|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

MobiFone trước ngày cổ phần hoá: Tiền mua AVG đã được trả lại, cơ hội bán vốn giá tốt có còn nguyên vẹn?

10:07 | 28/08/2019
Chia sẻ
Hoạt động kinh doanh của MobiFone đã xuống "phong độ" thấy rõ, ngay cả năm 2018 và 6 tháng đầu năm nay thì lợi nhuận tăng không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Gian nan cổ phần hoá

Ngày 15/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Tổng công ty viễn thông MobiFone là một trong những cái tên nằm trong danh sách này.

Đây không phải là lần đầu tiên việc cổ phần hoá nhà mạng Mobifone được nhắc đến. Thực tế, đề án cổ phần hoá nhà mạng đầu tiên của Việt Nam đã có cách đây hơn chục năm trước.

Năm 2005, sau khi hoàn tất bản hợp đồng đối tác liên doanh giữa VNPT và Comvik Thụy Điển kéo dài 10 năm (1995-2005), Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông phải lên kế hoạch cổ phần hoá MobiFone.

Năm 2006, MobiFone đã chọn Credit Suisse làm đơn vị tư vấn cổ phần hoá để đưa ra mức chào bán cho cổ đông chiến lược và IPO vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, kể từ đây, thương vụ rơi vào bế tắc một cách khó hiểu.

Trong đó, một phần nguyên nhân sau này được một báo chí đăng tải cho rằng có liên quan đến việc VNPT không sẵn sàng để đơn vị kinh doanh chủ lực của mình MobiFone tuột khỏi tay mà không kèm theo các điều kiện nhất định.

Đã có rất nhiều đơn vị cả trong lẫn ngoài nước quan tâm đến MobiFone, thể hiện sự quan tâm lớn nhất đến cổ phần của MobiFone trong đó có tập đoàn Comvik đến từ Thuỵ Điển, tập đoàn này đã có quá trình 10 năm hợp tác và hỗ trự đưa Mobifone trở thành nhà mạng hàng đầu VN trong một thời gian dài.

Đến năm 2014, MobiFone chính thức được tách khỏi VNPT và tiến hành kế hoạch cổ phần hóa. Sau khi hay tin, vào tháng 8/2014, chủ tịch Comvik International Vietnam AB, ông M.A. Zaman có cuộc gặp bộ Thông tin - Truyền thông đề xuất mong muốn tiếp tục hợp tác đầu tư vào MobiFone và trở thành trở thành nhà đầu tư chiến lược của Mobifone.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực tiếp cận của các tổ chức nước ngoài cùng lĩnh vực đều bị ngưng trệ một cách bí ẩn. Đến đầu năm 2016, MobiFone bất ngờ công bố thương vụ mua lại 95% cổ phần của AVG với giá lên đến 8.889,8 tỉ đồng, thời điểm thực hiện diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2015.

Cho đến 2018, Chính phủ yêu cầu Mobifone sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2018 nhưng do một số vướng mắc trong mua bán sáp nhập doanh nghiệp và thực hiện một số kết luận của cơ quan chức năng nên việc hoàn thành cổ phần hóa chưa được thực hiện được.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại buổi họp báo chuyên đề về kết quả cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cuối tháng 3/2018, Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, MobiFone vướng vụ AVG, nhiều người làm sai, bị kỷ luật, dẫn tới chậm trễ.

Đến tháng 3/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, nhận định đây là sai phạm kinh tế rất nghiêm trọng, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra. Cho đến nay, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục thực hiện để làm rõ các sai phạm trong thương vụ mua lại AVG.

Bức tranh thực của MobiFone

Theo các chuyên gia kinh tế, những sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lí vốn tại các DNNN như MobiFone xuất phát chính từ quá trình chậm chuyển đổi mô hình, chậm cổ phần hoá của Mobifone, đồng thời kìm hãm đà phát triển đang rất tốt của doanh nghiệp này.

Đơn cử, việc công khai tài để nhận được sự giám sát của công chúng đã không được thực hiện trong suốt nhiều năm. Đến năm 2016 là năm đầu tiên MobiFone công khai số liệu tài chính, tuy nhiên nhưng nhiều khoản mục trên bảng cân đối kế toán và thuyết minh báo cáo tài chính không được đưa vào.

Ngay cả cổng thông tin hiện nay của Mobifone mặc dù đã công khai rất nhiều thông tin từ tài chính đến chuyển nhượng, nhưng cũng không bao gồm báo cáo tài chính hợp nhất, đặc biệt là năm 2018 – năm MobiFone tiếp nhận khoản tiền mua AVG về lại Công ty.

