Những lí do khiến vụ kiện của Texas nhất định thất bại
Hôm 8/12, Tổng chưởng lí bang Texas Ken Paxton đệ đơn kiện 4 bang chiến địa gồm Pennsylvania, Georgia, Michigan và Wisconsin lên Tòa án Tối cao nhằm đảo ngược chiến thắng của ông Biden. Ba ngày sau, tức 11/12, Tòa án Tối cao bác bỏ đơn kiện của Texas với lí do Texas "thiếu tư cách khởi kiện".
Ngay từ đầu, nhiều chuyên gia pháp lí đã dự đoán đơn kiện của Texas sẽ không đi đến đâu và quả thực, ông Paxton đã phải thất vọng.
Khi đệ đơn kiện, ông Paxton đã dựa vào chức năng của Tòa án Tối cao trong việc xét xử tranh chấp giữa các bang ngay lập tức mà không cần thông qua các tòa án cấp thấp hơn, được gọi là "quyền xét xử sơ thẩm" (original jurisdiction).
Tuy nhiên, trọng tâm đơn kiện của ông Paxton không liên quan gì đến tranh chấp giữa các bang và thực chất không trực tiếp chỉ ra gian lận. Thay vào đó, Texas lập luận rằng những thay đổi bầu cử liên quan đến đại dịch COVID-19 vi phạm pháp luật và tạo khe hở để gian lận xảy ra.
Vụ kiện của Texas nhìn chung có nhiều điểm tương đồng với các đơn kiện được đệ trình trong tháng qua: thiếu bằng chứng thực tế, thiếu tôn trọng vai trò của tòa án trong hệ thống hiến pháp Mỹ, sai thời điểm và chắc chắn sẽ thất bại.
Đầu tiên, cáo buộc gian lận bầu cử là không có cơ sở thực tế. Tổng thống Trump và các đồng minh liên tục khẳng định rằng gian lận bầu cử tràn lan đã đánh cắp chiến thắng của ông. Song, quan chức tại nhiều bang, thậm chí tại các bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát, đều phủ nhận cáo buộc sai lệch của ông Trump.
Trong tháng 11, New York Times đã liên hệ quan chức bầu cử cấp cao tại 45/50 bang của nước Mỹ. Sau cùng, New York Times dẫn lời các quan chức cho biết không có vấn đề bất thường nào có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp William Barr cũng khẳng định điều tương tự, cho thấy không có hành vi gian lận trên diện rộng nào xảy ra trong cuộc bầu cử năm nay.
Thứ hai, đáng lẽ Texas không nên nộp đơn kiện lên Tòa án Tối cao. Washington Post lí giải, Texas không có tư cách đứng trước Tòa án Tối cao để minh oan cho quyền bỏ phiếu của cử tri bang khác, càng không có tư cách để lấy đi quyền bầu cử của những cử tri này.
Ngoài ra, Tổng chưởng lí Texas đáng lẽ không nên trực tiếp gửi khiếu nại lên Tòa án Tối cao. Đệ đơn kiện trực tiếp là không thích hợp vì các tòa án khác có thể xét xử những yêu cầu dạng này.
Trên thực tế, các tòa án cấp dưới đã nghe nhiều và liên tục bác bỏ các vụ kiện của phe ông Trump nên đơn kiện của Texas chắc chắn cũng sẽ thất bại.
Thứ ba, một vấn đề khác với vụ kiện của Texas liên quan đến thời điểm. Ngay cả khi các khẳng định trong vụ kiện có giá trị, Texas lẽ ra không nên gửi đơn đi muộn như vậy. Trong luật bầu cử có một nguyên tắc cơ bản được gọi là "sự chậm trễ bất hợp lí" (laches). Nguyên tắc này ngăn nguyên đơn đệ đơn kiện sau cuộc bầu cử khi mà họ có thể gửi đơn đi từ trước.
Nguyên tắc trên giúp đảm bảo rằng khi đi bỏ phiếu, cử tri có thể an tâm dựa vào các qui định và nguyên tắc hiện có. Ông Ken Paxton đệ đơn kiện hơn một tháng sau cuộc bầu cử năm 2020 và đúng vào ngày "bến đỗ an toàn" (safe habor), tức 8/12.
Đến ngày "bến đỗ an toàn", tòa án không còn có thể can thiệp vào kết quả và Quốc hội sẽ chấp thuận phiếu bầu đại cử tri của các bang đã hoàn thành thủ tục hậu bầu cử. Nói cách khác, đơn kiện vào giờ chót của Texas không có mấy hi vọng.
Sau cùng, không ai rõ động cơ của Tổng chưởng lí bang Texas là gì. Thật khó hiểu khi một quan chức phục vụ nhân dân, người từng tuyên thệ sẽ bảo vệ Hiến pháp, lại thách thức kết quả bầu cử của bang khác thông qua một vụ kiện mà có lẽ ngay cả ông ta cũng hiểu là bất thành.
Theo NPR, tính chất chưa từng có của vụ kiện trên, cùng với việc luật sư trưởng bang Texas Kyle Hawkins không kí vào bản tóm tắt mà ông Paxton đệ lên Tòa án Tối cao như thường lệ, đã làm dấy lên suy đoán rằng ông Paxton đang tìm kiếm một lệnh ân xá từ đương kim Tổng thống Trump.
Tổng chưởng lí bang Texas hiện đang bị truy tố về tội gian lận chứng khoán và đang bị FBI điều tra về các cáo buộc hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Dường như các đồng minh của Tổng thống Trump chưa thể chấp nhận thực tế. Sau phán quyết của Tòa án Tối cao, ông Allen West - Chủ tịch Đảng Cộng hòa Texas, đã đề nghị thành lập "Liên minh các bang sẽ tuân thủ Hiếp pháp".
Reuters dẫn lời ông West cho hay, quyết định của Tòa án Tối cao đã thiết lập "một tiền lệ mới, cho phép các bang có thể vi phạm Hiến pháp Mỹ và không phải chịu trách nhiệm gì".
Hiện tại chưa rõ ông Trump sẽ làm gì sau khi Tòa án Tối cao bác đơn kiện của Texas. Chia sẻ về vụ việc trên Twitter, ông Trump viết: "Tòa án Tối cao đã làm chúng ta phải thất vọng. Không có trí tuệ, cũng chẳng có dũng khí".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/