CPI 10 tháng đầu năm tăng 3,78%, lạm phát hạ nhiệt
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 2,52% so với tháng 12/2023 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.Bình quân 10 tháng năm 2024, CPI tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản đạt 2,69%.
Nguyên nhân theo Tổng cục Thống kê là do giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng do ảnh hưởng bởi mưa bão, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng.
10 nhóm chỉ số giá tăng, 1 nhóm giảm
Trong mức tăng 0,33% của CPI tháng 10/2024 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và chỉ có một nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 0,66% (tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm %), chủ yếu do giá dầu diezen tăng 2,27%; giá xăng trong nước tăng 0,98% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55% (tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm %). Trong đó, lương thực tăng 0,77%; thực phẩm tăng 0,66% (tác động tăng 0,14 điểm %); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%.
Nhóm giáo dục tăng 0,48%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 0,53% do một số trường mầm non tư thục, cao đẳng, nghề, trung cấp, đại học, sau đại học tăng học phí. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng có chính sách miễn giảm học phí nhằm hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng của bão, lũ như Quảng Ninh, Hà Giang, Yên Bái...
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%. Trong đó, giá đồ trang sức tăng 4,67% theo giá vàng trong nước; dịch vụ chăm sóc người già tăng 0,69%; sửa chữa đồng hồ đeo tay tăng 0,51%; dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 0,46%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,4%.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2% do nhu cầu tiêu dùng tăng và nhiều chương trình khuyến mại tại một số địa phương đã kết thúc.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11% do chi phí nhân công và tỷ giá tăng. Cụ thể, giá nước khoáng tăng 0,27%; thuốc hút tăng 0,23%; nước quả ép tăng 0,15%; bia chai tăng 0,13%; rượu các loại tăng 0,06%.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,11% chủ yếu do giá gas tăng 1,17%, giá dầu hỏa tăng 1%, giá thuê nhà tăng 0,73%; nước sinh hoạt tăng 0,24%. Ở chiều ngược lại, giá điện sinh hoạt giảm 2,02% do thời tiết mát nên nhu cầu tiêu dùng giảm.
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,09% do nhu cầu mua sắm tăng khi thời tiết chuyển mùa.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09% do trong tháng có ngày Phụ nữ Việt Nam nên nhu cầu mua hoa tăng cao...
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do thời tiết chuyển giao giữa hai mùa, bệnh cảm cúm, đường hô hấp gia tăng nên nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất tăng.
Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,05%.
Lạm phát cơ bản đạt 2,69%
Tổng cục Thống kê cho biết lạm phát cơ bản tháng 10/2024 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 10 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản đạt 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/