Mobifone LN

Lợi nhuận MobiFone sụt giảm mạnh sau hơn chục năm liên tục tăng trưởng; Năm 2018, lợi nhuận tăng không đến từ hoạt động kinh doanh chính

Các báo cáo của MobiFone cũng cho thấy những bước lùi trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt kể từ 2013-2015 là giai đoạn sụt giảm doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh từ 2016-2017 khi khoản tiền lớn bị rút ra khỏi MobiFone đổi lấy cổ phần của AVG.

Năm 2018, doanh thu hợp nhất của MobiFone tiếp tục giảm 12%. Con số lợi nhuận trước thuế đạt 5.919 tỉ đồng, tăng 27,5% trong năm 2018 cũng không thể che đậy thực trạng suy giảm trong hoạt động kinh doanh chính của MobiFone.

Cụ thể, năm 2018, riêng công ty mẹ ghi nhận lợi nhuận tài chính lên đến 715 tỉ đồng; trong đó, MobiFone đã thu hồi toàn bộ số tiền 8.445 tỉ đồng để mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) và ghi nhận doanh thu tài chính 329 tỉ đồng góp phần làm tăng lợi nhuận.

6 tháng đầu năm năm nay, doanh thu của MobiFone đạt 15.168 tỉ đồng doanh, tiếp tục giảm 12% so với cùng năm trước. Con số lợi nhuận trước thuế của MobiFone tăng 8,6% không thể hiện đúng bức tranh kinh doanh của hãng viễn thông di động này.

Thực tế, lợi nhuận thuần của MobiFone giảm so với cùng kì năm trước nếu loại trừ các doanh thu hoạt động tài chính gấp 5 lần cùng kì (534 tỉ đồng), chủ yếu là tiền lãi nhận được từ số tiền đa thu hồi từ AVG và lợi nhuận khác 47,5 tỉ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính cũng giảm do công ty không còn khoản nợ vay để bù vào số tiến đã mua AVG.

Bên cạnh đó, ban Tổng giám đốc MobiFone cũng thực hiện một kĩ thuật khác nhằm "làm đẹp" chỉ tiêu lợi nhuận của MobiFone, đó là việc điều chỉnh thời gian khấu hao đối với đối với nhóm tài sản là thiết bị mạng lưới và thiết bị nguồn điện giúp giảm giá vốn hàng bán trên sổ sách. Theo Ban Tổng giám đốc, việc thay đổi là phù hợp với tình trạng kĩ thuật và kế hoạch sử dụng các tài sản cố định.

Trong khi đó, thông tin từ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của MobiFone tăng trưởng âm ở mảng viễn thông với quy mô sụt giảm 3% do ảnh hưởng từ việc hạn chế sử dụng thẻ cào, tài khoản viễn thông trong việc thanh toán các dịch vụ nội dung số, giảm giá cước kết nối...

Nhìn chung, ngoài câu chuyện khách quan do chỉ số doanh thu bình quân của 1 thuê bao/tháng (ARPU) tại VN đang giảm đều từ 2007 đến nay, thì việc "khủng hoảng lãnh đạo" trong những năm gần đây đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị này.

Năm 2018 là năm mà Mobifone gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, đặc biệt là dự án mới. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 và 3 năm gần nhất của MobiFone cũng nêu rõ do nhiều cựu lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của MobiFone bị khởi tố dẫn đến sự xáo trộn trong đội ngũ cán bộ điều hành đã khiến tiến độ ký hợp đồng, nghiệm thu và thanh toán các dự án chuyển tiếp chỉ đạt 50-70%.

Theo đó, MobiFone đã ít nhiều đã mất đi cơ hội kinh doanh trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh dữ dội hơn. Trong đó, việc chậm đầu tư hạ tầng, nâng cấp chấp lượng dịch vụ có thể dẫn đến mất thị phần vào tay các đối thủ khác.

thi phan mobifone

Nguồn: Sách trắng CNTT-TT 2017

Trong khi MobiFone báo doanh thu giảm 12% thì doanh thu các dịch vụ viễn thông trong nước của Vietel vẫn tăng 4,2% trong năm 2018, con số tăng trưởng 2,9% trong 6 tháng đầu năm của Viettel cũng trái ngược hoàn toàn so với bước lùi 12% của MobiFone.

Doanh thu Mobifone

Nguồn: Tổng hợp BCTC

Cơ hội có còn nguyên vẹn?

Thực tế, tình hình tài sản của MobiFone vẫn rất tốt, đặc biệt là sau khi trả lại AVG. Tại thời điểm 30/6, Tổng tài sản của Tổng công ty mẹ MobiFone đạt 29.181 tỉ đồng, bao gồm tiền gửi ngân hàng 11.678 tỉ đồng và tiền mặt 1.745 tỉ đồng.

Mô hình của Tổng công ty MobiFone cũng đơn đã giản hoá, chỉ còn lại 3 công ty con là CTCP Dịch vụ Kỹ Thuật MobiFone, CTCP Công nghệ MobiFone Toàn cầu, CTCP Dịch vụ gia tăng MobiFone với vốn điều lệ không đáng kể so với quy mô của Tổng công ty.

