|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Muôn vàn chông gai trên con đường tiêm chủng vắc xin của Mỹ

11:09 | 15/12/2020
Chia sẻ
Sự kiện vắc xin của Pfizer-BioNTech được phê duyệt sử dụng trên người chỉ là một thành công nhỏ. Trong thời gian tới, Mỹ sẽ còn phải đối mặt với muôn vàn chông gai và thách thức khi tiến hành tiêm chủng vắc xin trên toàn quốc.

Nơi có, nơi không

11 bệnh viện ở bang Kentucky sẽ nhận được những liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên do hai hãng dược Pfizer và BioNTech phát triển, dự kiến sớm nhất là vào 14/12 (theo giờ Mỹ).

Tuy nhiên, bệnh viện Saint Joseph của bác sĩ Nichelle Jadhav không nằm trong danh sách và cô đang khá bối rối. Trường hợp của Jadhav cũng không phải là duy nhất.

Biện viện Saint Joseph là một cơ sở gồm 433 giường bệnh ở Lexington - thành phố lớn thứ hai của bang Kentucky. Theo hãng tin Guardian, bệnh viện này thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 nguy kịch.

"Làm việc tại một bệnh viện lớn ở Kentucky và thấy các bệnh viện nhỏ hơn trong danh sách, tôi thực sự không hiểu tại sao họ lại được chọn", bác sĩ Jadhav cho hay.

Jadhav cho biết thông tin mới đã khiến tinh thần của nhân viên bệnh viện Saint Joseph suy sụp. Trong nhiều tháng qua, đội ngũ y bác sĩ tại đây đã chứng kiến đồng nghiệp của mình lần lượt nhiễm bệnh. Họ hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn khi nhận được những liều vắc xin đầu tiên.

"Rõ ràng, chúng tôi hiểu không phải ai cũng được tiêm vắc xin", bác sĩ Jadhav nói. Tuy nhiên, do không biết quyết định được đưa ra như thế nào, đội ngũ y bác sĩ của Saint Joseph đang cảm thấy bị bỏ rơi. Có lẽ nhiều y bác sĩ trên toàn quốc sẽ có cùng cảm giác với Jadhav.

"Tôi không nghĩ có ai ngoài chính quyền bang Kentucky biết vắc xin chỉ được cấp cho 11 bệnh viện đó...", nữ bác sĩ cho hay.

Muôn vàn chông gai chờ đợi nước Mỹ trên hành trình tiêm ngừa vắc xin - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tại bệnh viện Providence Holy Cross (thành phố Los Angeles) trong ca làm việc. (Ảnh: AP).

Muôn vàn gian nan phía trước

Hôm 11/12, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin của Pfizer-BioNTech. Các quan chức Nhà Trắng cho biết người dân Mỹ sẽ bắt đầu tiêm chủng từ 14/12 hoặc 15/12.

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao trong chính phủ cũng sẽ tiêm vắc xin trong vài ngày tới, mục đích là nhằm xây dựng niềm tin của công chúng với độ an toàn của vắc xin.

Tuy nhiên, trong một dòng tweet gần đây, ông Trump thông báo nhân viên làm việc trong Nhà Trắng sẽ tiếp nhận vắc xin trong giai đoạn sau của chương trình tiêm chủng, trừ khi đặc biệt cần thiết. Còn cá nhân ông Trump chưa lên lịch tiêm ngừa.

Giáo sư Howard Markel của Trường Y tế Cộng đồng (Đại học Michigan) chia sẻ: "Phần lạc quan trong tôi muốn tin và hi vọng rằng chương trình tiêm chủng qui mô lớn nhất trong lịch sử y học sẽ diễn ra mà không gặp trở ngại nào. Song, phần thực tế trong tôi đang nhìn thấy vô cùng nhiều rào cản".

Các lô vắc xin đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển đến cho 21 triệu nhân viên y tế và 3 triệu người tại các cơ sở chăm sóc dài hạn. Tuy nhiên, không phải chính phủ liên bang mà chính quyền bang mới có quyền quyết định phân phối vắc xin như thế nào.

Công tác phân phối vắc xin còn gặp trở ngại vì yêu cầu bảo quản nghiêm ngặt (vắc xin phải được trữ ở nhiệt độ -70 độ C) và chính quyền nhiều địa phương lại đang thiếu kinh phí để triển khai tiêm ngừa do Quốc hội bế tắc về dự luật chi ngân sách liên bang.

