Mô hình chăm sóc y tế sẽ phải thay đổi nếu khẩu trang khan hiếm do virus corona
Một chuỗi cung ứng không chỉ tạo ra rủi ro nếu chủng virus corona mới lan rộng hơn, vượt con số 11 trường hợp được phát hiện ở Mỹ. Nó có thể trở thành hiểm họa ngay lập tức, do khẩu trang là sản phẩm cần thiết đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe hàng ngày.
Các nhân viên y tế đeo khẩu trang để bảo vệ bệnh nhân, và người mắc bệnh truyền nhiễm đeo khẩu trang để bảo vệ nhân viên y tế và những bệnh nhân khác. Hiện tại, trong giai đoạn đỉnh của mùa cúm, nhiều phòng cấp cứu cung cấp khẩu trang ở bàn tiếp đón và yêu cầu người mới đến đeo khẩu trang để ngăn chặn những cú hắt hơi và ho khi họ chờ.
Mọi người vẫn nhớ rằng, khi dịch SARS tràn qua Toronto vào năm 2003, một trong những nơi đầu tiên nó tấn công là phòng cấp cứu.
Vì thế, các nhà lãnh đạo những tổ chức chăm sóc sức khỏe ở Mỹ cảm thấy lo. Trung Quốc sản xuất phần lớn nguồn cung dược phẩm và thiết bị y tế của Mỹ - đặc biệt là những dụng cụ bảo hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay, áo choàng mà nhân viên bệnh viên sử dụng để bảo vệ bản thân và bệnh nhân khỏi lây nhiễm.
"Vì thế, chúng tôi lo ngại nguồn cung vốn đã mong manh có thể gãy nếu tình hình ở Trung Quốc trở nên tệ hơn", Tom Nickels, phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội Bệnh viện Mỹ (AHA), bình luận trong một email.
Tom Nickels nói thêm rằng AHA và các bệnh viện đang phối hợp với những quan chức của Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ để cập nhật thông tin về tác động tiềm tàng khi tình trạng khan hiếm khẩu trang trở nên tệ hơn.
"Ở khắp nước Mỹ, các tổ chức chăm sóc y tế đều nói về những nhà quản lí chuỗi cung ứng, những người đang kêu gọi lấy thêm khẩu trang để tích trữ", Connie Steed, một y tá ở bang South Carolina và giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Chuyên gia Kiểm soát lây nhiễm và Dịch tễ, phát biểu.
Nếu tình trạng khan hiếm khẩu trang diễn ra - và Steed nhấn mạnh rằng cô chưa biết bất kì tình trạng khan hiếm nào - các bệnh viện sẽ phải nghĩ tới những thứ họ có thể hi sinh, từ việc hoãn phẫu thuật tới yêu cầu nhân viên giặt và tái sử dụng các đồ bảo hộ.
Nhưng ở một số bộ phận trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, nguồn cung khẩu trang đã bắt đầu lâm vào tình trạng "nhỏ giọt".
"Một số người đang hỏi người khác cách mua khẩu trang", Sean McNeeley, một bác sĩ từng giữ chức chủ tịch Hiệp hội Chăm sóc khẩn cấp.
Hiện tại, Sean là giám đốc y khoa của mạng lưới cơ sở chăm sóc khẩn cấp ở khu vực Trung Tây của nước Mỹ liên kết với một bệnh viện lớn. Bệnh viện lớn này mua khẩu trang và thiết bị y tế từ các nhà bán buôn lớn ở Mỹ.
"Mọi nhà bán buôn đều nói với tôi rằng họ đang gặp khó khăn trong việc nhập hàng", Sean tiết lộ.
Giống như các bệnh viện lớn, các cơ sở chăm sóc khẩn cấp - lực lượng đang chiếm thị phần tăng dần trong thị trường chăm sóc y tế Mỹ, cũng sẽ phải thay đổi mô hình kinh doanh nếu họ không thể lấy đủ khẩu trang y tế.
Giám đốc McNeeley đặt giả thuyết rằng các bệnh viện, cơ sở y tế có thể sẽ phải chuyển đổi từ mô hình phục vụ tại chỗ sang chẩn đoán từ xa, theo đó họ sẽ đánh giá bệnh nhân qua điện thoại để sàng lọc những người có thể mang virus corona. Với cách ấy, họ có thể chuyển luôn những trường hợp nhiễm virus corona tới phòng cấp cứu, nơi khẩu trang luôn sẵn.