|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các bang cười nhạo vụ kiện của Texas hòng giúp ông Trump trong phút cuối

12:00 | 09/12/2020
Chia sẻ
Tổng Chưởng lí bang Texas đã nộp đơn lên Tòa án tối cao Mỹ, cáo buộc qui trình bầu cử tại các bang Michigan, Georgia, Pennsylvania và Wisconsin vi hiến. Đại diện các bang này cũng như nhiều chuyên gia pháp lí đều coi vụ kiện của Texas như là một trò hề.
Các bang cười nhạo vụ kiện của Texas hòng giúp ông Trump trong phút cuối - Ảnh 1.

Tổng thống Trump và Tổng Chưởng lí bang Texas Ken Paxton, ngày 11/6/2020. (Ảnh: Getty Images).

Theo CNBC, ông Ken Paxton (đảng viên Cộng hòa) - Tổng Chưởng lí bang Texas thông báo đã nộp đơn kiện trực tiếp lên Tòa án Tối cao liên bang để xóa bỏ kết quả bầu cử tại 4 bang chiến địa mà ứng viên Joe Biden đã thắng là Michigan, Georgia, Pennsylvania và Wisconsin.

Thông thường, Tòa án Tối cao chỉ xem xét các vụ kiện mà tòa cấp dưới đã xử. Đối với vụ kiện giữa các bang với nhau, Tòa án Tối cao sẽ là cơ quan đầu tiên xem xét. Tuy nhiên khả năng Tòa tối cao thụ lí đơn kiện của ông Paxton là rất thấp vì bang Texas khó chứng minh được tư cách pháp lí để khởi kiện qui trình bầu cử ở các bang khác.

4 bang nói trên có tổng cộng 62 phiếu đại cử tri và nếu Texas thắng kiện, ông Biden sẽ không có đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết để giành chức tổng thống, dẫn tới việc ông Trump sẽ có thêm hi vọng tái đắc cử. 

Bang Texas đã trao chiến thắng và 38 phiếu đại cử tri cho Tổng thống Trump. Cả 4 bang còn lại đều đã chứng nhận chiến thắng của ông Biden. Trong đó, bang Georgia đã kiểm phiếu ba lần và cả ba đều cho thấy ông Biden nhiều phiếu phổ thông hơn ông Trump.

"Vụ kiện như một trò hề"

Các chuyên gia luật pháp nhanh chóng chỉ ra rằng vụ kiện của Tổng Chưởng lí Paxton chỉ là một màn kịch chính trị và không được ủng hộ bởi bất kì tiền lệ nào trong lịch sử Mỹ.

Ông Paxton lập luận rằng 4 bang chiến địa nói trên đã viện lí do đại dịch COVID-19 để thay đổi qui định bầu cử bất hợp pháp, làm suy yếu tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.

Vụ kiện của Tổng chưởng lí bang Texas được trình lên sau khi hàng chục vụ kiện của phe Trump và đồng minh đã bị tòa án nhiều cấp bác bỏ vì thiếu bằng chứng và không có căn cứ thuyết phục. Ông Trump không lật ngược được kết quả ở bất kì bang nào và không giành được thêm phiếu đại cử tri nào từ tay ông Biden.

Sau khi ông Paxton thông báo vụ kiện lên Tòa án Tối cao liên bang, ông Jordan Fuchs - Phó Tổng thư kí bang Georgia đã gọi các cáo buộc là "sai trái và vô trách nhiệm".

Thông cáo của ông Fuchs có đoạn viết: "Texas cáo buộc có 80.000 chữ kí giả mạo trong các phiếu bầu qua thư ở Georgia nhưng không nêu được đích danh một người nào. Lí do là bởi vì không hề có chuyện giả mạo chữ kí ở đây".

Ông Dana Nessel - Tổng Chưởng lí bang Michigan gọi vụ kiện từ Texas là "một trò hề công khai". Ông Josh Kaul - Tổng Chưởng lí bang Wisconsin thì gọi vụ kiện này là "thực sự đáng xấu hổ".

