|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dù hướng tới năng lượng sạch, 'than đá vẫn là vua' ở Đông Nam Á

12:24 | 02/10/2019
Chia sẻ
CNBC dẫn nhiều báo cáo gần nhất cho thấy than vẫn là nguồn nhiên liệu chủ đạo tại các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á, ngay cả khi toàn cầu đang hướng đến mục tiêu năng lượng sạch.
https%3A%2F%2Fblogs-images

Nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. (Nguồn: Sem Tech Solutions)

"Than đá vẫn là vua"

"Trên toàn thế giới, câu chuyện xoay quanh than đá trở nên bi quan hơn. Thực trạng này sẽ khiến công suất điện than mới ở khu vực Đông Nam Á giảm dần", bà Jacqueline Tao, cộng tác viên nghiên cứu tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, nhận định.

"Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng điện gia tăng và vấn đề về khả năng chi trả trong khu vực cho thấy chúng ta chỉ có thể cảm nhận sức mạnh của than đá dần suy yếu kể từ sau năm 2030", bà Tao nói thêm.

viber_image_2019-10-02_12-23-29

Đồ họa: PUKGY

Ngành công nghiệp khai thác than đang phải đối mặt với chỉ trích từ các nhà vận động môi trường vì gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhu cầu than trên toàn cầu đã tăng năm thứ hai liên tiếp lên 0,7% trong năm 2018, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Trong bản báo cáo công bố hồi tháng 12/2018, IEA dự đoán nhu cầu sử dụng than đá sẽ tiếp tục ổn định cho đến năm 2023, vì tăng trưởng tiêu thụ mạnh ở Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ bù đắp cho mức giảm tại châu Âu và Bắc Mỹ.

"Nhu cầu than đá tăng trên khắp khu vực châu Á do chi phí rẻ và sẵn có của loại nhiên liệu này", IEA khẳng định trong báo cáo.

Nghiên cứu của Wood Mackenzie cho thấy, than không chỉ tiếp tục là nguồn nhiên liệu chủ chốt trong sản xuất điện ở Đông Nam Á, việc sử dụng than sẽ còn tăng và đạt đỉnh vào năm 2027 trước khi chững lại.

Đến năm 2040, than đá sẽ chiếm 36% nguồn cung để sản xuất điện năng của khu vực Đông Nam Á.

Bà Tao cho hay nhu cầu than đá tăng cao chủ yếu được thúc đẩy bởi Indonesia và Việt Nam, chiếm gần 60% nhu cầu năng lượng của khu vực vào năm 2040.

Tuy nhiên, khi nhiều ngân hàng hạn chế tài trợ cho các dự án điện than sau khi cam kết chuyển sang một số nguồn năng lượng sạch hơn với chính phủ các nước, năng lượng tái tạo được dự đoán sẽ trở nên phổ biến hơn.

Wood Mackenzie ước tính các nhà máy năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ dẫn đầu trong hỗn hợp công suất điện của khu vực Đông Nam Á ở mức 35% vào năm 2040.

Đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời sẽ chiếm 23% tổng đầu tư vào toàn ngành năng lượng, tăng 89 tỉ USD trong giai đoạn 2019 - 2040.

Vấn đề với năng lượng tái tạo ở khu vực Đông Nam Á

Theo bà Tao, năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi không thể cạnh trạnh về giá trong khu vực so với phần còn lại của thế giới cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức như chính sách thu hồi đất và một số vấn đề gián đoạn khác.

Năng lượng tái tạo có thể đối mặt với tình trạng gián đoạn vào những ngày không có đủ tài nguyên như ánh sáng mặt trời hoặc gió để cung cấp nguồn cung cho nhà máy phát điện.

Mặc dù các nhà máy điện này có thể sử dụng pin để lưu trữ năng lượng dự phòng, một số thách thức về công nghệ và chi phí vẫn tồn tại khi thực hiện kế hoạch.

Trong một báo cáo công bố hồi đầu tháng 9, Moody's Investors Service nhận định các mục tiêu năng lượng sạch ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, khá khó để hoàn thành.

Chính phủ Indonesia đã nhắm mục tiêu tạo ra khoảng 23% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2025, gần gấp đôi con số 12% hiện nay. Tuy nhiên, kế hoạch trên rất khó thực hiện vì quá trình mở rộng công suất vẫn chịu sự chi phối lớn của than đá.

"Thách thức lớn nhất là tạo ra khung chính sách và qui định, đã ghi nhận nhiều thay đổi đáng kể trong những năm qua", Moody's cho hay.

Điện than cũng nhận được trợ cấp từ chính phủ Indonesia, khiến giá hấp dẫn hơn so với điện được tạo ra từ năng lượng gió và mặt trời. Thuế quan đối với các dự án năng lượng tái tạo cũng là một vấn đề đáng quan tâm khác.

Indonesia còn là một quần đảo rộng lớn, không có lưới điện ổn định trên nhiều hòn đảo, khiến đất nước này gặp khó khăn trong quá trình tổ chức các dự án lớn có thể hưởng lợi từ các nền kinh tế có cùng qui mô.

Trung Quốc và Nhật Bản chưa từ bỏ điện than

Trung Quốc, nước sử dụng điện than lớn nhất thế giới, dự định giảm 3% lượng than tiêu thụ vào năm 2023, theo báo cáo của IEA.

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc tìm cách giảm ô nhiễm không khí độc hại trong nước, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang đầu tư ồ ạt vào các dự án điện than ở nước ngoài, đặc biệt là những địa điểm liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Các cường quốc kinh tế Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bơm tiền vào loại nhiên liệu hóa thạch này.

Nhật Bản đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện than ở bờ biển khi nước này giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011. Tuy nhiên, chiến lược trên lại dấy lên nhiều phản ứng chính trị và xã hội từ phía công chúng.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy điện than mới, Reuters đưa tin hồi tháng 4.

Mặc dù các nhà sản xuất than đá đang nỗ lực cho ra mắt công nghệ "than sạch" giúp giảm phát thải ô nhiễm vào khí quyển, tổ chức môi trường phi chính phủ Greenpeace cho biết các phương pháp này vẫn tạo ra ô nhiễm và không thể xử lí ở bên ngoài môi trường.

Yên Khê

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...