động, chia sẻ vốn đầu tư với các nhà máy khác được tính toán như thế nào để đảm bảo việc đầu tư cũng như chia sẻ công suất được công bằng và hiệu quả.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Ninh Thuận về qui hoạch điện mặt trời và điện gió. (Ảnh: TNG)
Tại buổi làm việc mới đây với Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, điện gió và ĐMT là thế mạnh đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia, đóng góp quan trọng trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng chung.
Chỉ trong hơn một năm, Ninh Thuận đã có hơn 1.000 MW năng lượng gió, mặt trời. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển điện gió và ĐMT của Ninh Thuận còn những hạn chế, đó là hạ tầng truyền tải chưa theo kịp với phát triển sản xuất điện.
Vì thế, thời gian tới Ninh Thuận phải tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh theo Luật Qui hoạch. Triển khai dự án trên cơ sở tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm của tỉnh, tránh tình trạng phát triển phong trào, tự phát, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.