Bước đi sai lầm của ông Trump trong thời khắc trọng đại của nước Mỹ
Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, Tổng thống Trump liên tục đón nhận những thất bại pháp lí liên quan tới cuộc bầu cử. Hôm 11/12, Tòa án Tối cao liên bang đã từ chối thụ lý vụ kiện của bang Texas nhằm xóa bỏ chiến thắng của đối thủ Joe Biden tại 4 bang chiến trường Pennsylvania, Wisconsin, Georgia và Michigan.
Ngày hôm sau, 12/12, một thẩm phán do chính Tổng thống Trump bổ nhiệm đã bác đơn kiện cáo buộc gian lận bầu cử của ông tại Wisconsin.
Hi vọng lật ngược kết quả bầu cử thông qua kiện cáo của ông Trump đã tan thành mây khói. Theo CNBC, ông Trump và các đồng minh đã thua hoặc buộc phải rút lại gần 60 vụ kiện và không thay đổi được kết quả bầu cử ở bất kì bang nào vì thiếu bằng chứng.
Các tòa án từ cấp bang đến liên bang và trên cùng là Tòa Tối cao liên bang đều ra những phán quyết bất lợi cho ông Trump.
Một điểm sáng hiếm hoi cuối tuần qua là thông tin Cục Quản lí Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 do Pfizer và BioNTech nghiên cứu phát triển.
Tổng thống Trump đã nhanh chóng chớp lấy sự kiện này để nhận công lao về mình. Trong một video đăng tải trên Facebook cá nhân, ông Trump gọi vắc xin của Pfizer-BioNTech là "một phép màu y tế" và là một trong những "thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, có thể cứu sống hàng triệu người và chấm dứt đại dịch COVID-19".
Ông Trump tuyên bố chính phủ Mỹ đã tài trợ cho Pfizer "rất nhiều tiền" để nghiên cứu ra loại vắc xin này. Trong thực tế, Pfizer và đối tác BioNTech đã từ chối kinh phí từ chính phủ Mỹ để không phải chịu ràng buộc về giá bán. Pfizer tự bỏ ra 2 tỷ USD tiền túi cho quá trình phát triển và có thể định giá sản phẩm theo ý mình.
Một công ty dược phẩm khác là Moderna đã nhận tiền của chính phủ Mỹ để nghiên cứu vắc xin, tuy nhiên sản phẩm của Moderna chưa được FDA cấp phép.
Trong các phát biểu công khai của mình, ông Trump luôn phớt lờ gần 300.000 người Mỹ đã tử vong vì COVID-19 cũng như những sai lầm của ông trong ứng phó với đại dịch. Ông Trump từng gọi COVID-19 là "trò lừa đảo chính trị của Đảng Dân chủ", từ chối ban hành lệnh giãn cách xã hội, không chịu đeo khẩu trang, ... Bản thân ông cùng với vợ và con trai đều đã nhiễm dịch.
Ngay cả những tuyên bố khoe khoang của ông Trump về vắc xin cũng không tạo được nhiều dấu ấn giữa một rừng các dòng tweet đầy cay cú về cuộc bầu cử.
Thông điệp chủ yếu của Tổng thống Mỹ là "có gian lận bầu cử tràn lan", "tôi đã thắng cử", "đây là cuộc bầu cử gian dối nhất trong lịch sử" và nội dung mới mẻ nhất là "Tòa án Tối cao không có trí tuệ cũng chẳng có dũng khí để phanh phui gian lận".
Những người theo dõi ông Trump chỉ thấy một tổng thống phẫn uất, cáu giận, không dám nhìn thẳng vào thất bại của mình chứ không phải một vị lãnh đạo tận tâm chăm lo cho sức khỏe của người dân.
Khi các hãng tin tức uy tín thế giới dự phóng ông Biden thắng cử, ông Trump cáo buộc truyền thông đã bị Đảng Dân chủ mua chuộc và quyết thưa kiện để làm cho ra lẽ.
Đến nay, các thẩm phán từ đảng Dân chủ, Cộng hòa đến những người do chính ông Trump bổ nhiệm đều đã bác bỏ các vụ kiện vô căn cứ của ông nhưng ông vẫn chưa thể chấp nhận thực tế.
Trong một lần hiếm hoi không nói về kết quả bầu cử, ông Trump đã mạnh miệng chỉ trích Cục Quản lí Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) và thúc giục cơ quan này nhanh chóng phê duyệt vắc xin ngừa COVID-19. Đây có lẽ chính là phát ngôn tai hại nhất của ông Trump trong những ngày gần đây.
"FDA hãy phê duyệt vắc xin ngay đi. Đừng vòng vo nữa và bắt đầu cứu người xem nào", ông Trump viết trên Twitter ngày 11/12. Ông còn so sánh FDA như một con rùa già yếu, chậm chạp.
