|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ: Giá xăng đã giảm, sao lạm phát chưa 'hạ nhiệt'?

20:24 | 09/08/2022
Chia sẻ
Dù giá xăng tại Mỹ đã hạ trong hơn 50 ngày liên tiếp, giới phân tích cảnh báo rằng một số yếu tố bất lợi vẫn còn sẽ giữ cho giá cả về tổng thể không thể sớm giảm trong một sớm một chiều.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng giá xăng tại Mỹ đã trong xu hướng giảm hơn 50 ngày liên tiếp, mang tới một số khoản hỗ trợ tài chính rất cần thiết cho các tài xế. Nhưng vẫn chưa có ai thực sự ăn mừng vì điều này. Trong khi giá xăng đóng một vai trò lớn trong đợt lạm phát lịch sử hiện nay, giới phân tích cảnh báo rằng một số yếu tố bất lợi vẫn còn nguyên sẽ giữ cho giá cả về tổng thể không thể sớm giảm trong tương lai gần.

Người dân Mỹ bơm xăng tại bang California. (Ảnh: THX/TTXVN).

Triển vọng thị trường dầu vẫn còn mờ mịt

Giá xăng tại các trạm bơm đã thấp hơn trong hiện tại, với chi phí trung bình của một gallon xăng (1 gallon =3,78 lít) đã giảm gần 1 USD kể từ mức đỉnh của tháng Sáu. Nhưng về dài hạn, triển vọng về lượng dự trữ thấp trong các kho chứa và nhiều yếu tố bất lợi khác sẽ tiếp tục đẩy giá tăng.

Ngoài xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu của nước này, việc các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không muốn hoặc không thể tăng đáng kể sản lượng cũng đang hạn chế nguồn cung bổ sung có mặt trên thị trường toàn cầu.

OPEC và các đối tác ngoài khối (còn được gọi là OPEC+) tuần trước đã công bố mức tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày trong tháng Chín, khiêm tốn hơn so với dự kiến của thị trường.

Một yếu tố khác là sự chần chừ của các nhà sản xuất Mỹ trong việc đầu tư số tiền lớn vào việc khai thác và tinh chế nhiên liệu hóa thạch, khi các mục tiêu chính sách dài hạn cho thấy lợi nhuận của họ sẽ giảm dần khi thế giới dịch chuyển sang năng lượng tái tạo.

Chi phí cho nhà ở ngày càng đắt đỏ

Nhà ở chiếm một phần lớn trong ngân sách của các gia đình trung lưu tại Mỹ. Khoản này cũng là một phần không nhỏ trong giỏ hàng hóa - dịch vụ mà chính phủ nước này sử dụng để tính toán lạm phát.

Cách Cục Thống kê Lao động (BLS) tính toán chi phí nhà ở khiến khoản này trở thành một phần có ảnh hưởng lớn đến Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) cuối cùng: Chi phí nhà ở bao gồm tiền thuê tương đương của chủ sở hữu (OER – số tiền thuê hàng tháng tương đương với chi phí hàng tháng của việc sở hữu một bất động sản) và tiền thuê nơi ở chính, qua đó tính toán số tiền mà cả chủ nhà và người thuê phải trả để sinh sống trong bất động sản của họ.

Khoản chi phí này chiếm khoảng 30% CPI tổng thể và 40% CPI cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống và năng lượng dễ biến động).

Ông Sam Stovall, trưởng chiến lược gia đầu tư tại công ty nghiên cứu thị trường CFRA Research cho biết nhà ở là một yếu tố quan trọng. Trong khi doanh số bán nhà mới và nhà có sẵn bắt đầu đi xuống, giá vẫn chưa giảm vì cầu vẫn nhiều hơn cung.

Giá nhà sẵn có ở Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục mới là trung bình 416.000 USD một căn vào tháng Sáu, tăng 13,4% so với cùng kỳ một năm trước.

Báo cáo hồi tháng Hai từ trang thống kê bất động sản Realtor.com cho thấy rằng những người thuê nhà có thu nhập hộ gia đình điển hình cho khu vực của họ trung bình tiêu tốn gần 30% thu nhập cho tiền thuê nhà, một ngưỡng mà các nhà hoạch định chính sách coi là "gánh nặng".

Ngoài ra, sức ép kép từ giá cả cao hơn và lãi suất thế chấp tăng tiếp tục khiến việc sở hữu một căn nhà vượt khỏi tầm với của nhiều người. Ngày càng nhiều gia đình buộc phải đứng ngoài cuộc đua mua nhà khi tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh tay đẩy chi phí lên cao ngất.

Nhu cầu hàng hóa cao khác thường

Kể từ sau đại dịch, nhu cầu về hàng hóa tăng vọt đã khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng bất ổn, trong khi hoạt động logistics gặp nhiều khó khăn và gây ra sự biến động lớn về giá cả.

Ông David Dollar, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu chính sách Brookings, cho biết lạm phát chủ yếu do nhu cầu quá cao trong khi lại có quá ít hàng hóa trên thị trường.

