|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hệ lụy tai hại mà ông Trump để lại

15:04 | 09/12/2020
Chia sẻ
Qua hạn chót 8/12, các bang đã chứng nhận kết quả bầu cử và chiến thắng đã nằm chắc trong tay ứng viên Joe Biden. Nhưng kể cả sau khi Tổng thống Trump đã rời Nhà Trắng, những nỗ lực của ông nhằm lật ngược kết quả và gây tổn hại tới cuộc bầu cử sẽ còn có tác động lâu dài tới chính trị Mỹ.

Chiến thuật thách thức pháp lí của Tổng thống Trump đã được nhiều ứng viên khác áp dụng và được sự ủng hộ của nhiều thành viên Đảng Cộng hòa. Những người tin theo ông Trump bao gồm ứng viên tranh cử vào Quốc hội, các nhà lập pháp bang, các quan chức trong đảng, các tổ chức pháp lí bảo thủ, …

Nền tảng ủng hộ rộng rãi giành cho nỗ lực của ông Trump có thể là một dấu hiệu đáng ngại cho các cuộc bầu cử trong tương lai.

Hệ lụy tai hại mà ông Trump để lại - Ảnh 1.

AP dẫn lời bà Jennifer Granholm - cựu Thống đốc bang Michigan nói: "Đương kim Tổng thống đang đầu độc nền dân chủ Mỹ. Ông ta đang tạo ra một tiền lệ xấu, khiến nhiều người nghĩ rằng việc phá vỡ những truyền thống tốt đẹp của chúng ta là chuyện nên làm".

Bà Granholm (Đảng Dân chủ) cùng với bà Christine Todd Whitman (Đảng Cộng hòa) – cựu Thống đốc bang New Jersey đã nêu lên lo ngại về việc ông Trump không chịu nhận thua và làm xói mòn tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử.

Bà Whitman phát biểu: "Thực trạng hiện nay không đại diện cho người dân Mỹ, và chúng ta không muốn công chúng nghĩ rằng thế này là bình thường".

Hệ lụy tai hại mà ông Trump để lại - Ảnh 2.

Tổng thống Trump và các đồng minh đã tuyên truyền nhiều thuyết âm mưu về gian lận bầu cử như hàng trăm nghìn phiếu bầu của người chết, phiếu bầu cho Trump bị vứt vào thùng rác hay phần mềm bầu cử bị Đảng Dân chủ điều khiển, …

Qua Facebook và Twitter, ông Trump thường xuyên tuyên bố cuộc bầu cử không công bằng và rằng mình đã tái đắc cử. Phe Trump đã nộp hàng chục đơn kiện ở nhiều bang chiến địa quan trọng, gây sức ép để buộc các quan chức bang cản trở quá trình chứng nhận chiến thắng của đối thủ Joe Biden.

Tuy vậy đến nay, phe Trump chỉ nhận về toàn thất bại, không lật ngược được kết quả ở bất kì bang nào và không giành lại được bất kì phiếu đại cử tri nào từ ông Biden. Các thẩm phán đến từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, bao gồm cả thẩm phán do chính ông Trump bổ nhiệm, đều bác bỏ các cáo buộc gian lận bầu cử vô căn cứ.

Chỉ riêng trong thứ Sáu tuần trước (4/12), ông Trump và các đồng minh đã đón nhận hàng loạt thất bại pháp lí tại 6 bang tranh chấp là Wisconsin, Arizona, Nevada, Michigan, Minnesota và Georgia.

Tại Wisconsin, phe ông Trump muốn tòa xóa bỏ toàn bộ kết quả bỏ phiếu của hàng triệu cử tri và cho phép cơ quan lập pháp bang chọn đại cử tri theo Đảng Cộng hòa. 

Thẩm phán Brian Hagedorn của Tòa án Tối cao của bang Wisconsin viết: Nếu cơ quan tư pháp chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn dựa vào những bằng chứng hời hợt như đã được đưa ra thì "sẽ gây ra những thiệt hại lớn không tưởng tượng nổi tới mọi cuộc bầu cử về sau", NPR cho hay.

Ông Christopher Krebs – Giám đốc Cục An ninh mạng và Hạ tầng do chính ông Trump bổ nhiệm đã tuyên bố cuộc bầu cử năm 2020 là "an toàn nhất trong lịch sử nước Mỹ". Đáp lại, Tổng thống Trump đuổi việc ông Krebs qua một dòng tweet.

Bộ trưởng Tư pháp William Barr cho biết ông không tìm thấy bất kì bằng chứng nào cho thấy có gian lận tràn lan và thay đổi kết quả bầu cử. Giới quan sát nhận định Tổng thống Trump có thể sẽ cách chức ông Barr trong những tuần cuối cuộc bầu cử.

