Lo 'trượt' mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch nói gì?
Báo cáo kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2024 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố ước tính khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9 đạt gần 1,3 triệu lượt khách tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý III ước đạt gần 3,8 triệu lượt khách tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng ước đạt hơn 12,7 triệu lượt khách, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhìn nhận kết quả này, bà Đinh Thị Thuý Phương, Vụ trưởng vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho rằng nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.
Tuy vậy, bà Phương cho rằng, việc thực hiện mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tức là trong ba tháng cuối năm phải đạt gần 5,3 triệu lượt khách, bình quân hơn 1,76 triệu lượt khách/tháng) là rất thách thức.
"Trước đó, năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế thì quý IV/2019 đạt hơn 5,1 triệu lượt khách, bình quân đạt hơn 1,71 triệu lượt khách/tháng. Do đó, khó có thể đạt được mục tiêu đón 18 triệu lượt khách trong năm 2024”, bà Phương nói.
Bà Phương dự báo, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước không có đột biến bất lợi thì ngành du lịch có thể đón 17 triệu lượt khách quốc tế.
Dù vậy, các bộ ngành cần tiếp tục cải thiện chính sách visa, đặc biệt là mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành: Vận tải (hàng không, đường sắt,…); dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; bán lẻ hàng hóa.
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, tìm kiếm thị trường khách mới thay vì tập trung vào một số thị trường truyền thống. Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.
"Song song việc thu hút khách, tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tour du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch dựa trên khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, khuyến khích chi tiêu khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch quốc tế, tăng doanh thu du lịch”, bà Phương khuyến nghị.
Phấn đấu vượt qua các chỉ tiêu đã cam kết
Trước đó, tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, dù thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, song các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phấn đấu vượt qua các chỉ tiêu đã cam kết.
Tuy nhiên, để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, ông Bình kiến nghị một số giải pháp.Thứ nhất, là xây dựng hạ tầng du lịch, giao thông vận tải là yếu tố rất quan trọng với ngành du lịch, việc kết nối các điểm du lịch với nhau giữa các địa phương của Việt Nam và của Việt Nam với thế giới luôn rất quan trọng.
Thứ hai, ngành vận tải nên tăng cường vận chuyển đường sông và đường biển để phục vụ phát triển du lịch. Về đầu tư các điểm du lịch, đề nghị các địa phương tập trung vào những điểm du lịch lớn, trọng điểm, hấp dẫn du khách, để xây dựng thành điểm nhấn cho hoạt động du lịch của địa phương, tránh dàn trải.
Thứ ba là đề nghị Chính phủ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch. Theo ông Bình, sau đại dịch COVID-19, nhân lực ngành du lịch thiếu trầm trọng, hiện ngành chỉ đạt 60-70% lực lượng lao động so với trước kia.
Để phát triển lực lượng này, bên cạnh sự cố gắng từ phía doanh nghiệp, về lâu dài, Nhà nước vẫn cần hỗ trợ trực tiếp, giao cho doanh nghiệp để họ trực tiếp làm và có sự giám sát của các cơ quan liên quan. Nếu ngân sách phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực đến được với doanh nghiệp thì sẽ hỗ trợ hiệu quả và nhanh nhất.
Về hoạt động xúc tiến du lịch, ông Bình cho rằng, hiện tốc độ tăng trưởng khách du lịch của chúng ta còn chậm so với nhu cầu do công tác xúc tiến còn yếu, Nhà nước ngoài việc lo xúc tiến ở các điểm đến quốc gia, hình ảnh của toàn quốc, điểm đến của Việt Nam, cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch.
“Hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là hỗ trợ cho việc xúc tiến chung của các địa phương. Nếu Nhà nước có quỹ xúc tiến du lịch, hỗ trợ thẳng cho doanh nghiệp thì việc xúc tiến sẽ mạnh mẽ hơn, thu hút nhiều khách hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
Còn theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, thời gian qua, nhờ việc mở rộng và đa dạng các hoạt động xúc tiến tại những thị trường lớn đã giúp du lịch Việt Nam không những tăng thêm lượng khách quốc tế mà còn đa dạng được nhiều thị trường mới tiềm năng.
Đặc biệt, thời gian qua, Việt Nam được chọn là điểm tổ chức nhiều đám cưới xa hoa của Ấn Độ, đoàn khách lớn, với hơn 4.500 thành viên của tỷ phú Ấn Độ… Đón đầu lượng khách này, Việt Nam đã tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch Việt Nam tại Ấn Độ, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, mở các đường bay đến Ấn Độ.
"Ngành du lịch cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng hành vi tiêu dùng, sở thích của du khách Ấn Độ nhằm phát triển sản phẩm du lịch cao cấp và đặc thù, đáp ứng các mức chi tiêu cao và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm phù hợp", ông Siêu nêu rõ.
Dự kiến, tháng 10, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ có chương trình quảng bá xúc tiến du lịch quy mô lớn tại Ấn Độ với sự tham gia của nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch.
Ngoài ra, ngành du lịch đã và đang tiến hành xúc tiến, quảng bá du lịch tại Mỹ với chủ đề “Việt Nam Expo in Hollywood” nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim từ kinh đô điện ảnh thế giới đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
“Với những nỗ lực này, trong ba tháng còn lại của năm cũng là cao điểm của khách quốc tế, ngành du lịch sẽ vượt mức đỉnh cao trước dịch năm 2019 đón 18 triệu khách quốc tế”, ông Siêu kỳ vọng.