Theo báo cáo vừa công bố tháng 7/2019, ban điều hành Mobifone cho biết, các nhà mạng đang đứng trươc sức ép về đổi mới, cạnh tranh và đầu tư theo sự phát triển không ngừng của công nghệ và nhu cầu khắt khe của khách hàng.

Với MobiFone, năm 2016 là năm đầu tiên trong giai đoạn phát triển 5 năm 2016-2020, đẩy mạnh kinh doanh trên 4 trụ cột Viễn Thông & CNTT – Truyền hình – Phân phối & Bán lẻ - Đa dịch vụ.

Trong giai đoạn 2016-2017, MobiFone tập trung đầu tư phát triển mạng 4G, hoàn thành phát sóng hơn 12.000 trạm 4G mới, nâng tổng số trạm đầu tư mới trong giai đoạn 2015-2017 lên hơn 30.000 trạm cả 3G và 4G.

MobiFone cho biết mạng lưới hiện tại của MobiFone có thể đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho 46 triệu thuê bao 2G/3G và 16 triệu thuê bao sử dụng data trong đó có 4 triệu thuê bao 4G.

Trong năm 2018, Mobifone cho biết đã hoàn thành triển khai lắp đặt hơn 8.000 trạm 4G, đáp ứng lượng thuê bao tăng trưởng mạnh. Việc triển khai mở rộng vùng phủ sóng giúp nâng cao chất lượng mạng lưới, tăng cường trải nghiệm với người dùng mạng Mobifone.

Thách thức lớn đối với Mobifone đó chính là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Xu hướng người dùng điện thoại di động đang thay đổi, từ việc gọi điện và nhắn tin bằng dịch vụ thoại truyền thống sang các dịch vụ trên nền tảng internet như như Zalo, Viber, Skype khiến doanh thu của MobiFone sụt giảm.

Theo đó, MobiFone buộc phải đầu tư cải thiện chất lượng sản phẩm của mình vốn nhiều năm bị các lãnh đạo bỏ quên. Trong năm 2018, MobiFone chuyển hướng đầu tư thêm các hệ thống tối ưu dữ liệu data (3G,4G).

MobiFone cho rằng, tốc độ tăng trưởng data tại thị trường Việt Nam dự báo đạt 22,5% mỗi năm sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp di động.

Theo MobiFone, xu hướng sắp tới sẽ là miễn phí các dịch vụ truyền thống, chuyển đổi cơ cấu dịch vụ từ chú trọng dịch vụ thoại và tin nhắn truyền thống sang ưu tiên phát triển dịch vụ nội dung, dữ liệu và các dịch vụ số.

Kế hoạch 2019, MobiFone sẽ phủ sóng 4G cả nước và thử nghiệm 5G giai đoạn đầu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh các dịch vụ Data tốc độ cao. Ngoài ra, Công ty dự kiến tập trung đầu tư phát triển các dự án công nghệ thông tin trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh như IoT, M2M, các hệ thống phân tích chuyên sâu (Big Data) bên cạnh hệ thống hỗ trợ công tác an toàn an ninh mạng, khắc phụ xử lý sự cố.

Hiện MobiFone đã được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp phép triển khai thử nghiệm 5G tại thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP HCM. Thời gian của giấy phép thử nghiệm từ 23/4/2019 đến 22/4/2020.

MobiFone sẽ cung cấp dịch vụ thử nghiệm 5G miễn phí cho khách hàng các ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao eMBB, phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí như nghe nhạc trực tuyến, video trực tuyến (HD, UHD 4K), trò chơi trực tuyến thời gian thực (AR, VR)…

Hiện tại, giới đầu tư đang kì vọng rất lớn vào thương vụ IPO của MobiFone, bởi cả năm nay thị trường chưa có một "bom tấn" thực sự nào có đủ sức hút. Tuy vậy, liệu rằng đợt IPO tới đây có còn mang lại lợi ích cho cổ đông nhà nước hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.

Tháng 6/2014, Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) ước tính giá trị MobiFone khoảng 3,4 tỉ USD. Thậm chí giá của MobiFone có thể tăng lên hơn 4 tỉ USD nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu vào năm 2016 - 2017.

Tuy nhiên, đó là cái giá của năm 2014, khi mà MobiFone vẫn kinh doanh khởi sắc. Ước tính của HSC dựa trên mức lợi nhuận năm 2013 với mức PE khoảng 12 lần.

Còn hiện nay, MobiFone một mặt đã không còn giữ được "phong độ" về lợi nhuận, trong khi phải đương đầu với thách thức cạnh tranh để giữ thị phần khi những rào cản gia nhập ngành này hiện không còn như trước.

Huy Nguyên