Mặc dù vậy, Tổng thống Trump cũng đã tìm được những đồng minh sẵn sàng ủng hộ và làm theo chiến thuật của ông. Thứ Sáu tuần trước (4/12), một nhóm 64 nhà lập pháp bang Pennsylvania đã kí một lá thư yêu cầu Quốc hội không chấp nhận nhóm đại cử tri của ứng viên Joe Biden mà bang này đã lựa chọn.

Trong những ngày gần đây, các nhà lập pháp tại các bang chiến địa đã tạo nên những diễn đàn thuận lợi cho đồng minh của ông Trump tuyên truyền cáo buộc gian lận của mình.

Một nhóm chính trị gia Đảng Cộng hòa tại Arizona đã tổ chức một cuộc họp không chính thức để các luật sư của ông Trump nhắc đi nhắc lại những điểm bị cho là bất thường trong quá trình kiểm phiếu của bang nhưng không cung cấp được bằng chứng nào cho thấy có gian lận tràn lan.

Nữ Chủ tịch Đảng Cộng hòa tại Arizona còn đề nghị một tòa án tước bỏ chiến thắng của ông Biden tại bang này.

Ở Michigan, luật sư thân tín nhất của ông Trump là Rudy Giuliani đã dự một buổi điều trần kéo dài 4 giờ để tranh luận về việc có gian lận xảy ra hay không.

AP dẫn lời ông Darrin Camilleri – Hạ Nghị sĩ tại bang Michigan nói: "Trong suốt biểu điều trần, các chính khách cứ liên tục nói lòng vòng về việc 'điều tra đến tận cùng của vấn đề'. Nhưng chúng ta đang ở tận cùng đây rồi, và chẳng có gì ở đây cả".

Hệ lụy tai hại mà ông Trump để lại - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 7/12. (Ảnh: AP).

Hôm 3/12, một ủy ban lập pháp ở Georgia nhận được bản điều trần từ luật sư của chiến dịch Trump cáo buộc có bất thường trong bầu cử. Tuy nhiên Georgia đã kiểm đi kiểm lại phiếu bầu ba lần và cả ba lần đều cho kết quả ông Biden nhiều hơn ông Trump hơn 12.000 phiếu.

Hệ lụy tai hại mà ông Trump để lại - Ảnh 5.

Việc ông Trump liên tục cáo buộc có gian lận tràn lan và tự nhận mình là người chiến thắng bất chấp kết quả kiểm phiếu ngược lại đang làm xói mòn lòng tin của dân chúng Mỹ vào hệ thống bầu cử, đồng thời tạo gương xấu cho tương lai.

Giáo sư luật hiến pháp Edward B. Foley nói: "Điều khiến sự kiện năm nay thật sự đáng ngại là nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử đã tiến được rất xa dù có rất ít căn cứ thực tế".

Hệ lụy tai hại mà ông Trump để lại - Ảnh 6.

Một số ứng viên đã bắt chước chiến thuật của ông Trump, từ chối nhận thua và yêu cầu thực hiện các biện pháp chưa từng có tiền lệ để thỏa mãn ý muốn của mình.

Một ứng viên tranh cử nghị viện tại bang Pennsylvania đã thất cử nhưng chưa chịu thua và đã kí đơn kiện nghi ngờ tính hợp lệ của tất cả phiếu bầu qua thư trong năm nay.

Một ứng viên Đảng Cộng hỏa tranh cử vào Thượng viện bang Michigan đã yêu cầu bang này làm một việc chưa từng có xưa nay là tạm hoãn chứng nhận kết quả để thực hiện kiểm toán, mặc dù quá trình đếm phiếu và xác nhận không thấy có sự bất thường đáng kể nào.

Chiến lược thách thức pháp lí của ông Trump nhiều khả năng cuối cùng sẽ thất bại nhưng nó có thể vẫn là công cụ hiệu quả để tập hợp những người ủng hộ. 

Ông Trump giành được tới hơn 74 triệu phiếu phổ thông và từ khi cuộc bầu cử kết thúc ngày 3/11 đến nay chiến dịch của ông đã huy động được thêm hơn 200 triệu USD. Những con số này cho thấy lực lượng ủng hộ ông Trump rất đông đảo và sẵn sàng làm nhiều điều để lật ngược cuộc bầu cử.

Ông Alex Padilla – Tổng Thư kí bang California nhận định: "Tôi không nghĩ ông Trump sẽ biến mất khỏi chính trường và tư tưởng của ông ta cũng sẽ không biến mất".

Song Ngọc