Một loại khí đốt của Mỹ có giá âm, người bán phải trả tiền cho người mua
Sản xuất dư thừa
Theo Financial Times, giá khí đốt giao ngay tại phía tây bang Texas, Mỹ đã giảm xuống dưới 0 USD/mmBTU. Mức giá này đồng nghĩa với việc nhà sản xuất sẽ phải trả tiền cho người mua khi bán ra khí đốt. Trong khi đó, ở bên kia Đại Tây Dương, châu Âu đang đối mặt với giá nhiên liệu cao chóng mặt.
Mức giá âm xảy ra khi sản lượng tại vùng Lòng chảo Permian (Permian Basin) tăng cao và các đường ống vận chuyển đang phải bảo trì. Tình trạng ngừng hoạt động tại các cảng xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ cũng đã khiến các chuyến hàng bị hạn chế.
Theo S&P Global, khí đốt giao ngày hôm sau tại trung tâm trung chuyển Waha đã giảm xuống mức -2,25 USD/mmBTU (một triệu đơn vị nhiệt Anh) trên Sàn giao dịch Liên lục địa (ICE).
Việc giá xuống mức âm tại Waha trái ngược với xu hướng tăng trên thị trường tương lai của Mỹ trong tuần qua, trong ngày 26/10 giá đã lên 6,234 USD/mmBTU (khoảng 19,7 USD/MWh). Giá khí đốt châu Âu trên sàn Dutch TTF hiện là 98,7 USD/MWh, tức là gấp 5 lần Mỹ.
Nhà phân tích Stephen Schork cho biết: “Về cơ bản, bạn có quá nhiều sản lượng [và] không có cách để đưa sản phẩm ra thị trường. Bạn phải trả tiền cho người mua để chuyển nhiên liệu này đi".
Các nhà phân tích cho biết sự khác biệt về giá cả giữa châu Âu và Mỹ đã cho thấy sự phân mảnh của thị trường khí đốt.
Cảng Freeport LNG trên bờ biển Texas, một trong những cơ sở xuất khẩu khí đốt lớn nhất của Mỹ, đã ngừng hoạt động kể từ vụ hỏa hoạn vào tháng 6.
Sự dư thừa khí đốt tại khu vực này đã trở nên trầm trọng hơn trong những ngày qua do hoạt động bảo trì trên các đường ống dẫn khí đốt Gulf Coast Express và El Paso Natural Gas do công ty Kinder Morgan vận hành. Những đường ống này chịu trách nhiệm vận chuyển khí đốt ra khỏi Lòng chảo Permian.
Theo ông Mark Callahan, Giám đốc thông tin giá điện và khí đốt châu Mỹ tại S&P Global Commodity Insights, hoạt động bảo trì dự kiến sẽ kéo dài vài ngày.
Ở châu Âu, giá khí đốt giao ngay cũng giảm mạnh trong những ngày gần đây do kho chứa đã gần đầy. Thời tiết ấm áp bất thường đã buộc các thương nhân phải cắt giảm nguồn cung, bất chấp những lo ngại về tình trạng thiếu hụt trong mùa đông này.
Giá khí đốt châu Âu đã xuống dưới 100 EUR/MWh, so với 300 EUR/MWh vào hồi tháng 8. Con số này vẫn cao hơn nhiều so với mức giá từ 20 đến 40 EUR/MWh mà châu Âu thường phải chi trả cho khí đốt trong phần lớn thập kỷ qua.
Tuần này cũng không phải là lần đầu tiên giá bán khí đốt tại Waha chuyển sang mức âm. Trong năm 2020, hiện tượng này xảy ra 9 lần, và vào năm 2019 là 31 lần. Lần này, giá khí đốt tại Mỹ âm trong khi châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu vào mùa đông.
Khí đốt từ khu vực Lòng chảo Permian chủ yếu là phụ phẩm trong quá trình sản xuất dầu. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), sản lượng khí đốt tại đây sẽ đạt kỷ lục 600 triệu m3/ngày vào cuối tháng 11, tăng 9% kể từ năm ngoái.
Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng việc giá khí đốt giảm mạnh gần đây có thể thúc đẩy doanh nghiệp khai thác đốt nhiều khí dư thừa và thải thêm CO2 vào khí quyển.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vì sao Nga đốt bỏ 10 triệu USD khí đốt mỗi ngày mà không xuất sang châu Âu? 29/08/2022 - 10:14
Ông Jon Goldstein, Giám đốc cao cấp về các vấn đề pháp lý tại Quỹ Phòng vệ Môi trường cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng [giá giảm] sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng tiếc trong hoạt động đốt bỏ khí tự nhiên ngay tại Lòng chảo Permian trong ngắn hạn”.
“Việc lãng phí các nguồn năng lượng là đặc biệt khó chấp nhận khi Mỹ tìm mọi cách để giúp đồng minh châu Âu từ bỏ khí đốt của Nga”, ông nói.
“Tiêu chuẩn kép”
Việc Mỹ thừa nhiên liệu xảy ra khi châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng. Theo Bloomberg, vào tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa chỉ trích chính sách thương mại và năng lượng của Mỹ đã tạo nên “tiêu chuẩn kép” với châu Âu.
Ông Macron nói: “Nền kinh tế Bắc Mỹ đang đưa ra những lựa chọn nhằm tạo sức hấp dẫn. Tôi tôn trọng quyết định này, nhưng chúng đang tạo ra tiêu chuẩn kép”, với giá nhiên liệu thấp hơn trong nước và giá kỷ lục tại châu Âu.
“Hơn nữa, Mỹ cho phép viện trợ nhà nước lên tới 80% trong một số lĩnh vực, trong khi hành động này bị cấm [ở châu Âu]. Kết quả là xuất hiện tiêu chuẩn kép”, ông nhắc đến lĩnh vực xe điện tại Mỹ và châu Âu. “Chung quy lại, vấn đề là sự chân thành trong thương mại xuyên Đại Tây Dương”.
Vào hôm 21/10, ông Marcon đã gọi Mỹ và Na Uy là những nhà sản xuất năng lượng thu được “lợi nhuận khổng lồ thực sự” và hưởng lợi từ “thu nhập không xứng được nhận từ xung đột địa chính trị”. Ông cũng cho biết đã thảo luận chủ đề này “theo một cách thân thiện” với những người đồng cấp ở Mỹ và Na Uy.
Trong một cuộc tranh luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng đã chỉ trích Mỹ bán khí hóa lỏng (LNG) cho doanh nghiệp châu Âu với giá “gấp 4 lần so với giá” trong nước. Trước đó, Tổng thống Macron cho biết EU nên hợp tác với các nền kinh tế châu Á để yêu cầu Mỹ và Na Uy thể hiện tình bạn nhiều hơn thông qua việc hạ giá khí đốt.