|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá căng đến bao giờ?

20:46 | 19/12/2024
Chia sẻ
Tối qua, chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát ra thông điệp được cho là khá “diều hâu” trong cuộc họp FOMC tháng 12. Theo đó, tốc độ giảm lãi suất sẽ chậm lại, với mức hạ lãi suất chỉ rơi vào 0,5% cho năm 2025 (so với trước đó là 1%).

Dự báo về lạm phát vào cuối năm 2025 chỉ về mức 2,5% (so với mức 2,1% được kỳ vọng ở cuộc họp FOMC tháng 9), và có thể phải mất thêm 2 năm nữa để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Điều này đã đánh vào tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư khi 2 tháng gần đây, tốc độ lạm phát đã tăng nhẹ trở lại trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng với tốc độ vững chắc.

Sau những phát biểu này, thị trường tài chính thế giới có những diễn biến chao đảo với việc các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh, chỉ số DXY tiếp tục tìm đến đỉnh cao mới trong năm với mốc 108. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này khi phải đối mặt với một phiên giảm điểm mạnh, bên cạnh áp lực từ tỷ giá thời điểm hiện tại.

Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thế giới nói chung và thị trường tài chính nói riêng đang trải qua một sự biến động lớn khi các nước đang thay đổi để thích nghi với nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Donald Trump – một người được cho là khó lường với những chính sách thuế quan, thương mại gắt gao để bảo hộ nền kinh tế trong nước.

Trước những lập trường này, đồng USD đã có diễn biến tăng mạnh, và các dòng vốn bị rút từ thị trường mới nổi (EM) về Mỹ nhằm tận dụng cơ hội đầu tư ở thị trường này. Điều này phần nào đã gây áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng như là giải thích cho việc khối ngoại liên tục bán ròng với cường độ mạnh trong tháng 11 vừa qua.

Từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 2,9 tỷ USD (tương đương với khoảng 90 nghìn tỷ) – mức cao kỷ lục trong 24 năm qua. Cùng với diễn biến đó, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) cũng đã bán khoảng 6,6 tỷ USD nhằm đáp ứng cho nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, trả nợ nước ngoài và rút vốn FII…

Những tưởng gần về cuối năm, tỷ giá sẽ có xu hướng hạ nhiệt trở lại như thời điểm các năm trước nhờ dòng kiều hối, tuy nhiên, điều này đã không xảy ra ở năm 2024. Thị trường có vẻ đang quá kỳ vọng vào việc Fed hạ lãi suất, dòng tiền đầu tư quay trở lại EM và dòng kiều hối đổ vào ở thời điểm cuối năm.

Điều này đã khiến các ngân hàng xây dựng vị thế bán USD trên thị trường liên ngân hàng, khiến tổng trạng thái toàn ngân hàng âm mạnh đến 1,5 tỷ USD. Và giờ đây, khi nguồn ngoại tệ đổ vào không đủ bù đắp cho nguồn tiền ra, cùng với trạng thái toàn hàng âm mạnh trước đó đã khiến việc bán USD của các ngân hàng thương mại (NHTM) bị phản ứng ngược.

Việc Fed giảm tốc độ hạ lãi suất khiến DXY tăng mạnh như một giọt nước tràn ly kích hoạt động thái cắt lỗ của các NHTM và gây áp lực lên tỷ giá. Trước diễn biến này, NHNN tiếp tục bán khoảng hơn 1,2 tỷ USD nhằm giải tỏa căng thẳng, và nâng tổng giá trị bán từ đầu năm đến nay lên gần 7,9 tỷ USD.

Trước tình thế này, liệu áp lực tỷ giá trong năm 2025 có thật sự được giảm bớt hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ sẽ là một nhân tố quan trọng giúp đồng USD duy trì vị thế mạnh mẽ trên trường quốc tế, và không thể bị thay thế bởi các đồng tiền khác - mặc cho những nỗ lực gần đây của khối BRICs.

Nền kinh tế Mỹ vẫn còn mạnh mẽ trong khi các nước khác đang đối mặt với rủi ro bị áp thuế, thì việc lựa chọn chuyển các khoản đầu tư về Mỹ có vẻ là một lựa chọn khôn ngoan, tránh gặp phải rủi ro lỗ tỷ giá ở thời điểm hiện tại.

Có ý kiến cho rằng Fed phải hạ lãi suất nhiều hơn để giảm bớt áp lực lên cán cân tài khóa của Mỹ, và để ông Trump thực hiện chính sách giảm thuế như đã hứa hẹn trước khi đắc cử. Tuy nhiên, nợ công chưa bao giờ là một vấn đề lớn của Mỹ, và Fed vẫn có khả năng “in tiền” để tài trợ cho chính sách tài khóa. Điều này là nhờ vào việc nhu cầu mua trái phiếu Kho Bạc Mỹ luôn cao, thể hiện qua tỷ lệ chào thầu và vị thế đồng USD là phương tiện thanh toán quốc tế không thể thay thế được.

Việc kỳ vọng vào dòng vốn FDI từ Trung Quốc đầu tư sang Việt Nam nhằm tránh rủi ro bị áp thuế cũng không phải là chắc chắn, trong bối cảnh Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ngắm của tân Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, điểm sáng gần đây có thể kể đến là việc hợp tác với Nvidia cho thấy Việt Nam đang thu hút được vốn FDI ở một lĩnh vực mới và kỳ vọng hiệu ứng chim mồi cho các doanh nghiệp khác trên thế giới đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam. Nếu điều này thành hiện thực sẽ trở thành tín hiệu tích cực cho dòng vốn FDI và tỷ giá, nhưng cần lưu ý rằng đây cũng là câu chuyện trung – dài hạn.

Bên cạnh đó, việc nâng hạng thị trường trong bối cảnh này có thể sẽ không thu hút được nhiều dòng vốn như mong đợi khi thị trường chứng khoán Mỹ và các lớp tài sản khác như vàng, tiền điện tử… vẫn đang có hiệu suất tốt hơn thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Với những lý do này, tác giả cho rằng VND có thể vẫn sẽ chịu áp lực mất giá trong năm sau, trừ khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy yếu và Fed thay đổi lập trường cắt lãi suất mạnh hơn, giúp dòng vốn đầu tư quay trở về EM.

Trâm Nguyễn