|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2025

19:49 | 19/12/2024
Chia sẻ
Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước dịch vào năm 2025, với 18 triệu lượt khách quốc tế và đóng góp trực tiếp 6-8% trong GDP.

Mục tiêu được đưa ra trong buổi hội thảo "Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn" sáng nay. Cục phó Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy cho biết du lịch Việt thời gian qua Nam có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Đến năm 2025, ngành đặt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước dịch; đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9% mỗi năm. Ngành cũng đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% trong GDP vào năm sau, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp. Năm 2023, ngành du lịch đóng góp 7% vào GDP, năm 2024 chưa công bố số liệu.

Đoàn khách Ấn Độ nghe hướng dẫn viên địa phương thuyết trình tại địa đạo Củ Chi hồi tháng 9. Ảnh: Phạm Minh Vương

Đến năm 2030, du lịch đặt mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa. Mục tiêu đóng góp GDP khi đó là 10-13% và tạo ra hơn 10 triệu việc làm, trong đó có 3,3 triệu việc làm trực tiếp.

Việt Nam từng đón 18 triệu lượt khách ở giai đoạn vàng 2019. Tuy nhiên, các năm 2020-2022, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đối mặt dịch bệnh và phục hồi sau dịch nên lượng khách sụt giảm, quay về mức thấp nhất lịch sử. Tháng 3/2022, Việt Nam mở lại biên giới đón khách quốc tế. Năm 2023, lượng khách quốc tế đạt 12,6 triệu lượt. Trong 11 tháng đầu năm nay, gần 16 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tổng thu du lịch ước đạt 758.000 tỷ đồng.

Khách Australia ngồi xích lô tại TP HCM hồi tháng 9. Ảnh: Phạm Minh Vương

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam có mức độ tăng trưởng cao như trong ba năm 2017-2019, đóng góp 9,2% GDP, trở thành "ngôi sao sáng" trên bản đồ du lịch quốc tế.

Nhưng du lịch vẫn chưa thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (có đóng góp từ 15% trở lên cho GDP). "Thực tế, những yếu kém của ngành được nêu ra trong Nghị quyết 08 đến nay vẫn còn, lẽ ra sau 7-8 ra Nghị quyết, chúng ta phải khắc phục được", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận xét.

Du lịch không phải ngành kinh doanh có điều kiện, không nên kiểm soát quá chặt chẽ doanh nghiệp nhưng cũng không được buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị làm ăn "bát nháo", ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Để giúp du lịch sớm thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Bình cho rằng những gì doanh nghiệp làm được thì nên giao cho doanh nghiệp. Hiện tại, mọi thứ vẫn còn chồng chéo nên dẫn đến khó khăn trong làm việc, phát triển.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, chúng ta cần nhận thức được sau dịch, thế giới đã là một thế giới khác. Ngành du lịch được đặt mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng sau dịch mới đóng góp 7% vào GDP. Trong khi đó, năm 2023, du lịch Thái Lan đã chiếm 23% GDP, Philippines 22,5% và gần Việt Nam nhất là Campuchia cũng chiếm 25,8%. Bình quân thế giới 10,3%. Chúng ta đang ở dưới mức bình quân toàn cầu. Như vậy, tầm ảnh hưởng và sức đóng góp của du lịch Việt vào GDP vẫn thấp hơn trung bình toàn cầu.

Hiện tại, các quốc gia cạnh tranh du lịch với nhau thông qua 4 hình thức: chính sách, xúc tiến, quảng bá - truyền thông và thế mạnh quốc gia. Đã đến lúc Việt Nam cần xem lại sức mạnh cạnh tranh trong chính sách với các nước trong khu vực, xem lại những bất cập của Luật Du lịch 2017 và sửa đổi, từ đó tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.

Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch cũng cần đánh giá lại nguồn lực gồm tài chính, chính sách và nhân lực. Thiếu nguồn lực sẽ khiến ngành không phát huy được thế mạnh, hụt hơi khi cạnh tranh với các quốc gia khác.

Anh Minh