|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại cử tri bỏ phiếu ngày 14/12: Dấu chấm hết cho giấc mộng tái đắc cử của ông Trump

10:22 | 14/12/2020
Chia sẻ
Tất cả 50 bang đã chứng nhận kết quả bầu cử cho thấy ông Joe Biden sẽ là tổng thống Mỹ thứ 46, nhưng cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn sẽ khiến kết quả trở thành chính thức. Ông Trump đã hứa sẽ chấp nhận rời khỏi Nhà Trắng nếu đối thủ thắng phiếu đại cử tri.
Bỏ phiếu đại cử tri kết liễu giấc mộng tái đắc cử của ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Getty Images).

Các thành viên của cử tri đoàn sẽ tập trung vào ngày 14/12 (theo giờ Mỹ) nhằm bỏ phiếu chính thức cho tổng thống Mỹ tiếp theo. Thông thường, qui trình này chỉ mang tính biểu tượng và ít được chú ý. Nhưng năm nay, do các cáo buộc gian lận và cuộc chiến pháp lí của Tổng thống Trump, cuộc bỏ phiếu sẽ có ý nghĩa chính trị to lớn.

Trong suốt nhiều tuần, ông Trump và các đồng minh đã gây sức ép buộc các quan chức Đảng Cộng hòa hủy bỏ phiếu phổ thông ở các bang chiến địa mà ông Biden chiến thắng và chỉ định các đại cử tri ủng hộ ông Trump.

Nhưng các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tỏ ra không mấy mặn mà với việc lật đổ tiến trình dân chủ và các đại cử tri vẫn được giữ nguyên. Phe ông Trump nộp hàng chục đơn kiện nhưng đều bị các tòa án từ cấp bang đến tối cao liên bang bác bỏ. Ngay cả các thẩm phán do chính ông Trump bổ nhiệm cũng gạt bỏ các vụ kiện vì vô căn cứ, thiếu bằng chứng.

Khi đại cử tri bỏ phiếu vào ngày 14/12, ông Trump chắc chắn sẽ khép lại kỉ nguyên của mình ở Nhà Trắng với cái mác tổng thống một nhiệm kì.

Qui trình bỏ phiếu

Các đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống thông qua lá phiếu giấy. Hầu hết các cuộc bỏ phiếu diễn ra tại các tòa nhà Quốc hội của bang. Ở nhiều nơi, đại cử tri họp tại văn phòng thống đốc hoặc thư kí bang, NBC News cho biết. 

Sau khi đại cử tri bỏ phiếu, các lá phiếu được kiểm và đại cử tri kí giấy xác nhận kết quả. Giấy xác nhận này được ghép với giấy chứng nhận từ văn phòng thống đốc cho thấy tổng số phiếu bầu của tiểu bang. Các chứng chỉ được gửi tới Phó Tổng thống Mike Pence, Văn phòng Đăng kí Liên bang và chánh án Tòa án Quận Liên bang nơi các đại cử tri họp.

Ông Trump nói gì về cuộc bỏ phiếu đại cử tri?

Tổng thống Trump vẫn khẳng định cuộc bầu cử bị gian lận và ông đã giành được nhiệm kì thứ hai. Nhưng hồi cuối tháng 11, ông nói sẽ rời khỏi Nhà Trắng nếu thua trong cuộc bỏ phiếu đại cử tri. "Chắc chắn tôi sẽ làm vậy", ông Trump tuyên bố. 

Nhưng nếu cử tri đoàn thực sự bầu cho ông Biden "thì họ sẽ phạm sai lầm", ông Trump nói thêm.

Ông Trump không có cơ hội chiến thắng

33 bang và Đặc khu Columbia (Washington) bắt buộc đại cử tri bầu cho người chiến thắng cuộc bỏ phiếu phổ thông, vì vậy sẽ không có bất ngờ xảy ra ở những nơi này. Nhưng 17 bang khác không "ràng buộc" các đại cử tri, nghĩa là họ có thể bỏ phiếu cho bất kì ai.