Vài giờ sau dòng tweet gay gắt của ông Trump, FDA thông báo đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer và BioNTech.
"Tôi đã thúc giục FDA, các doanh nghiệp và tất cả bên liên quan mạnh mẽ hơn bất kì ai. Giờ đây, vắc xin đã được phê duyệt và tôi nghĩ lẽ ra mọi việc phải xong từ một tuần trước", ông Trump nói.
Xuất hiện trên đài ABC News, Tiến sĩ Steven Hahn - Giám đốc FDA phản pháo lời cáo buộc của Tổng thống Trump và cho biết FDA đã đánh giá và phê duyệt vắc xin sớm nhất có thể, không thể đẩy nhanh quá trình thêm một ngày nào.
Khi được hỏi FDA có chịu sức ép của chính quyền Donald Trump để phê duyệt vắc xin trước khi xem xét kĩ càng hay không, Tiến sĩ Hahn cho biết cơ quan này quả thực đã bị thúc giục nhiều lần nhưng ông khẳng định FDA đã "làm đúng theo qui trình" và cấp phép hoàn toàn dựa vào các bằng chứng khoa học.
Mặc dù vậy, theo CNN, trình tự thời gian của các sự việc - ông Trump chỉ trích rồi vài giờ sau FDA cấp phép - có thể khiến nhiều người nghi ngại về độ an toàn và chất lượng của sản phẩm từ Pfizer-BioNTech.
Tiến sĩ Moncef Slaoui - Giám đốc khoa học của chương trình phát triển vắc xin Operation Warp Speed cho rằng dù FDA tuân thủ nghiêm ngặt qui trình cấp phép thì những lời giục giã của tổng thống Mỹ có thể phá hỏng nỗ lực của các nhà khoa học và chuyên gia y tế hàng đầu trong nỗ lực nghiên cứu vắc xin gần một năm qua.
Khảo sát do Reuters/Ipsos thực hiện đầu tháng 12 này cho thấy chỉ có khoảng 61% người dân Mỹ sẵn sàng tiêm vắc xin phòng COVID-19, giảm 4 điểm % so với hồi tháng 5 bất chấp thực tế là đại dịch tại Mỹ hiện nay hoành hành dữ dội hơn tháng 5 rất nhiều.
Tỉ lệ cha mẹ sẵn sàng cho con tiêm vắc xin cũng giảm từ 62% hồi tháng 5 xuống còn 53% trong tháng 12.
Việc Tổng thống Trump mải mê hối thúc FDA có khả năng làm xói mòn lòng tin của công chúng vào vắc xin. Trong khi đó, một cơ quan khác rất cần được hối thúc nhưng ông Trump lại phớt lờ, đó là Quốc hội.
Từ nửa năm nay, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã bất đồng về gói giải cứu tài khóa. Trong tuần trước, hai bên dường như đã đồng ý về quy mô khoảng 900 tỷ USD nhưng chưa thống nhất được về điều khoản cụ thể.
Đảng Dân chủ muốn cấp thêm tiền cho các bang phòng chống dịch, Đảng Cộng hòa thì nhất quyết nói không. Lãnh đạo Đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông sẵn sàng để cho các bang phá sản chứ không muốn cứu trợ.
Các bang đang cạn kiệt ngân sách vì đại dịch COVID-19 và do vậy sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân phối và tiêm chủng loại vắc xin vừa được FDA phê duyệt. Chính quyền liên bang chỉ chuyển vắc xin đến các bang, sau đó các bang sẽ phải tự triển khai tiếp.
Vắc xin của Pfizer và BioNTech đòi hỏi phải được bảo quản trong nhiệt độ siêu lạnh, dưới âm 70 độ C. Nhiều khu vực nông thôn, vùng núi ở Mỹ không có sẵn các cơ sở lưu kho đáp ứng được yêu cầu này. Ngoài ra các bang sẽ cần kinh phí để tuyển dụng thêm nhân viên y tế, nâng cấp hệ thống dữ liệu tiêm chủng, vận động người dân tin tưởng vào vắc xin, ...
CNN dẫn lời bà Kathleen Sebelius - cựu Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ nói: "Mỗi bang cần khoảng vài tỷ USD. Một phần trong gói kích thích tài khóa của Quốc hội phải được dùng để cấp cho các bang số ngân sách này. Khi tiêm chủng trên diện rộng, thách thức sẽ rất lớn".
Ông Trump là người rất có ảnh hưởng trong Đảng Cộng hòa và thường tự nhận mình là thiên tài trong việc chốt các thỏa thuận. Ngay lúc này, người dân Mỹ rất cần Quốc hội đạt được một thỏa thuận để có nguồn tiền khống chế đại dịch, khôi phục kinh tế nhưng ông Trump lại đang mải mê đăng tweet về cuộc bầu cử mà ông đã thất bại thảm hại.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/