Mỹ đang thua thiệt trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?
Sản phẩm đậu tương tại một trang trại ở bang Iowa, Mỹ. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Mỹ và các đồng minh phương Tây đối mặt với triển vọng kinh tế ngắn và trung hạn ngày càng đen tối.
Trên đây là nhận định của tướng Dominique Delaware trong bài viết đăng tải trên trang mạng của Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IVERIS).
Đối với Mỹ, tướng Delaware cho biết số liệu mới nhất được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 6/12 vừa qua cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong tháng 10/2018 một lần nữa (tháng thứ 4 liên tiếp) đã phá kỷ lục khi lên tới hơn 43,1 tỷ USD.
Điều này cho thấy tất cả các biện pháp được Mỹ áp dụng trong 10 tháng qua đối với Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại đã không mang lại hiệu quả, trong khi các biện pháp đối phó của Trung Quốc (như đánh thuế sản phẩm của Mỹ hay giảm thuế nhập khẩu từ Mỹ) lại đang phát huy hiệu quả.
Rõ ràng, Mỹ đang ngày càng thua thiệt trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vốn được Washington khởi xướng từ tháng 1/2018.
Tướng Delaware cho rằng nguyên nhân là do Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (so với Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ).
Trung Quốc vốn chỉ nhập khẩu các sản phẩm khí đốt và dầu của Mỹ nên dễ dàng tìm được nguồn thay thế với chi phí thấp hơn.
Do vậy, Bắc Kinh có thể dừng nhập khẩu các sản phẩm này mà không bị nhiều tác động.
Trong 4 tháng qua, Bắc Kinh đã giảm 20% lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ, khiến kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc giảm từ 11,1 tỷ USD hồi tháng 6/2018 xuống còn 9,1 tỷ USD vào tháng 10/2018.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã, đang và sẽ còn tiếp diễn trong tương lai, gây thiệt hại phần nhiều là về phía Mỹ trong khi Trung Quốc ngày càng đa dạng hóa các đối tác thương mại và tiếp tục tăng cường trao đổi với phần còn lại của thế giới.
Ngoài ra, Tướng Delaware cho rằng khối nợ công của Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên 22.000 tỷ USD vào cuối năm (chiếm 107%-108% Tổng sản phẩm quốc nội - GDP) được cho là điều gây lo ngại và khiến niềm tin đối với đồng USD, vốn đang chiếm giữ vai trò đơn vị tiền tệ thế giới, bị sụt giảm. Nợ của Mỹ đã trở thành một loại tài sản rủi ro.
Trong khi đó, trong khoản nợ liên bang trị giá 22.000 tỷ USD, 72% được sở hữu bởi chính người Mỹ, 28% còn lại do nước ngoài nắm giữ (6.200 tỷ USD). Hơn 1/3 số nợ nước ngoài do hai quốc gia nắm giữ là Trung Quốc (1.343 tỷ USD) và Nhật Bản (1.028 tỷ USD).
Cho đến gần đây, nhiều quốc gia vẫn là người mua nợ này trên thị trường, chủ yếu vì lãi suất hấp dẫn.
Số liệu mới nhất do Bộ Tài chính Mỹ công bố cho thấy các quốc gia nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ đã giảm mức mua "sản phẩm rủi ro" này xuống 63 tỷ USD chỉ trong tháng Chín.
Một làn sóng bán diễn ra diện rộng và trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là chưa từng thấy trong quá khứ.
Điều này cho thấy một cuộc khủng hoảng niềm tin vào đồng USD và nền kinh tế Mỹ.
Xe ôtô do Tập đoàn công nghiệp Thượng Hải, Trung Quốc sản xuất chờ xuất khẩu sang Mỹ tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Nó cũng phản ánh thực tế là ngày càng nhiều quốc gia không đánh giá cao thực tế rằng đồng USD được sử dụng làm vũ khí phục vụ chính sách đối ngoại của Mỹ và cho phép Washington áp đặt chính sách đối với phần còn lại của thế giới.
Bên cạnh đó, tướng Dominique Delaware dự đoán rằng một cuộc nội chiến thực sự là hoàn toàn có thể xảy ra ở Mỹ khi xuất hiện khủng hoảng nợ và khủng hoảng đồng USD.
Cuộc khủng hoảng này rõ ràng sẽ gây tác động toàn cầu, giống như năm 1929 và thậm chí còn tệ hơn. Và nếu cuộc khủng hoảng này xảy ra, châu Âu sẽ bị ảnh hưởng, như các năm 1929 và 2008.
Những khó khăn về kinh tế và xã hội rất nghiêm trọng và có nguy cơ xảy ra nội chiến ở một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong đó có cả Pháp.