|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tòa án Tối cao bác bỏ nỗ lực lật ngược kết quả ở Pennsylvania của phe Trump

08:00 | 09/12/2020
Chia sẻ
Hôm 8/12, Tòa án Tối cao Mỹ đã từ chối yêu cầu của đồng minh của ông Trump trong Đảng Cộng hòa nhằm đảo ngược chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden ở Pennsylvania.
Tòa án Tối cao bác nỗ lực lật ngược kết quả ở Pennsylvania của phe Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Reuters).

Tòa án cấp cao nhất nước Mỹ từ chối đơn thỉnh cầu từ Hạ nghị sĩ Mike Kelly, một thành viên Đảng Cộng hòa tại Pennsylvania. Ông Kelly tuyên bố rằng hầu như tất cả các lá phiếu gửi qua thư của bang là bất hợp pháp.

Theo CNBC, động thái trên khép lại một trong những con đường cuối cùng còn lại của ông Trump nhằm lật ngược kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 tại tòa án, dù một số vụ kiện xa vời vẫn đang được tiến hành.

Lệnh của tòa được đưa ra mà không ghi nhận bất đồng từ bất kì ai trong số 9 thẩm phán, giống như những vụ kiện được xử lí trong trường hợp khẩn cấp khác. Trong 9 thẩm phán tối cao có 6 người theo cánh hữu giống như ông Trump, trong đó có ba người do chính ông Trump bổ nhiệm, người mới nhất là bà Amy Coney Barrett - được đưa vào Tòa án Tối cao chỉ 8 ngày trước cuộc bầu cử 3/11.

Toàn bộ lệnh của tòa án có nội dung "Đơn xin biện pháp khẩn cấp tạm thời được trình lên Thẩm phán Samuel Alito và do ông Alito chuyển đến Tòa án đã bị từ chối".

Ông Trump từ chối chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử dù ông Biden được dự đoán là giành được 306 phiếu đại cử tri, nhiều hơn 36 phiếu so với mức cần thiết để chiến thắng.

Suốt từ giai đoạn tranh cử cho tới khi thất bại, ông Trump đã gợi ý rằng Tòa án Tối cao sẽ quyết định kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, tòa án có vẻ không sẵn sàng can thiệp. 

Đơn kiện của ông Kelly lập luận rằng luật của Pennsylvania đã vi phạm Hiến pháp bang khi cho phép bỏ phiếu qua thư mà không cần lí do. Ông Kelly cùng những người theo phe bảo thủ khác yêu cầu Tòa án Tối cao vô hiệu hóa chứng nhận của Thống đốc Tom Wolf về kết quả bỏ phiếu của bang.

Các luật sư của Pennsylvania viết rằng: "Chưa có tòa án nào ban hành lệnh vô hiệu chứng nhận của thống đốc về kết quả bầu cử tổng thống".

Các tòa án cấp dưới đứng về phía Pennsylvania và lập luận rằng ông Kelly đã đợi quá lâu để đưa ra lời thách thức. Luật của Pennsylvania – được gọi là Đạo luật 77, được thông qua vào tháng 10/2019. Phải đến 13 tháng sau ông Kelly mới đưa ra đơn kiện, sau khi cuộc bầu cử tháng 11 diễn ra.

Ông Josh Shapiro, Tổng chưởng lí của Pennsylvania, đăng trên Twitter sau khi lệnh của Tòa án Tối cao được công bố rằng: "Luật pháp là điều quan trọng".

Vụ việc của Hạ nghị sĩ Kelly chỉ là một trong số hàng chục đơn kiện phe Trump đệ trình lên các tòa án khắp nước Mỹ nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống. Nhìn chung, chiến dịch pháp lí của phe Trump đã thất bại, với đa số vụ kiện bị bác bỏ hoặc rút lại và không ảnh hưởng đến số lượng phiếu bầu đáng kể.

Ông Trump dường như đã dần dần thừa nhận cơ hội mong manh của việc lật lại kết quả cuộc bầu cử tại tòa án. Tháng trước, ông nói với người dẫn chương trình của đài Fox News rằng "Các thách thức pháp lí của tôi khó có thể đến được Tòa án Tối cao".

Tuy nhiên, vài giờ trước khi có phán quyết từ Tòa án Tối cao, ông Trump lại níu lấy hi vọng.

Tại một hội nghị về vắc xin COVID-19 ở Nhà Trắng, ông Trump nói: "Hãy xem liệu có ai có can đảm hay không, cho dù họ là các nhà lập pháp hay cơ quan lập pháp hoặc một vài thẩm phán của Tòa án Tối cao. Hãy xem liệu họ có đủ can đảm để làm điều mà mọi người trên đất nước này đều biết là đúng không".

Trong một nỗ lực cuối cùng trước khi Tòa án Tối cao ra phán quyết, Texas đã khởi kiện 4 bang chiến địa nhằm giành lấy chiến thắng cho ông Trump.

Các chuyên gia pháp lí nhận định rằng vụ kiện chưa từng có tiền lệ này khó có khả năng gây được sự chú ý tại Tòa án Tối cao. Giáo sư Paul Smith tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown nhận xét các lập luận trong vụ kiện là "ngớ ngẩn".  

Giang