Hơn nữa, kế hoạch triển khai vắc xin của từng bang rất khác nhau. Kentucky sẽ chuyển 2/3 lượng vắc xin đầu tiên đến các cơ sở chăm sóc dài hạn, nơi chiếm 65% tổng số ca tử vong của bang. Trong khi đó, dù chứng kiến rất nhiều ca tử vong tại các viện dưỡng lão, New York hứa "nhân viên y tế tại mọi bệnh viện trong bang sẽ được tiếp cận các liều vắc xin đầu tiên".

Ở Ohio, 88.000 trong tổng 98.000 liều vắc xin của bang này sẽ được chuyển đến các viện dưỡng lão. Tại Colorado, thống đốc bang cho biết tù nhân sẽ không được ưu tiên tiêm vắc xin bằng những người trên 65 tuổi, dù kế hoạch phân phối vắc xin của bang thông báo điều ngược lại.

Thách thức càng nghiêm trọng hơn khi chính phủ liên bang quyết định phân phối vắc xin dựa trên tổng dân số của từng bang, thay vì dân cư thuộc nhóm nguy cơ cao. Do đó, vắc xin có thể thừa ở bang này nhưng thiếu ở bang khác.

Trong một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học Dự phòng Mỹ, Giáo sư Y Lee của Trường Y tế Cộng đồng, Đại học thành phố New York và các đồng nghiệp cho biết Mỹ cần tiêm phòng COVID-19 cho ít nhất 80% dân số để "dập tắt" đại dịch. Mục tiêu này tham vọng hơn rất nhiều so với mức miễn dịch từng đạt được trong các chương trình tiêm phòng cúm mùa (khoảng 50%).

Giáo sư Markel của Đại học Michigan nói: "Nếu bạn thực sự muốn ngăn chặn đại dịch, hơn 300 triệu người Mỹ phải hình thành miễn dịch. Tức là, chúng ta cần khoảng 656 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19".

Thách thức càng thêm chồng chất vì một số đặc tính của vắc xin. Theo Guardian, vắc xin của Pfizer-BioNTech gần như chắc chắn sẽ chỉ được dùng cho người trên 16 tuổi trong ít nhất vài tháng.

Hiện tại hai hãng dược trên chỉ mới công bố dữ liệu ngắn hạn về thời gian miễn dịch sau khi tiêm chủng, song lại thiếu dữ liệu liên quan đến việc vắc xin có ngăn ngừa lây nhiễm virus hay không.

Guardian nhận định, các thách thức trên có thể lặp lại hàng loạt sai lầm trong quá trình xét nghiệm COVID-19 trước đó. Có thể chương trình tiêm ngừa vắc xin không theo kịp được quy mô của đại dịch và không thể xây dựng lại niềm tin cần thiết trong công chúng để kiểm soát dịch bệnh, dù nhiều chuyên gia ca ngợi việc cấp phép vắc xin là một thành tựu phi thường.

"Triển khai vắc xin ngừa COVID-19 không chỉ cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chuyên gia y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe", Giáo sư Y Lee cho hay.

"Các bệnh viện và người dân nói chung cần phải hiểu các thách thức hiện có, bởi vì nếu một mắt xích bị đứt, cả hệ thống sẽ đi tong", ông Lee nhấn mạnh.

Không buông lơi cảnh giác

Có khó khăn không đồng nghĩa rằng chương trình tiêm chủng vắc xin không thể đi đến thành công. Bất kì chiến dịch lịch sử nào cũng có nhược điểm nhưng vẫn có cơ hội cải thiện. Tướng Gus Perna, người đứng đầu sáng kiến phát triển vắc xin của chính phủ Mỹ - Operation Warp Speed, đã công khai bình luận về vấn đề này hôm 12/12.

"Chúng tôi không ăn mừng chiến thắng. Bản thân chúng tôi biết con đường phía trước sẽ rất khó khăn và nhiều vấn đề sẽ phát sinh. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cùng nhau tìm ra một hướng giải quyết chung", Tướng Perna nhấn mạnh.

Sau cùng, các chuyên gia nhận định, để kiểm soát đại dịch thành công, cả hệ thống phải phối hợp cùng nhau. Ngoài tiêm vắc xin, người dân Mỹ phải tiếp tục đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, thường xuyên rửa tay và tránh tụ tập đông người, trong khi cơ quan y tế tiếp tục xét nghiệm và tra dấu dịch tễ bệnh nhân.

Nói cách khác, Mỹ cần thời gian để đạt được tỉ lệ tiêm chủng mà các chuyên gia kì vọng, có lẽ là đến mùa xuân hoặc mùa hè năm sau.

Khả Nhân