Miền Bắc không lo thiếu đất công nghiệp cho thuê trong năm 2022
Đại dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý III/2021, đặc biệt là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn sau những đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Theo Savills, bất chấp những thách thức đặt ra bởi tình hình đại dịch, tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp ở một số tỉnh thuộc vùng Kinh tế Trọng điểm (KTTĐ) miền Bắc nhìn chung vẫn ổn định.
Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn khu vực là 87% trên tổng diện tích đất Khu công nghiệp (KCN) và diện tích cho thuê là 20.567 ha, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Bắc Ninh và Hà Nội tiếp tục là hai thị trường dẫn đầu toàn khu vực.
Thống kê của đơn vị này cho thấy, Bắc Ninh dẫn đầu vùng KTTĐ phía Bắc với 15 dự án, cung cấp ra thị trường khoảng 5.797 ha và đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình năm 2021 là 99%. Đây cũng là tỉnh có nhiều dự án được phê duyệt nhất trong quý đầu năm với 5 KCN sắp triển khai.
Đơn cử như KCN Quế Võ III có diện tích hơn 208 ha với tổng vốn đầu tư gần 121 triệu USD, KCN Gia Bình II có diện tích 250 ha, vốn đầu tư hơn 172 triệu USD,... Tương tự, nguồn cung nhà xưởng và nhà kho của Bắc Ninh cũng cao hơn toàn vùng ở mức 10,25% so với tổng nguồn cung của cả nước.
Theo sau là Hải Phòng đạt 7,61%, Hải Dương 4,78% và Thái Nguyên 4,61%. Tiếp đến là Hà Nội, khu vực này chứng kiến tỷ lệ lấp đầy tăng nhẹ 1%, đạt 91% với 13 dự án và đứng thứ hai toàn vùng. Hải Dương với sức tăng là 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tỷ lệ lấp đầy là 86% với 10 dự án. Vĩnh Phúc và Hưng Yên cùng ở mức cao hơn là 88%.
Xét về giá thuê, theo Savills, việc hạn chế đi lại và tỷ lệ lấp đầy tương đối ổn định đã khiến giá cả ít leo thang hơn so với giai đoạn 2018 - 2020. Trung bình, giá thuê đất tăng 9,89% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 100 USD/m2.
Giá thuê tại Hà Nội vẫn chiếm vị trí cao nhất với 129 USD/m2. Các thị trường khác ghi nhận mức giá tăng như Bắc Ninh đạt 106 USD/m2, Hải Phòng đạt 101 USD/m2 và Hải Dương đạt 79 USD/m2. Hưng Yên có mức tăng mạnh nhất, đạt mức 22% so với cùng kỳ năm ngoái với 101 USD/m2.
Ông Lê Huy Đông, Quản lý Bộ phận Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp Savills Hà Nội đánh giá, tiềm năng phát triển của các KCN miền Bắc là rất lớn với giá thuê hợp lý và nguồn cung tương lai dồi dào. Bên cạnh đó, một trong những điểm thu hút của vùng KTTĐ phía Bắc nằm ở mạng lưới giao thông phát triển, đất công nghiệp đắc địa được hỗ trợ bởi sự phát triển của nhiều cơ sở hạ tầng mới.
Còn theo ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp Savills Việt Nam, những nhà phát triển công nghiệp đã không thể cho thuê nhiều bất động sản như dự kiến bởi các nhà đầu tư nước ngoài và khách thuê không thể trực tiếp tham quan, lựa chọn và ký hợp đồng cho thuê dịch vụ này. Tuy nhiên, trong năm 2021 ghi nhận nguồn cung bất động sản công nghiệp dồi dào do sự ra đời của các khu công nghiệp và dự án mới.
Nếu như năm 2020, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, những hiệp định tự do Thương mại FTA đã tạo ra làn sóng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc của các công ty đa quốc gia; đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển theo chuỗi giá trị.
Đến năm 2021, việc phong tỏa và hạn chế đi lại đã làm chậm sự di dời hoạt động khỏi Trung Quốc như dự kiến. Tuy nhiên, theo dự báo của vị chuyên gia này, hoạt động cho thuê sẽ hiệu quả hơn vào năm 2022, khách thuê và nhà đầu tư cũng sẽ có nhiều lựa chọn về nguồn cung mới khi nhiều lệnh giãn cách được dỡ bỏ.
Xét về nguồn cung đất công nghiệp trên cả nước, tính đến tháng 5/2021 đã có 394 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên là 121.900 ha. Trong đó, có 286 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 71,8%, giảm so với 74% được ghi nhận vào năm ngoái. Trong nửa đầu năm 2021, có 25 KCN mới được thành lập, tăng 19 KCN so với 6 tháng đầu năm 2020.
Riêng quý đầu năm, hàng chục dự án KCN tại 13 tỉnh, thành đã được phê duyệt, cung cấp hàng nghìn ha đất công nghiệp cho nhu cầu tương lai. Bắc Ninh có nhiều dự án nhất với 5 KCN sắp triển khai.
Hay Quảng Trị có các dự án mới như KCN Quảng Trị (481,2 ha với vốn đầu tư 90,2 triệu USD), KCN Triệu Phú (529 ha). Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc dự kiến có một số dự án mới với tổng nguồn cung 500 ha. Nhiều dự án mới cũng sẽ triển khai tại các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Long, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Nam Định và Nghệ An.
Ở khu vực phía Nam có thêm 3 KCN mở rộng với tổng diện tích 6.475 ha, bao gồm KCN Long Đức 3 (253 ha), KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp (2.627 ha), KCN Xuân Quế - Sông Nhạn (3.595 ha). Long An dự kiến có KCN Thế Kỷ 119 ha và tổng mức đầu tư 59 triệu USD do Công ty TNHH Hải Sơn phát triển tại huyện Đức Hòa.