Tình trạng nhu cầu cao kéo dài lại “đụng” phải giai đoạn các nhà máy ở Trung Quốc ngừng hoạt động vì dịch COVID-19, gây ra ùn tắc giao thông hàng hải tại các cảng ở khu vực Thái Bình Dương. Khi các tàu cập bến, phía các cảng lại không có đủ công nhân để dỡ hàng hoặc lái những chiếc xe tải vận chuyển hàng hóa đến kho rồi đến người tiêu dùng.

Theo ông Dollar, nhu cầu tổng thể về hàng hóa tăng lên khá đột ngột, khiến các hệ thống bất ngờ phải xử lý nhiều yêu cầu hơn. Kết quả là sự hỗn loạn xảy ra cùng sự cạnh tranh khốc liệt để thu hút người lao động với các mức lương hấp dẫn.

Tiền lương và các biện pháp kích thích

Các nhà kinh tế nhận định mức tăng lương - đang dao động trên 5% theo cơ sở hàng năm - sẽ là mức trung bình trong suốt thời gian còn lại của 2022. Nhưng các nhà tuyển dụng vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, gây áp lực buộc họ phải đưa ra mức lương cạnh tranh để thu hút và giữ chân nhân tài.

Theo báo cáo mới nhất của BLS, hiện vẫn có 10,7 triệu việc làm tại Mỹ chưa có người nhận trong tháng 6/2022. Mặc dù đã giảm từ mức kỷ lục 11,7 triệu ghi nhận hồi tháng Tư, nhưng con số trên vẫn gần tương đương hai vị trí có sẵn cho một công nhân Mỹ chưa có việc làm.

 Giá xăng tại một trạm xăng ở bang California, Mỹ hôm 16/5/2022. (Ảnh: THX/TTXVN).

Ông Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại ngân hàng U.S. Bank Wealth Management cho hay điều mà giới chuyên gia chưa rõ là nhu cầu sẽ ra sao trong điều kiện “bình thường mới” sau đại dịch? Hiện tại, có vẻ như áp lực tiền lương sẽ vẫn duy trì trong giai đoạn trước mắt.

Đó là bởi khác với những rắc rối trong chuỗi cung ứng hoặc thậm chí là giá cả hàng hóa tăng vọt, tác động của lạm phát lên tiền lương không dễ dàng xóa bỏ. Ngay cả khi các công ty có thể chi trả ít hơn cho các linh kiện hoặc nguyên liệu thô, họ cũng không có khả năng thực hiện cắt giảm lương, do đó lạm phát vẫn kéo dài.

Ông Hawort cho rằng lạm phát có mối tương quan lớn với tăng trưởng tiền lương – không đồng nghĩa lương cao là một điều xấu.

Theo chuyên gia này, khi người dân có nhiều tiền hơn, họ có thể mua nhiều hàng hóa hơn. Nhưng nếu không có nhiều hàng hóa hơn trên thị trường, giá sẽ lại tăng lên. Điều này sau đó lại chuyển thành áp lực về giá đối với mọi hàng hóa khác.

Các đợt tăng lương gần đây đều theo sau các đợt điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ. Diễn biến đó góp phần tạo ra một nền kinh tế dư thừa thanh khoản do các khoản hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp, cũng như việc Fed nới lỏng định lượng.

Ánh sáng nào ở cuối đường hầm?

Mặc dù giới phân tích nhận định lạm phát có thể sẽ kéo dài sang năm 2023, nhưng vẫn có một số điểm sáng cho tình hình hiện tại.

Ngoài việc cần trả ít tiền hơn cho hoạt động đi lại bằng ô tô, chuyên gia Stovall cho biết giá vé máy bay vốn đang ngất ngưởng có thể “trở lại mặt đất”. Người mua sắm ở các siêu thị có thể thấy giá một số mặt hàng giảm nhẹ nếu các nhà sản xuất hoặc nhà phân phối không phải trả nhiều tiền cho việc vận chuyển để đưa hàng hóa của họ lên kệ.

Cũng đã có một số trường hợp giảm giá hàng hóa đáng chú ý gần đây: hai chuỗi bán lẻ Walmart và Target đều cho biết họ phải giảm giá để giảm bớt một lượng lớn hàng tồn kho chưa bán được, giữa bối cảnh người dân Mỹ nối lại chi tiêu cho các dịch vụ như ăn uống và sự kiện giải trí trực tiếp.

Trong khi một số lĩnh vực như sản xuất ô tô và chất bán dẫn vẫn phải đối mặt với những khó khăn về chuỗi cung ứng, đã có dấu hiệu rằng giai đoạn bế tắc này đang giảm bớt.

Ngoài ra, cũng có những kỳ vọng - dù không chắc chắn - là Tổng thống Joe Biden sẽ rút lại một hoặc nhiều đợt thuế quan trừng phạt mà người tiền nhiệm Donald Trump đã áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các chuyên gia đồng ý rằng những biện pháp thuế quan đó đã thất bại trong việc buộc Trung Quốc mua thêm các sản phẩm nông nghiệp cùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Mỹ.

Một phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính rằng, việc rút lại các biện pháp thuế do ông Trump áp đặt cùng một số mức thuế khác có thể làm giảm lạm phát lên tới 1,3 điểm phần trăm. Điều này sẽ tiết kiệm trung bình khoảng 800 USD/năm cho một hộ gia đình Mỹ. 

H.Thủy (Tổng hợp)