Một trong các quan chức diều hâu nhất Fed: Có thể đến năm 2024 mới hạ lãi suất
Lạm phát hiện vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bất chấp việc ngân hàng trung ương này đã tăng lãi suất 10 lần kể từ đầu năm 2022 để khống chế áp lực giá.
Tại cuộc họp chính sách vào đầu tháng 5, Chủ tịch Jerome Powell đã hàm ý rằng Fed có thể tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất trong thời gian tới.
Song, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta là ông Raphael Bostic cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không sớm hạ lãi suất. Trên thực tế, có thể phải đến năm 2024 Fed mới cắt giảm lãi suất.
“Dựa theo kịch bản cơ sở của tôi, Fed sẽ không thực sự cân nhắc việc giảm lãi suất trước năm 2024”, ông Bostic chia sẻ với tờ CNBC hồi đầu tuần này.
“Lạm phát không hạ nhiệt nhanh chóng như vậy và do đó, cắt giảm lãi suất không phù hợp với tình hình bây giờ”, ông Bostic, một trong những quan chức diều hâu nhất của Fed, nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu chi nhánh Atlanta, ngay tại Fed, các nhà hoạch định chính sách vẫn đang miệt mài tranh luận về tác động hà khắc của các đợt tăng lãi suất lên nền kinh tế.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dữ liệu cho thấy cuộc chiến chống lạm phát của Fed sẽ còn kéo dài hơn nhiều người lầm tưởng.
“Những gì chúng tôi thấy là lạm phát vẫn cao dai dẳng, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu và thị trường lao động vẫn cực kỳ thắt chặt. Tất cả những điều đó cho thấy áp lực lạm phát vẫn còn lớn”, ông Bostic lý giải.
Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta lưu ý rằng 10 đợt tăng lãi suất đã đẩy lạm phát từ mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào tháng 6 năm ngoái xuống còn 4,9% vào tháng 4, nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed.
“Nếu bạn nhìn vào hầu hết các thước đo lạm phát, bạn sẽ thấy số liệu hiện vẫn cao hơn mục tiêu của chúng tôi khoảng hai lần. Vì vậy, Fed vẫn còn một chặng đường dài phía trước”, ông Bostic nói.
Theo Fortune, lời khuyên của vị quan chức dành cho Fed trong những tháng tới là nên tiếp tục “tăng” lãi suất chính sách.
Một số chuyên gia lo lắng rằng các đợt tăng lãi suất vừa qua của Fed sẽ gây ra suy thoái bằng cách làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Số khác thì nói ngay cả khi lạm phát hạ nhiệt, lãi suất cũng khó đi xuống một cách nhanh chóng.
Còn ông Bostic lập luận rằng nếu lạm phát vẫn còn cao, ngân hàng trung ương Mỹ có thể phải tiếp tục nâng lãi suất ngay cả khi có suy thoái kinh tế.
Hồi tháng 1, ông kêu gọi các quan chức Fed phải “giữ vững quyết tâm” trong cuộc chiến chống lạm phát, nói rằng lãi suất cao hơn sẽ loại bỏ phần nhu cầu dư thừa trong nền kinh tế.
“Công việc trước hết của chúng ta là đưa lạm phát trở lại tầm kiểm soát. Và tôi sẽ làm mọi thứ có thể để Fed tiếp tục chu kỳ thắt chặt chính sách”, ông nói thêm trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 2.
Trái với ông Bostic, nhiều chuyên gia đang ủng hộ Fed hạ lãi suất bởi họ nhận thấy lạm phát nhìn chung đã được kiểm soát.
Giáo sư tài chính Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania, dự đoán thị trường chứng khoán Mỹ có thể tăng 15% hoặc hơn trong năm nay nếu Fed cắt giảm lãi suất.
Nếu Fed không nới lỏng chính sách tiền tệ, tương lai của thị trường và các nhà đầu tư chứng khoán có thể trở nên khó khăn hơn, ông Siegel cảnh báo.
Bên cạnh lạm phát, Fed đang phải đối mặt với một số thách thức khác như khả năng xảy ra tình trạng thắt chặt tín dụng sau sự sụp đổ của ba ngân hàng khu vực kể từ tháng 3.
Ngoài ra, Fed còn phải đương đầu với cuộc khủng hoảng trần nợ có khả năng đẩy Mỹ vào suy thoái. Nhà Trắng và Quốc hội đến nay vẫn chưa đạt được thoả thuận nâng hoặc đình chỉ trần nợ, có nguy cơ khiến chính phủ vỡ nợ.
Đầu tháng 5 này, Chủ tịch Fed chi nhánh New York là ông John Williams cho biết ông sẽ theo sát những rắc rối của lĩnh vực ngân hàng và tác động của chúng tới nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông không tin Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay. “Trong dự báo cơ sở của mình, tôi không thấy bất kỳ lý do nào để cắt giảm lãi suất trong năm 2023”, ông Williams nói với Bloomberg.