Các chuyên gia về luật bầu cử cũng nhanh chóng nhận định Tòa án Tối cao sẽ không tiếp nhận xử lí vụ kiện của Tổng Chưởng lí bang Texas. CNBC dẫn lời Giáo sư Paul Smith tại Trung tâm Luật, Đại học Georgetown nhận xét các lập luận trong vụ kiện là "ngớ ngẩn".

"Ở Pennsylvania và các bang khác có cả một hệ thống để giải quyết tranh chấp bầu cử, tất cả đều đã được làm theo qui trình", Giáo sư Smith nói. "Tôi không nghĩ Tòa án Tối cao sẽ có hứng thú với vụ việc này".

Vị giáo sư này cũng cho rằng Texas sẽ khó có thể chứng minh được tư cách pháp lí để đứng ra kiện. "Trước nay chưa từng có chuyện một bang đứng trước Tòa án Tối cao và tuyên bố rằng các bang khác làm sai qui trình bầu cử. Chưa hề có tiền lệ. Chuyện cử tri ở Pennsylvania bỏ phiếu cho Biden thay vì cho Trump thì tổn hại gì tới Texas?".

Giáo sư Rick Hasen, một chuyên gia luật bầu cử tại Đại học California (Irvine) viết trên blog cá nhân của mình rằng vụ kiện của Texas "hoàn toàn là rác rưởi" và cũng cho rằng "Texas không có quyền can thiệp việc các bang khác chọn đại cử tri như thế nào".

Ông Paxton cho rằng Texas có quyền kiện vì lợi ích của bang này bị ảnh hưởng bởi việc đảng nào kiểm soát Thượng viện.

"Có thể người dân Mỹ quan tâm hơn đến việc ai được chọn làm tổng thống nhưng nước Mỹ có phân định rõ ràng về việc ai được bầu làm phó tổng thống và có quyền tung ra lá phiếu quyết định ở Thượng viện", ông Paxton viết.

Theo hiến pháp của Mỹ, Phó Tổng thống đồng thời là Chủ tịch Thượng viện. Thượng viện của Mỹ có 100 thành viên, bao gồm cả Phó Tổng thống. Trong trường hợp kết quả biểu quyết cân bằng nhau (50-50) thì bên nào có lá phiếu của Phó Tổng thống là bên giành chiến thắng. 

Năm nay, cán cân lực lượng của hai đảng ở Thượng viện là rất mong manh. Nếu hai ghế ở Georgia thuộc về Đảng Dân chủ thì hai đảng đều sẽ có 50 thượng nghị sĩ. Khi đó Đảng Dân chủ sẽ chiếm ưu thế nhờ nắm được ghế phó tổng thống.

Vụ kiện của Texas được nộp lên trước khi hết hạn chót quan trọng là ngày "bến đỗ an toàn" 8/12. Sau ngày 8/12, Quốc hội Mỹ sẽ buộc phải chấp thuận kết quả chọn đại cử tri mà các bang đã xác nhận.

Ngày 14/12 tới, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu và ngày 6/1/2021, Quốc hội sẽ kiểm phiếu đại cử tri rồi công bố kết quả.

Đơn kiện của Tổng Chưởng lí bang Texas đề nghị Tòa án Tối cao kéo dài hạn chót 14/12 "để cho phép các cuộc điều tra được hoàn tất".

Bản thân ông Paxton hiện nay đang bị FBI điều tra vì cáo buộc liên quan tới vụ giúp đỡ cho một nhà tài trợ bầu cử giàu có. Theo hãng tin AP, 7 luật sư cao cấp thuộc văn phòng công tố của ông Paxton đã tuyên bố ông Paxton phạm tội lạm dụng chức vụ của mình cho mục đích riêng.

Cả 7 luật sư nói trên đều đã bị đuổi việc, tạm nghỉ việc hoặc đã từ chức. Một số đã khởi kiện ông Paxton về hành vi trả đũa người tố cáo.

Song Ngọc