Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 41,3%, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất trong 10 tháng
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,42 triệu lượt người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước.
"Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng", Tổng cục Thống kê lý giải.
Trong tổng số 14,1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam mười tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 12 triệu lượt người, chiếm 84,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt gần 2 triệu lượt người, chiếm 13,9% và tăng 65,7%; bằng đường biển đạt 189,1 nghìn lượt người, chiếm 1,3% và tăng 172,3%.
Châu Á là khu vực có nhiều khách quốc tế lớn nhất tại Việt Nam với hơn 11,3 triệu lượt khách, tăng 45,2%. Tiếp đến là châu Âu với gần 1,6 triệu lượt khách tăng 40,6%; châu Mỹ là 812,8 nghìn lượt tăng 8,7%; sau đó là châu Úc và châu Phi lần lượt là 436,3 nghìn lượt và 42,8 nghìn lượt, tăng 24,1% và 84,8%.
Về quy mô thị trường, trong 10 tháng qua, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 3,7 triệu lượt (chiếm 26,3%). Thứ hai là Trung Quốc, đạt 3 triệu lượt (chiếm 21,3%). Riêng hai thị trường này đóng góp 47,8% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam .
Tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) với 1,1 triệu lượt, Mỹ (637.000 lượt), Nhật Bản (585.000 lượt), Malaysia (392.000 lượt).Trong top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Úc, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan.
Theo Tổng cục Thống kê, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước không có đột biến bất lợi thì ngành du lịch có thể đón 17 triệu lượt khách quốc tế. Dù vậy, các bộ ngành cần tiếp tục cải thiện chính sách visa, đặc biệt là mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành: Vận tải (hàng không, đường sắt,…); dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; bán lẻ hàng hóa.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, tìm kiếm thị trường khách mới thay vì tập trung vào một số thị trường truyền thống. Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.
"Song song việc thu hút khách, tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tour du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch dựa trên khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, khuyến khích chi tiêu khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch quốc tế, tăng doanh thu du lịch”, Tổng cục Thống khuyến nghị.