Đại cử tri được chọn bởi các đảng của bang (Ví dụ: nếu ông Biden thắng một bang, nhóm đại cử tri của Đảng Dân chủ sẽ được bỏ phiếu tại bang này). Thông thường, đại cử tri là nhà hoạt động chính trị, quan chức, nhà tài trợ và người có quan hệ thân thiết với ứng viên tổng thống, nghĩa là họ gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho người họ đã cam kết ủng hộ.

Năm 2016, tổng cộng 7 đại cử tri đã bỏ phiếu cho ứng viên của đảng đối thủ, 5 người cho bà Hillary Clinton và hai người cho ông Trump. Năm nay, Đảng Dân chủ có nhiều hơn Đảng Cộng hòa tới 74 ghế đại cử tri, một cách biệt quá lớn. 

Trong lịch sử, việc đại cử tri bỏ phiếu cho ứng viên của đảng đối thủ chưa bao giờ làm thay đổi kết quả chung của cuộc bầu cử.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Theo New York Times, quốc hội chính thức kiểm phiếu trong phiên họp chung được tổ chức tại Hạ viện vào ngày 6/1/2021 dưới sự chủ trì của Phó Tổng thống Pence. Ông Pence mở các chứng chỉ và đưa chúng cho 4 người kiểm phiếu, bao gồm hai nghị sĩ từ Thượng viện và hai thành viên Hạ viện. Khi ông Biden thắng đa số với 270 phiếu, ông Pence thông báo kết quả.

Quá trình trên được qui định nghiêm ngặt bởi luật liên bang. Phiên họp không thể kết thúc cho đến khi đếm xong phiếu và kết quả được công bố. Tại thời điểm này, cuộc bầu cử chính thức được quyết định. Nhiệm vụ duy nhất còn lại là lễ nhậm chức tân tổng thống vào ngày 20/1/2021.

Quốc hội có thể ngăn chặn kết quả bỏ phiếu không?

Các nhà lập pháp không được phép tranh luận trong quá trình kiểm phiếu đại cử tri. Nhưng sau khi kết quả được công bố, thành viên Quốc hội có cơ hội để trình bày những lo ngại. 

Bất kì phản đối nào đối với kết quả bầu cử của một bang phải được lập thành văn bản và có chữ kí của ít nhất một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ. Sau đó, hai viện sẽ tách ra để tranh luận. Mỗi thành viên Quốc hội chỉ có thể phát biểu một lần trong 5 phút. Sau hai giờ, cuộc tranh luận buộc phải kết thúc. Sau đó, mỗi viện bỏ phiếu về việc có từ chối kết quả của bang hay không.

Kể từ khi Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri được thông qua vào năm 1887, chỉ có hai trường hợp kết quả bị một số thành viên Quốc hội phản đối vào năm 1969 và 2005. Cả hai trường hợp đều không được Hạ viện hay Thượng viện thông qua, New York Times cho biết. 

Liệu Quốc hội có thay đổi kết quả?

Ngăn cản ông Biden nhậm chức chỉ là chiến lược xa vời với Đảng Cộng hòa.

Phản đối chỉ có hiệu lực khi được lưỡng viện Quốc hội thông qua. Nếu cuộc bỏ phiếu đại cử tri diễn ra theo thường lệ thì Đảng Cộng hòa không thể chặn chiến thắng của ông Biden.

Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, vì vậy bất kì phản đối nào cũng sẽ bị bác bỏ tại đây. Tại Thượng viện, Đảng Dân chủ chỉ cần chọn một vài đảng viên Cộng hòa về phe với họ. Một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã tuyên bố ông Biden là tổng thống đắc cử.

Với một số đồng minh của Trump đã lên kế hoạch phản đối, buổi họp quốc hội ngày 6/1 có khả năng mang lại màn kịch chính trị thú vị. Nhưng quá trình này có rất ít cơ hội thay đổi kết quả của cuộc bầu cử.

Giang