Mĩ phẩm chăm sóc da đang thăng hoa nhờ mạng xã hội và cố vấn ảo
Với tư cách là một phân khúc thị trường mĩ phẩm, sản phẩm chăm sóc da đang phát triển nhanh hơn mọi phân khúc khác của ngành làm đẹp. Doanh thu từ sản phẩm chăm sóc da tăng 13% trong năm ngoái tại Hoa Kỳ, trong khi trang điểm chỉ tăng 1% trong cùng kỳ.
Các nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp trực tuyến tăng trưởng 24% trong thời gian đó, với vị trí đứng đầu thuộc về sản phẩm chăm sóc da
Châu Á - Thái Bình Dương có vai trò lớn đối với sự bùng nổ của mĩ phẩm chăm sóc da trên toàn cầu, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp. Song câu hỏi lớn hơn là: Vì sao thị trường mĩ phẩm chăm sóc da bùng nổ?
Ý thức về sức khỏe và sắc đẹp của người dân tăng
Người tiêu dùng có ý thức cao hơn về sức khỏe và đời sống tinh thần. Họ cho rằng các sản phẩm tự nhiên sẽ đảo ngược các vấn đề họ gặp phải với làn da của họ. Những sản phẩm này cũng có chi phí sản xuất cao hơn, song người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn để giải quyết các mối quan tâm của họ.
Những người tiêu dùng hướng nhiều hơn đến chánh niệm và sức khỏe cũng có nhiều khả năng tìm và tuân thủ các thói quen hàng ngày mà họ có thể tin tưởng và dựa vào. Trong bối cảnh đó, thói quen chăm sóc da không chỉ trở thành một nghi thức quan trọng, mà còn là yếu tố thúc đẩy sự duy trì và giá trị trọn đời cao hơn cho các thương hiệu.
Ví dụ, ở Trung Quốc, số lượng mặt nạ dưỡng da mà người dân sử dụng hàng ngày đã tăng gấp 3 lần từ năm 2016 tới năm 2018, khi những người nổi tiếng chia sẻ nghi thức đắp mặt nạ như là bí mật để có làn da đẹp.
Những sản phẩm tương tự đang thúc đẩy tăng trưởng của ngành mĩ phẩm trên toàn cầu. Theo một báo cáo, sản phẩm chăm sóc da tăng trưởng nhờ những danh mục sản phẩm phụ trợ mà người dân sử dụng trong liệu trình chăm sóc da nhiều bước - như huyết thanh, các liệu pháp và mặt nạ dưỡng da.
Sức mạnh của mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo
Báo cáo cũng chỉ ra rằng các thương hiệu chăm sóc da có mức tương tác trên Instagram cao hơn 40% so với các thương hiệu mĩ phẩm màu và cao hơn 44% về lượt theo dõi. Những câu chuyện trên Instagram dẫn dầu trong những yếu tố thu hút người dân, cho phép các thương hiệu triển khai những nội dung mang tính giáo dục.
Mặc dù vậy, các thương hiệu cũng không giới hạn bản thân trong những kênh trên mạng xã hội. Lượt truy cập web của họ cũng tăng 38% từ quí I năm 2017.
Hiện tại, một thương hiệu chăm sóc da đăng trung bình 12 bài mỗi tuần, thu hút 2.500 lượt tương tác với mỗi bài. Nhờ nội dung giáo dục bằng hình ảnh trực quan, các thương hiệu không chỉ giúp người tiêu dùng hiểu về nguyên liệu, kĩ thuật và liệu trình chăm sóc da, mà còn khiến người tiêu dùng thổ lộ về mối quan hệ của họ với làn da và lí do họ yêu một số sản phẩm nhất định.
Bên cạnh mạng xã hội, nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ chăm sóc da đang triển khai các giải pháp như cố vấn ảo để nói chuyện trực tiếp với người tiêu dùng trong thời gian thực, thuyết phục họ tiết lộ nhu cầu và mối quan tâm của họ, giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn họ trong quá trình bán hàng.
Với một cố vấn ảo, thương hiệu mĩ phẩm không chỉ hiểu mối quan tâm của người tiêu dùng, mà còn chủ động thu hút họ bằng thông tin chính xác. Đó là một công cụ bán hàng tốt, và chỉ có thể trở thành hiện thực nhờ trí tuệ nhân tạo ngày nay.