|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tâm lý lạc quan có thể tạo yếu tố bất ngờ đến tăng trưởng GDP quý cuối năm

11:50 | 26/09/2023
Chia sẻ
Theo chuyên gia, tâm lý lạc quan có thể một yếu tố bất ngờ cho tăng trưởng GDP của Việt Nam trong những tháng cuối năm, tạo sự khởi sắc trong quý IV và sang các tháng đầu năm tới.

Dự báo về tình hình tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm tại Talk show Phố Tài chính do VTV tổ chức diễn ra ngày 25/9, ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp cho rằng, bên cạnh những yếu tố tích cực từ bên ngoài, tâm lý lạc quan của người dân doanh nghiệp trong nước có thể là yếu tố bất ngờ, tạo sự khởi sắc cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm.

Theo ông, khi người dân, doanh nghiệp có niềm tin về việc nền kinh tế đã vượt qua khó khăn, các hoạt động kinh tế sẽ diễn ra sôi động hơn.

Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp. (Ảnh: IPAG Business School).

Với người dân, kinh tế lạc quan hơn sẽ tạo tâm lý tích cực, giảm bớt thắt chặt chi tiêu, qua đó kích thích khu vực dịch vụ, tiêu dùng. Còn với doanh nghiệp, lãi suất thấp cộng với triển vọng kinh tế tươi sáng hơn sẽ giúp hoạt động đầu tư cho sản xuất kinh doanh cũng diễn ra mạnh mẽ hơn.

Đây có thể là một yếu tố bất ngờ cho tăng trưởng của Việt Nam trong những tháng cuối năm, tạo sự khởi sắc trong quý IV và sang các tháng đầu năm tới.

Với yếu tố bên ngoài, quý III và quý IV cũng là giai đoạn mà nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu lớn có sự tăng trưởng tốt do là mùa mua sắm cuối năm. Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế toàn cầu cũng lạc quan hơn so với trước. 

Theo báo cáo mà tổ chức OECD mới công bố, kinh tế quý III so với 6 tháng đầu năm tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đặc biệt là các đối tác của Việt Nam đều có những tích cực.

Mới đây, Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết sẽ có những chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế.Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc hiện cũng đang nỗ lực kích thích kinh tế, các quốc gia như Mỹ hay châu Âu, nhu cầu đối với hàng hoá của Việt Nam đều đang có sự cải thiện. Đây là những yếu tố bên ngoài rất thuận lợi cho kinh tế Việt Nam trong ba tháng cuối năm cũng như đầu năm tới, ông Trí đánh giá.

Khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích BSC. (Ảnh chụp màn hình).

Đồng quan điểm, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng, những gì xấu nhất của nền kinh tế đã qua và được thể hiện trong khá nhiều chỉ số quan trọng, tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% thì vẫn còn rất nhiều thách thức. 

Ông Long phân tích, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam mới chỉ đạt 3,5-3,7%. Điều này đồng nghĩa với muốn đạt mục tiêu cả năm thì quý III và quý IV tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đạt đâu đó từ 8-9%.

Quý III và quý IV chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh so với đầu năm nhưng khó có thể đạt mức này. Bởi trong điều kiện thông thường như trước dịch COVID-19, Việt Nam cũng hiếm có các quý đạt tăng trưởng 8-9%.

Huống hồ nền kinh tế hiện nay lại yếu hơn rất nhiều, khu vực duy nhất tăng trưởng tốt là dịch vụ, tiêu dùng cũng chỉ đạt mức khoảng 10%, thấp hơn mức 12-17% ở giai đoạn trước dịch. Đồng thời, khu vực xuất nhập khẩu lại suy yếu đi rất nhiều.

Dù vậy, ông Long đánh giá, ngay cả khi tăng trưởng GDP không đạt được như mục tiêu nhưng đây cũng là một bước tạo đà quan trọng cho năm sau.

UOB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 5,2% trong năm nay và 6% trong năm sau. (Nguồn: UOB).

Các chuyên gia từ UOB cũng dự báo tăng trưởng GDP quý III đạt 5,6%; quý IV đạt 7,6%, tăng trưởng 6 tháng cuối năm khoảng 6,6%, chứ khó mà đạt mức 8-9% như kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra.

Theo các chuyên gia UOB, lĩnh vực dịch vụ chỉ bù đắp được một phần cho tốc độ tăng trưởng chậm trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất. Vì vậy, tăng trưởng GDP thực tế trong quý III có thể sẽ chưa thể mang lại sự lạc quan mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam cũng cần quan sát tới những yếu tố rủi ro bên ngoài như: Xung đột Nga-Ukraine tác động tới giá năng lượng, lương thực và hàng hóa; sự thay đổi và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc. 

Còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5,8% - 6% trong năm nay do nhu cầu bên ngoài yếu tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo, trong khi các điều kiện trong nước dự kiến sẽ được cải thiện. Dù vậy, một điểm sáng là lạm phát được dự báo vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới 4% trong năm 2023 và 2024. 

 

 

 

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).