|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát chưa thấy dấu hiệu quay đầu, Thống đốc Fed ủng hộ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 9

08:02 | 08/08/2022
Chia sẻ
Giới chức Fed nhận định cuộc chiến với lạm phát vẫn chưa khép lại và không loại trừ khả năng ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất 50 hoặc 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9.

Cuộc chiến với lạm phát chưa xong

Mary Daly - Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ “còn lâu mới hoàn thành” mục tiêu hạ nhiệt lạm phát. Khi được hỏi rằng liệu Fed có tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 9, bà Daly không loại trừ khả năng này.

Bà bày tỏ: “Rất có thể…nhưng chúng tôi cần phải phụ thuộc vào dữ liệu. Các quan chức Fed phải giữ quan điểm mở. Chúng tôi còn hai báo cáo lạm phát và một báo cáo việc làm nữa trước khi cuộc họp tiếp theo diễn ra”.

Hồi đầu tháng, bà Daly từng nói mức tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 9 là “một hướng đi hợp lý”. Cuối tuần qua, bà nêu ra một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt khi đà tăng giá cả chững lại và thị trường lao động trở nên nóng hơn.

Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco - Mary Daly. Năm nay, bà Daly không phải là thành viên có quyền bỏ phiếu trong uỷ ban hoạch định chính sách của Fed. (Ảnh: Bloomberg).

“Hiện tại, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là lạm phát vẫn đang quá cao. Chỗ đứng của người tiêu dùng Mỹ đang lung lay mỗi ngày, vì vậy trọng tâm là phải làm sao để kéo lạm phát xuống”, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco nhấn mạnh.

Trong năm nay, Fed đã tăng lãi suất với tốc độ rất nhanh chóng, trong đó có hai lần tăng 75 điểm cơ bản trong tháng 6 và tháng 7, nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm.

Sau cuộc họp tháng 7, Chủ tịch Jerome Powell cho biết rất có thể Fed sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất lớn khác vào tháng 9, nhưng mọi quyết định sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế, theo Bloomberg.

 

Nên tăng 75 điểm cơ bản?

Cũng tại một sự kiện hồi cuối tuần qua, Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết bà ủng hộ các đợt tăng lãi suất mạnh tay gần đây và nhận định Fed có khả năng phải tiếp tục như vậy cho đến khi lạm phát giảm bớt.

“Theo tôi, chúng ta nên tiếp tục các đợt tăng lãi suất với quy mô tương tự cho đến khi lạm phát giảm một cách nhất quán, có ý nghĩa và bền vững”, bà Bowman nói thêm tại sự kiện mới đây.

Chia sẻ của bà Bowman là bình luận đầu tiên từ một thành viên của Hội đồng Thống đốc Fed kể từ khi Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thông qua mức tăng lãi suất gần nhất.

Trong tuần qua, nhiều chủ tịch Fed khu vực cũng kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục tăng mạnh cho đến khi lạm phát giảm từ mức 9,1% hiện tại. Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco là một ví dụ.

Thống đốc Fed Michelle Bowman. (Ảnh: Bloomberg).

Hôm 5/8, Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến. Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 528.000 việc làm trong tháng 7 - cao gấp đôi so với dự đoán của giới chuyên gia.

Điều này khiến công chúng tin Fed nên tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản một lần nữa. Theo dữ liệu của CME Group, thị trường dự đoán khả năng Fed nâng lãi suất 75 điểm tại cuộc họp tháng 9 là khoảng 68%.

Bà Bowman cho biết mình sẽ theo dõi sát dữ liệu lạm phát sắp tới để đánh giá mức độ tăng lãi suất mà bà nghĩ là cần thiết. Tuy nhiên, vị thống đốc nói các dữ liệu gần đây đang khiến công chúng hoài nghi rằng liệu lạm phát đã đạt đỉnh hay chưa.

“Tôi thấy có rất ít dấu hiệu củng cố cho kỳ vọng là lạm phát đã chạm đỉnh. Tôi sẽ cần phải nhìn thấy những bằng chứng rõ ràng rằng lạm phát đang giảm trước khi thay đổi quan điểm chính sách của mình”, CNBC dẫn lời bà Bowman khẳng định.

Hơn nữa, Thống đốc Fed cho biết bà nhận thấy “trong năm tới, có nguy cơ là lạm phát sẽ duy trì ở mức cao đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhà ở, nhiên liệu và xe cộ”.

 

Nhận xét của bà Bowman được đưa ra sau khi dữ liệu khác cho thấy tăng trưởng GDP của Mỹ đã thu hẹp trong hai quý liên tiếp, thoả điều kiện suy thoái về mặt kỹ thuật. Trong khi bà nói tăng trưởng sẽ đi lên trong nửa cuối năm và “nhích vừa phải trong năm 2023”, lạm phát vẫn là mối đe doạ lớn nhất.

“Mối đe doạ lớn hơn đối với thị trường lao động mạnh mẽ là lạm phát cao quá mức. Nếu chúng tôi để lạm phát tiếp tục gây hại, nền kinh tế có thể chững lại hơn nữa và thậm chí có nguy cơ suy yếu kéo dài cùng với lạm phát cao, như những gì từng xảy ra trong những năm 1970”, bà Bowman cảnh báo.

Khả Nhân

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.