Thị trường sản phẩm làm đẹp cho nam giới: Còn nhiều dư địa phát triển, chờ sự cạnh tranh giữa startup Việt và thương hiệu quốc tế
Thời gian gần đây, Nerman, startup cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho nam giới đã nhận được nhiều sự quan tâm của truyền thông, đặc biệt là sau những lùm xùm với Shark Bình kể từ khi lên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 3.
Dù vậy, tạm bỏ qua những lùm xùm xoay quanh thương vụ này, những con số tài chính mà Nerman đem đến chương trình đã khiến nhiều “cá mập” phải ngạc nhiên. Cụ thể, Nerman bắt đầu mở bán từ đầu năm 2021, đến hết quý I/2022, Nerman đã có 150.000 khách hàng và bán ra hơn 330.000 sản phẩm. Năm 2021, doanh thu của Nerman đạt 848.000 USD với lợi nhuận trước thuế là 10%. Đến năm 2022, doanh thu trước thuế toàn quý I đạt 1,3 triệu USD.
Những con số này là minh chứng cho thấy thị trường làm đẹp dành cho nam giới cũng là một thị trường tiềm năng. Thậm chí, thị trường này còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai.
Tiềm năng thị trường làm đẹp dành cho nam giới
Theo báo cáo từ Grand View Research, thị trường chăm sóc sắc đẹp dành cho nam giới đạt giá trị 30,8 tỷ USD trên toàn cầu và dự kiến có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt tỷ lệ 9,1% từ năm 2022 đến năm 2030.
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm dành riêng cho nam giới như dầu gội đầu, dầu xả, kem cạo râu, mặt nạ,…. ngày càng tăng và dự kiến sẽ có tác động tích cực đến thị trường.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ngành thương mại điện tử, từ đó tạo bàn đạp để thị trường chăm sóc sắc đẹp làm cho nam giới ngày càng phát triển lớn mạnh hơn, bởi lẽ ngày càng có nhiều sự xuất hiện của các sản phẩm mỹ phẩm dành cho nam trên các sàn giao dịch điện tử.
Theo khảo sát của L.E.K tại Mỹ vào năm 2021, có khoảng 26% nam giới tự lựa chọn và mua các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho cá nhân thay vì nhờ người thân hoặc bạn bè tư vấn. Với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, các đơn vị cũng đang bắt đầu nghiên cứu các sản phẩm mới dành cho nam. Ví dụ, tháng 5/2020, Bulldog Skincare, một nhà sản xuất sản phẩm dành cho nam giới uy tín tại Anh đã tung ra một loại dao cạo râu làm từ than tre bền vững cho các vùng da nhạy cảm.
Theo nghiên cứu từ Ipsos, có khoảng 17% nam giới ở độ tuổi 18 – 65 sẽ cân nhắc sử dụng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp dành cho nam trong tương lai. Đặc biệt, với thế hệ Gen Z (những người sinh trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến năm 2012), nhu cầu sử dụng là rất cao. Khảo sát của Ipsos chỉ ra rằng có khoảng 1/3 số người được hỏi thuộc nhóm Gen Z cho biết họ đang sử dụng ít nhất một sản phẩm làm đẹp dành cho nam giới, và số lượng người mong muốn sử dụng các sản phẩm làm đẹp này trong tương lai cũng tăng lên.
Theo nghiên cứu từ Mitel, doanh số bán hàng của các loại mỹ phẩm dành cho nam giới như kem cạo râu, lăn khử mùi, sữa tắm,... đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong thời gian gần đây. Đó là tín hiệu đáng mừng cho những người đang muốn kinh doanh mỹ phẩm nam giới.
Ngoài một số sản phẩm thông dụng như dầu gội, xà bông, nước hoa,... còn một số mặt hàng khác cũng được ưa chuộng như son dưỡng môi, kem dưỡng da, kem trị mụn, sữa dưỡng thể,... Mỗi loại sản phẩm lại có nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nhau cùng sản xuất như Romano, X-men, Racing, Rexona, Axe,... Những thương hiệu này thường tổ chức rất nhiều sự kiện xúc tiến bán nhằm thu hút khách hàng, hoạt động tiếp thị cũng được triển khai mạnh mẽ từ truyền thống đến trực tuyến.
Thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển
Tại châu Á, bất chấp việc Trung Quốc chiếm thị phần lớn, song Hàn Quốc mới là quốc gia dẫn đầu ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm làm đẹp dành cho nam giới. Theo dự đoán từ GMO Research, ngành công nghiệp làm đẹp dành cho nam giới xứ Hàn sẽ đạt giá trị 21,2 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ CAGR đạt 6,2% trong giai đoạn 2021 – 2024.
Các quốc gia khác cũng đang bắt đầu cho thấy sự phát triển về cả nhu cầu lẫn doanh số với các sản phẩm làm đẹp này. Ví dụ, thị trường Nhật Bản vẫn còn tương đối nhỏ so với Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng nơi đây là một thị trường tiềm năng với tốc độ CAGR được dự đoán đạt khoảng 3 – 4%.
Đây là một thay đổi đáng chú ý, đặc biệt là khi Nhật Bản từng chứng kiến phản ứng lạnh lùng từ nam giới Nhật Bản đối với các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp dành cho nam giới hơn một thập kỷ trước.
Việt Nam cũng là một trong những thị trường tiềm năng về các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp dành cho nam giới. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Slideshare, tính đến năm 2013, thị trường làm đẹp dành cho nam giới tại Việt Nam tăng trưởng 9%, đạt tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của thị trường làm đẹp nói chung.
Những sản phẩm làm đẹp được ưa chuộng tại Việt Nam đến từ nhiều thương hiệu khác nhau, có thể kể tới như Unilever, Clear, Rexona, Axe, Vaseline Men, Pond’s Men, P&G, Gilette, Head & Shoulders,…
Theo nghiên cứu, có khoảng 60% nam giới cần sử dụng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp dành cho nam, nhưng mới có khoảng 8% đang thực sự sử dụng các loại sữa rửa mặt. Vì vậy, trong tương lai, số lượng nam giới sử dụng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp này có thể sẽ còn tăng lên, qua đó tạo điều kiện cho các thương hiệu Việt khác như Nerman tiếp cận và thúc đẩy tăng trưởng.
Mặt khác, theo báo cáo từ Q&Me, đại dịch COVID-19 cũng đã thay đổi thói quen chăm sóc sắc đẹp của nam giới Việt Nam. Trong suốt hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng nam giới quan tâm và chú ý tới việc chăm sóc da mặt tại nhà đã tăng lên, với 59% số lượng người có thói quen sử dụng các sản phẩm mặt nạ chăm sóc da mặt có giá từ 100.000 đồng – 300.000 đồng hàng ngày. Cùng với đó, việc tắm gội thường xuyên tại nhà cũng khiến "đấng mày râu" chú ý hơn tới việc lựa chọn sản phẩm sữa tắm, dầu gội,... dành riêng cho nam.
Hiện tại, thị trường Việt Nam đang có sự xuất hiện của nhiều đơn vị nước ngoài nổi tiếng như Bulldog, Nivea Men, Tom Ford For Men,… kết hợp với thương hiệu mới nổi trong nước, nhưng đã gây dựng được danh tiếng nhất định như Nerman, Zencos,… Vì vậy, có thể thấy sự cạnh tranh trên thị trường còn nhiều tiềm năng khai thác như các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tại Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Tất nhiên, đây vừa là cơ hội, cũng là thách thức cho các doanh nghiệp muốn vươn lên thống trị thị trường này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/