|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Trần Du Lịch: 'Kinh tế khó có thể khởi sắc từ quý II, bức tranh vĩ mô 4 tháng chưa có điểm gì sáng'

15:33 | 16/05/2023
Chia sẻ
"Tôi vừa đọc báo cáo kinh tế vĩ mô chi tiết và thấy rằng bức tranh kinh tế trong 4 tháng đầu năm chưa có gì sáng. Thậm chí, có ý kiến cho rằng kinh tế có thể khởi sắc từ cuối quý II nhưng có thể cũng rất khó khi dựa vào một số chỉ số thị trường", TS. Trần Du Lịch cho hay.

Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô tại tọa đàm “Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển”, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, sẽ rất khó để nền kinh tế hồi phục từ quý II khi dựa vào một số chỉ số thị trường xuất khẩu. Bức tranh thị trường còn rất khó khăn và chưa thể có giải pháp hiệu quả hơn.

"Tôi vừa đọc báo cáo kinh tế vĩ mô chi tiết và thấy rằng bức tranh kinh tế trong 4 tháng đầu năm chưa có gì sáng. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam không còn nhiều trụ cột để dựa vào, xuất khẩu giảm sút, đầu tư công giải ngân còn chậm", TS. Lịch nói.

Ngay cả tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ quý I tăng tốt nhưng qua tháng 4 bắt đầu chững lại, sức mua thị trường rất thấp. Hay như du lịch, tôi vừa đi dọc miền Trung, khách thưa thớt, kích thích thị trường nội địa rất hạn chế, chuyên gia cho hay.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia. (Ảnh: NLĐ).

Cần giảm tiếp thuế VAT, kích cầu tín dụng tiêu dùng

Để kinh tế sớm phục hồi, TS. Lịch kiến nghị phải dựa vào vĩ mô, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua hai công cụ của nhà nước và công cụ của doanh nghiệp.

Công cụ của Nhà nước là nghiên cứu tiếp tục giảm thuế GTGT theo từng ngành,cần giải pháp mạnh hơn, chỉ giảm xuống 8% như vừa qua là chưa đủ mà cần giảm xuống 5-6%. Thứ hai là cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng.

Còn về phía doanh nghiệp, cần một loạt chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó thế này, mà không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ rất khó, ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần kích cầu thị trường nội địa trên tất cả các mặt.

Về phía TP HCM, ông chỉ ra ba thách thức lớn mà TP HCM phải đối mặt. Thứ nhất là vấn đề hạ tầng, vấn đề tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được. "Đây là điểm nghẽn không mới, chúng ta có thể để ý rất nhiều dự án bị vướng", TS. Lịch chỉ ra.

Thứ hai là, chưa đánh giá hết những tác động, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ sản xuất - kinh doanh.TP HCM có khoảng gần 400.000 hộ kinh doanh và kinh tế phi chính thức vẫn chưa thống kê được. 

Sau dịch COVID-19, có ba nhóm doanh nghiệp là nhóm còn thị trường, còn tài chính sau dịch họ vươn lên được; nhóm thứ hai là các doanh nghiệp "dật dờ" và nhóm thứ ba là các doanh nghiệp đã mất thị trường, mất khách hàng... Đến giờ, vấn đề này vẫn chưa cải thiện và là một điểm nghẽn lớn trong sự phát triển của thành phố.

Yếu tố cuối cùng là những tác động bất ổn của vĩ mô từ quý IV năm ngoái tiếp tục lan sang năm nay. Những vấn đề này vẫn đang tồn tại và có những cái TP HCM tháo gỡ được, có những cái chưa tháo gỡ được, TS. Lịch cho hay.

Về phía TP HCM, TS. Lịch cho rằng, chính quyền đang làm những giải pháp cái căn cơ và tình thế, trong đó quan trọng nhất là việc rà soát những điểm nghẽn có thể xử lý được để hấp thụ được dòng vốn đầu tư công, nhất là thị trường bất động sản, vì thị trường này nếu không xử lý được thì các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. 

Còn về giải pháp căn cơ, theo TS. Lịch, Quốc hội đang bàn về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, nếu được thông qua và áp dụng ngay, lần đầu tiên thành phố có quyền tự chủ rất lớn. Đây là điều TP HCM đang đeo đuổi.

Nếu Nghị quyết mới được thông qua thì hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được HĐND TP HCM phê duyệt để triển khai ngay… Nếu gỡ được được điểm nghẽn, sức hấp thụ vốn của TP HCM sẽ tăng lên. 

Một vấn đề nữa theo TS. Lịch cần khơi thông là vốn tín dụng, vì thị trường vốn không thông suốt thì với điều kiện của kinh tế Việt Nam hiện nay sẽ rất khó phục hồi.

Còn về chương trình cho vay mua nhà ở xã hội đang triển khai với gói 120.000 tỷ đồng, TS. Lịch nhìn nhận cần phải tháo gỡ cả về mặt cơ chế chứ không chỉ riêng tín dụng. Chuyên gia đề xuất nguồn vốn này có thể phân tỉ lệ cho các đô thị, các thành phố lớn để kích thích cả nhà đầu tư và người tiêu dùng cá nhân.

Đánh giá tình hình có thể cải thiện từ quý III, song TS. Lịch cho hay, dự báo này hơi mang tính lạc quan so với diễn biến hiện tại. Phải có những giải pháp, biện pháp tạo niềm tin cho doanh nghiệp để họ tự vươn lên, vì Nhà nước không thể làm thay cho doanh nghiệp mà cần tạo sinh khí mới trong sự phát triển thì nền kinh tế mới có động lực phát triển, chuyên gia Trần Du Lịch nhìn nhận.

Hạ An