|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

UOB: Tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm dự báo đạt khoảng 6,6%

15:46 | 25/09/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia của UOB dự báo tăng trưởng GDP quý III đạt 5,6%; quý IV đạt 7,6%, tăng trưởng 6 tháng cuối năm khoảng 6,6%.

Trong báo cáo vừa công bố, nhóm phân tích của Ngân hàng UOB dự báo động lực tăng trưởng vẫn chậm trong quý III.

UOB duy trì dự báo tăng trưởng cả năm là 5,2% cho năm 2023 và 6% cho năm 2024. Dự kiến tăng trưởng GDP quý III đạt 5,6% và quý IV đạt 7,6%, tăng trưởng 6 tháng cuối năm khoảng 6,6%.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, trong khi đó 6 tháng đầu năm tăng trưởng đạt 3,72%, nửa cuối năm phải đạt hơn 9,2%. Nhóm phân tích cho rằng đây là một thách thức rất lớn trong hoàn cảnh hiện tại. 

 

Phân tích thêm, các chuyên gia cho rằng  triển vọng trong thời gian còn lại của năm có thể sẽ gặp nhiều thách thức vì những dữ liệu mới nhất được công bố chưa thật sự ấn tượng. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam đã quay trở lại mức trên 50 vào tháng 8 sau 5 tháng giảm liên tiếp và là quốc gia có chỉ số kém nhất ở châu Á vào thời điểm đó. Tuy nhiên, PMI của Việt Nam đã kém hơn PMI chung của khu vực ASEAN trong tháng thứ 12 liên tiếp.  

Xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 9 trong 10 tháng qua, trong khi nhập khẩu chứng kiến 10 tháng giảm liên tiếp  Nhu cầu bên ngoài suy yếu được thể hiện qua xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (thị trường lớn nhất chiếm 28% tổng xuất khẩu), đã giảm 9 tháng trong 10 tháng qua (tháng 8 giảm 9,4%).  

Ngược lại với khu vực được thúc đẩy từ bên ngoài, nhu cầu trong nước tương đối lạc quan hơn. Doanh số bán lẻ tiếp tục thể hiện tốt trong năm qua, với tổng thương mại bán lẻ cho thấy mức tăng 10% so với cùng kỳ vào tháng 8, được hỗ trợ bởi mức tăng hai chữ số trong chi tiêu và hoạt động liên quan đến du lịch.

Lượng khách du lịch đến đã tăng tốc trong năm, đạt hơn 7,8 triệu lượt khách du lịch so với đầu năm vào tháng 8, điều đó có nghĩa là vào cuối năm 2023, lượng khách đến có thể phục hồi ít nhất 2/3 mức được ghi nhận vào năm 2019.   

Tuy nhiên, với việc lĩnh vực dịch vụ chỉ bù đắp một phần cho tốc độ tăng trưởng chậm trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất, UOB cho rằng dữ liệu được công bố cho đến nay cho thấy tăng trưởng GDP thực tế trong quý III  có thể sẽ chưa thể mang lại sự lạc quan mạnh mẽ.

Ngoài ra, các yếu tố rủi ro bên ngoài cần được theo dõi sát sao bao gồm xung đột Nga-Ukraine và tác động của nó đối với giá năng lượng, lương thực và hàng hóa; sự thay đổi và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

 

 

Anh Đào