|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump nói Tòa án Tối cao 'không có trí tuệ, cũng chẳng có dũng khí'

23:45 | 12/12/2020
Chia sẻ
Sau khi Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ quyết định không thụ lí vụ án Texas kiện 4 bang mà ông Joe Biden thắng cử, Tổng thống Donald Trump đã kịch liệt công kích cơ quan tư pháp này. Cánh cửa đảo ngược kết quả bầu cử của ông Trump ban đầu đã rất hẹp và nay đã khép lại hoàn toàn.
Ông Trump nói Tòa án Tối cao 'không có trí tuệ, cũng chẳng có dũng khí' - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters).

"Tòa án Tối cao đã thực sự làm chúng ta phải thất vọng. Không có trí tuệ, cũng chẳng có dũng khí gì cả", ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân.

Thư kí báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany thì nói: "Không thể nói khác đi được, bọn họ [Thẩm phán Tòa án Tối cao] đã né tránh vụ việc. Bọn họ trốn sau bức màn qui trình và từ chối sử dụng thẩm quyền của mình để thực thi hiến pháp".

Ngày 11/12 theo giờ Mỹ, Tòa án Tối cao liên bang đã quyết định không tiếp nhận giải quyết việc bang Texas đòi kiện qui trình bầu cử tại 4 bang chiến địa Georgia, Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. 

Trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, Tổng thống Trump chiến thắng ở Texas trong khi đối thủ Joe Biden thắng ở cả 4 bang bị kiện. Tổng Chưởng lí bang Texas Ken Paxton cáo buộc 4 bang trên đã thay đổi luật bầu cử theo hướng thiên vị cho ông Biden và muốn Tòa án Tối cao hủy bỏ phiếu bầu của hàng chục triệu cử tri ở 4 bang này.

Các thẩm phán tối cao cho rằng Texas "không có tư cách pháp lí" để khởi kiện qui định bầu cử ở các bang khác và do vậy đã không thụ lí vụ việc. Đây là phán quyết đã được nhiều chuyên gia luật pháp dự báo từ trước.

Ông Trump nói Tòa án Tối cao 'không có trí tuệ, cũng chẳng có dũng khí' - Ảnh 2.

Thư kí báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany. Tháng 10 vừa qua, cả Tổng thống Trump và nữ thư kí McEnany đều xét nghiệm dương tính COVID-19. (Ảnh: Getty Images).

Nếu quá trình bầu cử ở bang có vấn đề gây tranh cãi thì chính nội bộ bang đó sẽ kiện tụng và giải quyết thông qua các cấp tòa án trong bang. Nếu muốn kháng nghị quyết định của tòa án tối cao của bang thì các bên liên quan có thể trình lên Tòa án Tối cao liên bang. 

Trong vụ việc này, Texas không có tư cách gì để can thiệp vào vấn đề bầu cử ở các bang khác. Cho dù có tư cách pháp lí để kiện thì bên nguyên đơn cũng phải nộp đơn kiện từ vài tháng trước, vì các qui định bầu cử ở các bang đã được công khai từ lâu.

Sau ngày bầu cử 3/11, đồng minh của ông Trump tại bang Michigan đã khởi kiện quá trình bầu cử ở bang này nhưng bị Thẩm phán Linda Parker bác bỏ.

"Nếu bên nguyên đơn có những khiếu nại hợp lí liên quan tới máy móc hay phần mềm bầu cử thì hoàn toàn có thể nộp đơn kiện này từ trước khi cuộc bầu cử 2020 diễn ra. Trong thực tế, bên nguyên đơn cứ ngồi im và không làm gì", Thẩm phán Parker viết.

Các cáo buộc của Tổng chưởng lí bang Texas cũng không khác gì những cáo buộc mà phe ông Trump nêu ra trong hàng chục vụ kiện trước đó, và các vụ việc này đều đã bị tòa án các cấp ở nhiều bang bác bỏ vì không có bằng chứng.

Ít ngày trước, Tòa án Tối cao liên bang còn bác bỏ một vụ việc khác của đồng minh của ông Trump hòng lật ngược kết quả bầu cử ở bang Pennsylvania. Vì vậy, phán quyết của Tòa án Tối cao ngày 11/12 về vụ kiện của Texas không có gì quá bất ngờ. 

Mặc dù vậy, ông Trump vẫn nuôi hi vọng lớn lao. Ít giờ trước khi phán quyết được công bố, ông Trump viết trên Twitter: "Nếu Tòa Tối cao thể hiện được trí tuệ và dũng khí của mình, người dân Mỹ sẽ giành được một chiến thắng trong vụ kiện có thể nói là quan trọng nhất trong lịch sử, và quá trình bầu cử của nước Mỹ sẽ một lần nữa được tôn trọng".

Từ ngay sau khi cuộc bầu cử 3/11 diễn ra, ông Trump đã rất nhiều lần tự tuyên bố mình giành chiến thắng, cáo buộc có gian lận tràn lan và khẳng định sẽ thưa kiện lên Tòa án Tối cao liên bang - cơ quan tư pháp cấp cao nhất của nước Mỹ.

Để chuẩn bị cho kịch bản cuộc bầu cử phải được giải quyết thông qua con đường pháp lí, ông Trump đã cố sức đưa người của mình vào tòa án các cấp. Trong gần 4 năm tại vị, Tổng thống Trump đã bổ nhiệm và được Thượng viện phê chuẩn tới 223 thẩm phán liên bang và ba thẩm phán tối cao. 

Đáng chú ý nhất, thẩm phán tối cao Amy Coney Barrett được ông Trump đề cử và Thượng viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số phê chuẩn chỉ 8 ngày trước khi cuộc bầu cử 3/11 diễn ra.

Trong tòa án tối cao hiện nay, 6/9 thẩm phán là những người có tư tưởng bảo thủ, bao gồm ba người do chính ông Trump bổ nhiệm.

Mặc dù đội ngũ thẩm phán do ông Trump lựa chọn trên khắp nước Mỹ là rất đông đảo nhưng các vụ kiện liên quan tới bầu cử của phe Trump đều thất bại. Các thẩm phán thuộc Đảng Cộng hòa hay thậm chí do chính ông Trump bổ nhiệm đều bác bỏ các vụ kiện của phe Trump vì thiếu căn cứ và không có bằng chứng.

Đức Quyền