Moody’s, Fitch nhấn mạnh rủi ro xếp hạng tín dụng của Indonesia
Ngày 1/12, bà Anushka Shah, Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao về rủi ro nợ nhà nước của Moody's tại Singapore (Xin-ga-po), cho biết thu ngân sách thấp đã kéo giảm khả năng trả nợ của Indonesia. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy hệ số nợ trên nguồn thu của Indonesia ở mức 14% vào năm 2019, cao gần gấp ba lần mức trung bình của thế giới là 5,7%.
Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến, Shah cho hay: "Điều đó là một hạn chế lớn đối với chất lượng tín dụng và điều cần cân nhắc thứ hai là các khoản thâm hụt lớn hơn sẽ được tài trợ như thế nào". Moody's hiện xếp hạng Baa2 với triển vọng ổn định đối với Indonesia.
Trong khi đó, ngày 22/11, Fitch cho rằng thu ngân sách thấp và việc Indonesia phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính bên ngoài đã khiến vấn đề tài trợ cho các khoản thâm hụt lớn trở nên khó khăn hơn. Fitch tái khẳng định xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Indonesia ở mức BBB với triển vọng ổn định.
Đứng trước thách thức này, mới đây Bộ Tài chính Indonesia đã quyết định kéo dài thỏa thuận chia sẻ gánh nặng với Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đến năm 2022. Thỏa thuận này cho phép chính phủ vay tiền với lãi suất thấp.
Tuy nhiên, Fitch cho rằng việc tài trợ kéo dài này có thể làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư và đè nặng lên hồ sơ tín dụng của Indonesia, đặc biệt nếu các thị trường mới nổi chịu áp lực khi các điều kiện thanh khoản toàn cầu bị thắt chặt. Ngoài ra, hãng đánh giá tín dụng này cũng cho rằng thu ngân sách thấp cũng có thể làm giảm năng lực xây dựng cơ sở hạ tầng của Indonesia, vốn là một ưu tiên trung hạn chủ chốt của chính phủ nước này.
Bộ Tài chính Indonesia chỉ đặt mục tiêu thu ngân sách từ thuế ở mức 8,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, thấp hơn mức hơn 10% tại các nền kinh tế Đông Nam Á láng giềng. Trong một nỗ lực nhằm tăng thu ngân sách nhà nước, Indonesia đã thông qua Luật hài hòa thuế hồi tháng 10/2021, trong đó tăng thuế thu nhập đối với người giàu, tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và áp đặt thuế carbon.
Moody's và Fitch kỳ vọng rằng Luật này sẽ giúp Indonesia đưa thâm hụt ngân sách trở về mức 3% GDP vào năm 2023 theo các quy định hiện hành, song không làm tăng đáng kể thu ngân sách nhà nước do các thách thức lâu dài liên quan đến các cơ chế thuế và sự tuân thủ các quy định về thuế ở quốc gia này.
Bà Shah dự báo Indonesia sẽ "vi phạm nhẹ" mức giới hạn nói trên, đồng thời cho rằng nợ công của Indonesia sẽ bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng lãi suất sắp tới ở các nền kinh tế phát triển, từ đó sẽ làm tăng chi phí vay nợ từ bên ngoài vốn đóng góp một phần lớn trong nguồn tài trợ của Indonesia.
Hơn nữa, biến thể Omicron mới xuất hiện có thể ảnh hưởng đến khẩu vị rủi ro của thị trường toàn cầu, gây căng thẳng trên thị trường tài chính, khiến các nhà phát hành nợ như Chính phủ Indonesia đối mặt với chi phí tài trợ tăng vọt.
Bà Shah nhấn mạnh: "Đối với các quốc gia thị trường mới nổi dựa vào nguồn vốn vay trên thị trường quốc tế, đó là lúc họ có thể bắt đầu thấy áp lực tài trợ. Do vậy, có thể nói rằng đó là một kênh rủi ro lớn đối với Indonesia".